932. Hỗ trợ Doanh nghiệp: Cần nhiều hơn một chính sách thuế

(HQ) – Việc giảm thuế cho DN nhỏ và vừa và nhóm DN khởi nghiệp là một sự hỗ trợ hết sức ý nghĩa của Chính phủ, nhất là với những DN gặp nhiều khó khăn về vốn. Tuy nhiên, để chính sách thực sự tiếp sức cho DN, cần sự sát sao hơn nữa từ phía cơ quan ban ngành để giúp cho DN có thể dễ dàng tiếp cận.

Giảm thuế thu nhập DN 15 % hoặc 17% sẽ là sự tiếp sức đáng kể cho nhóm DN nhỏ và vừa và DN khởi nghiệp. (Ảnh: T.LINH)

Vừa mừng, vừa lo

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ phương án giảm thuế suất thuế Thu nhập DN với DN vừa và nhỏ về mức 15% hoặc 17% (thuế suất phổ thông hiện hành là 20%).

Theo đánh giá của nhiều DN, một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí kinh doanh, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư.

Ông Đỗ Hồng Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần kết cấu thép Vsteel cho rằng: “Với DN nhỏ đang phải gồng gánh nhiều loại thuế phí khác nhau, giảm được đồng nào hay đồng đấy, dù ít hay nhiều đều có ý nghĩa không nhỏ với DN. Với DN chỉ có doanh thu vài chục tỉ đồng/năm, khoản tiền vài trăm triệu tới 1 tỷ đồng tiết kiệm từ việc giảm thuế sẽ được dùng để tái đầu tư sản xuất, bù vào giá thành sản phẩm, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho DN”.

Tuy nhiên, dưới một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, với những DN nhỏ, siêu nhỏ và DN khởi nghiệp, việc giảm thuế, thậm chí miễn thuế cũng không có ý nghĩa nhiều bởi nhiều DN hiện đang rất khó khăn, kinh doanh không có lãi, thua lỗ triền miên. Theo ông Nguyễn Đức Định, Giám đốc Công ty Cổ phần quản lý dự án xây dựng miền Trung: “Một DN nhỏ làm ăn phải nhiều năm sau mới có lãi. Thu nhập không có, vậy giảm thuế thu nhập để làm gì? Điều mà DN nhỏ thật sự cần nhiều hơn là chỉ giảm thuế. Đó là chính sách của Nhà nước về ưu đãi về đất đai, mặt bằng sản xuất, dịch vụ công… Chỉ khi có những hỗ trợ như vậy, DN làm ăn có lãi, việc giảm thuế mới thực sự tác động đến DN”.

Trước hai phương án của Bộ Tài chính, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa đề nghị Chính phủ chọn phương án giảm thuế xuống còn 15% bởi phương án 17% chưa hỗ trợ được nhiều cho DN. Nhiều DN nhỏ và vừa hiện đã có dấu hiệu đuối sức. Việc “tiếp sức” của Nhà nước qua thuế là rất quan trọng giúp DN có thể vượt lên. Ông Đỗ Hồng Thái cũng băn khoăn, sắp tới nếu Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được thông qua với quy định DN được giảm 5% thuế Thu nhập, DN có được hưởng cả hai ưu đãi này không hay chỉ được áp dụng một “gói” hỗ trợ.

Thế nào là DN nhỏ, thế nào là DN vừa?

Việc miễn giảm thuế cho DN nhất là DN nhỏ và vừa được cho là hành động tiếp sức cho DN từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), hiện nay chưa có quy định nào để phân định rõ ràng đâu là DN nhỏ, đâu là DN vừa. Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có nhắc đến nhưng theo luật sư Trương Thanh Đức, định nghĩa được sử dụng trong dự thảo chưa được hợp lý và rõ ràng bởi với quy mô của nền kinh tế Việt Nam, chỉ chênh lệch 1 vài tỷ đồng vốn cũng sẽ tạo khoảng cách lớn giữa các DN. Việc áp dụng ưu đãi về thuế khi chưa có cơ sở phân định rõ ràng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN và nhiều khả năng Nhà nước sẽ thất thu một khoản ngân sách cho những DN không xứng đáng được miễn giảm.

Nhiều DN cũng lo rằng, nếu ưu đãi thuế không đi kèm với những quy định minh bạch, tránh chồng chéo thì DN khó có thể tận dụng được hết những hỗ trợ này. Ông Nguyễn Đức Định cho rằng, đi kèm với chính sách miễn giảm thuế lần này, Bộ Tài chính cũng nên quy định rõ ràng nguyên tắc chi phí được trừ, chi phí nào không được trừ vào thu nhập tính thuế Thu nhập DN. Việc quy định rõ ràng, chi tiết sẽ thuận lợi cho hơn cho DN trong việc hạch toán thu chi.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Đức Định, để được hưởng các khoản ưu đãi về thuế, DN phải làm hồ sơ báo cáo chứng minh một số vấn đề như thu nhập, nhân sự, mặt bằng kinh doanh, đất đai… Các thủ tục này phức tạp và mất khá nhiều thời gian. Bởi vậy vị này kiến nghị cần nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục và điều kiện để các biện pháp ưu đãi cho DN có thể đi vào cuộc sống.

“Chính sách dù tốt cũng phải đi kèm với những biện pháp cải cách, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để quy định đi vào cuộc sống. Tôi lo rằng, dù phía Bộ Tài chính và Chính phủ có chính sách rõ ràng, cởi mở để tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhưng các bộ ngành, địa phương khác không thực hiện đúng, thậm chí còn lợi dụng để “hành” DN. Tôi nghĩ khi ban hành chính sách mới cần phải chủ động chuyển đổi thủ tục hành chính, kể cả việc đào tạo lại cán bộ công chức cho phù hợp, nâng cao năng lực thi hành công vụ”, ông Định kiến nghị.

Thùy Linh

———————————

Hải quan (Doanh nghiệp) 03-7-2016:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Ho-tro-Doanh-nghiep-Can-nhieu-hon-mot-chinh-sach-thue.aspx

(172/1.084)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,601