(PL) – Ngày 22-12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức hội thảo chương trình “Bình chọn các quy định tốt nhất và tồi nhất”.
Trong đó dự kiến có 10 quy định được xếp hạng tốt nhất và 10 quy định được xếp hạng tồi nhất.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về cuộc bình chọn này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhìn nhận gần đây có nhiều quy định, đạo luật được đánh giá cao, trao thêm quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp (DN), đi gần hơn các thông lệ của quốc tế. Điển hình như Luật DN, Luật Đầu tư 2014 hay có những chính sách rất tốt được cộng đồng DN đánh giá cao như Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngược lại, thời gian qua nhiều DN, hiệp hội DN đánh giá rất nhiều quy định gây khó khăn, chưa tuân thủ đúng định hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN và người dân như một số văn bản về kiểm tra chuyên ngành khi xuất nhập khẩu, một số quy định về điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh… Chẳng hạn trong danh sách 10 quy định được đánh giá tồi nhất mà một bộ A có đến 2-3 quy định thì chắc chắn hoạt động tham mưu xây dựng hay trực tiếp xây dựng quy định pháp luật của bộ đấy có vấn đề.
Trả lời câu hỏi các bộ, ngành, địa phương sẽ phản ứng thế nào nếu được bình chọn tồi nhất, ông Tuấn nói: “Ở Việt Nam đúng là khen nhau thì dễ chứ chê ai đó thì rất khó. Một chương trình bình chọn thế này chắc cũng có những phản ứng từ các cơ quan có liên quan. Nhưng chúng tôi cố gắng thiết kế sao cho chê nhưng là chê có chứng lý, có phân tích và đặc biệt là có giải pháp gợi ý, đề xuất cải thiện”. Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng cũng như tất cả đạo luật về DN từ trước đến nay, Luật DN năm 2014 vẫn tiếp tục là một trong những điểm nhất, là một bước chuyển mạnh mẽ. Nhưng đáng tiếc là kết quả đạt được không trọn vẹn, do vướng phải rào cản đổi mới “nửa vời”.
Ví dụ ba quy định rất quan trọng trong Luật DN là: Tự do kinh doanh, tự do quyết định con dấu và tự do đặt ra nhiều người đại diện theo pháp luật. DN rất hồ hởi trước quy định này vì được mở rộng quyền gần như hết cỡ. Đáng tiếc là dù quy định được tự do kinh doanh hầu hết ngành nghề nhưng vẫn buộc phải khai báo đầy đủ thủ tục pháp lý (như cũ); tự do quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu nhưng lại vẫn bắt buộc phải đóng trong hầu hết trường hợp…
“Như vậy những quy định này rất có thể giành cả hai “giải”: Là quy định tốt nhất nhưng cũng lại là tồi nhất” – ông Đức kết luận.
CHÂN LUẬN
——————————————————-
Pháp luật TP HCM (Kinh tế) 22-12-2015:
http://2015.phapluattp.vn/kinh-te/quan-ly-thi-truong/chuan-bi-cong-bo-10-quy-dinh-bi-xep-hang-toi-nhat-602590.html
(204/588)