933. Loại bỏ giấy phép con: Cuộc chiến cân não!

(CL) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thực hiện nghiêm thời hạn đối với việc rà soát, ban hành lại đúng thẩm quyền các điều kiện kinh doanh theo quy trình rút gọn. Để đạt mục tiêu cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng tinh thần khởi nghiệp để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nhân. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn trên 6.000 giấy phép con mà hơn một nửa trong số đó được ban hành trái luật đã làm không ít DN lao đao.

Góp phần “tiêu diệt” doanh nghiệp

Theo Luật DN, từ ngày 1/7 tới, nếu những điều kiện kinh doanh (ĐKKD) của các bộ, ngành ban hành trước đây không được nâng thành nghị định thì sẽ hết hiệu lực. Nghị quyết về triển khai thi hành Luật DN, Luật Đầu tư đã nêu rõ nhiệm vụ của các bộ, ngành trong việc rà soát những ĐKKD, quy định đúng thẩm quyền của Luật Đầu tư và phụ lục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, tiến độ triển khai những việc này rất chậm, nhất là đưa các ĐKKD từ thông tư lên nghị định.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ví ĐKKD giống như một rừng đinh có khả năng gây sát thương cao đối với DN. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 100.000 DN mới được thành lập nhưng số giải thể, ngừng kinh doanh cũng lên đến khoảng 60.000.

Nhiều doanh nghiệp bị “hạ gục” bởi các điều kiện kinh doanh, giấy phép con.

Con số này, xét trong điều kiện kinh tế không có biến động, số lượng DN đã bão hòa thì sẽ được xem là bình thường. Còn trong bối cảnh tỉ lệ DN tính trên đầu người vẫn còn thấp như ở Việt Nam thì số DN phá sản như trên là bất thường. Trong số những DN rút khỏi thị trường, chắc chắn có những DN bị “hạ gục” bởi ĐKKD, giấy phép con.

Một con số được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân gần đây cũng cho thấy DN đang đuối sức: Cả nước có 980.000 DN nhưng chỉ có hơn 520.000 DN đang hoạt động, được cấp mã số thuế.

Một trong những lĩnh vực “kêu” nhiều nhất về ĐKKD là nhập khẩu ô tô – bị điều chỉnh bởi Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty CP Thương mại Kylin-GX, cho biết trước đây, các DN nhập khẩu ô tô nhập rất nhiều mẫu xe mới với giá cạnh tranh nhưng sau năm 2011, việc kinh doanh không còn thuận lợi. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất ô tô thường chỉ cần một đại lý ở Việt Nam nên các DN thương mại không thể lo được giấy ủy quyền chính hãng như quy định tại Thông tư 20/2011. Các DN phải kinh doanh xe cũ, còn DN nước ngoài ung dung đặt đại lý ở Việt Nam.

Theo ông Hùng, DN của ông đã đặt cọc hàng triệu USD cho đối tác nước ngoài để nhập xe nhưng nay không thể tiếp tục kinh doanh được. “Có thể nói Thông tư 20/2011 đã góp phần tiêu diệt DN nhập khẩu ô tô. Chúng tôi từng viết tâm thư lên Thủ tướng mong được tháo gỡ và tiếp tục chờ đợi” – ông Hùng bức xúc.

Các DN ô tô cũng lo lắng sau ngày 1/7, Thông tư 20 được nâng cấp thành nghị định mà không có đối thoại với DN, không điều chỉnh thì DN nhập khẩu ô tô của Việt Nam không còn cơ hội kinh doanh. Khi đó, thị trường sẽ rơi vào tay DN ngoại.

Nguy cơ nhũng nhiễu

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, phân tích: ĐKKD có thể giúp đạt được các mục tiêu về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội… song nó cũng gây ra nhiều hậu quả đối với DN. Đó là giảm tính cạnh tranh của thị trường, tăng cơ hội độc quyền; giảm tính năng động, đổi mới của DN; có khả năng dẫn đến việc tăng giá, giảm chất lượng và dịch vụ đi kèm cho người sử dụng và đặc biệt là có nguy cơ gây tiêu cực, nhũng nhiễu.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), có tới 11% trong tổng số hơn 110.000 DN được điều tra cho biết phải trả các chi phí không chính thức lên tới 10% tổng doanh thu. 65% DN cho rằng tình trạng nhũng nhiễu của cơ quan quản lý các cấp khi giải quyết thủ tục cho DN diễn ra rất phổ biến.

Đáng lưu ý là trong quá trình nước rút rà soát ĐKKD hiện nay, nhiều bộ, ngành không những không loại bỏ ĐKKD trái thẩm quyền mà còn “sáng tạo” thêm. Ví dụ, tờ trình dự thảo kinh doanh mũ bảo hiểm của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy ngoài việc nâng cấp các nội dung từ thông tư lên nghị định còn bổ sung nhiều ĐKKD khác như: DN phải có hệ thống phân phối, nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất… Như vậy, DN chưa có giấy phép hoạt động đã phải tổ chức hệ thống phân phối là quy trình rất ngược.

Thậm chí, tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải về kinh doanh vận tải biển còn lo ĐKKD thoáng quá, DN bị lỗ nên phải siết chặt thêm. Tờ trình này nêu “trong thời gian qua, do ĐKKD đơn giản, nhiều DN vận tải biển được thành lập với năng lực khai thác của các chủ tàu rất hạn chế, kinh doanh khó khăn, nợ quá hạn kéo dài, thu không bù được các chi phí… Do đó, cần thiết phải bổ sung một số điều kiện nhằm nâng cao chất lượng kinh doanh vận tải biển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển”.

Cuộc chiến cân não

Cũng phải nhắc tới danh mục các thông tư ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền đã được Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp thống kê để trình Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp này. Trong số này, tên các bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Giao thông – Vận tải, Y tế, Công thương… được nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần. Các thông tư này được ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực, 1/7/2015.

Tạm chưa bàn tới các nội dung của các điều kiện này, mà rất nhiều chuyên gia Tổ công tác cho rằng “không đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư”, thực trạng không nhận thức đúng quy định về thẩm quyền trong việc ban hành điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư thực sự đáng lo ngại.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, Tổ trưởng Nhóm thư ký của Tổ công tác đã rất thận trọng khi nhắc tới vấn đề này.

Lý do bởi nhiều bộ vẫn cho rằng, họ có quyền ban hành điều kiện kinh doanh, nên vẫn có một loạt thông tư ra đời. Hơn thế, tình hình đang khá rối rắm khi một số luật, cả luật mới có hiệu lực sau ngày 1/7/2015, có quy định giao trực tiếp cho các Bộ trưởng có liên quan ban hành quy định về điều kiện kinh doanh. Rồi có cả nghị định ban hành điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với cả ngành, nghề không được quy định tại Danh mục 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trong khi đó, vẫn còn tới 15 trong số 16 ngành trong danh mục 267 ngành nghề có điều kiện chưa được các bộ, ngành ban hành điều kiện, nghĩa là chỉ có vỏ chứ chưa có ruột. Đây là danh mục được thực hiện theo đề xuất của các bộ, ngành, vậy nhưng khi cần hoàn tất các quy định thì các bộ không làm.

“Chúng tôi cũng đã tự hỏi, các ngành này có thực sự cần điều kiện không, vì cho đến giờ nó vẫn tồn tại không điều kiện mà không thấy bộ, ngành nào có ý kiến là không quản lý được”, ông Cung nói và cho rằng, các bộ, ngành nếu xét thấy ngành nghề nào không cần thiết phải có điều kiện kinh doanh thì nên tập hợp để loại ra.

Rõ ràng, khoảng thời gian hai tháng tới đây sẽ là cuộc cân não căng thẳng giữa tư duy cũ và mới về điều kiện đầu tư –  kinh doanh trong các bộ, ngành.

Khánh An

DIỄN ĐÀN

…………………………………………………………

Dẹp nạn giấy phép con

Nhìn vào thực tế môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam rất nhiều người khẳng định, môi trường đầu tư hiện nay không ổn định, thiếu an toàn.

Bất an ở chỗ, rất nhiều giấy phép con hiện diện buộc doanh nghiệp phải thực hiện đúng. Và thực hiện đúng theo quy định của hàng loạt giấy phép con là cả vấn đề. Quan trọng hơn cả, chỉ cần bất cẩn trong việc chấp hành quy định của giấy phép con doanh nghiệp sẽ bị quy trách nhiệm.

Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực rồi nhưng không hiểu sao thời gian gần đây giấy phép con được ra đời rất nhiều.

Giới doanh nghiệp ngán ngại việc cài thêm những yêu cầu chưa hẳn đã cần thiết trong nhiều lĩnh vực, như: giấy phép, giấy chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh…  Đại diện nhiều doanh nghiệp kiến nghị, nên cải cách quy trình đăng ký kinh doanh, các quy định cấp phép phải rõ ràng. Đặc biệt bỏ bớt giấy phép con không cần thiết. Đồng thời, hạn chế ban hành nghị định bổ sung giấy tờ cho doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã ban hành hơn 10 tháng nhưng vẫn còn khoảng trống vì chưa có hướng dẫn. Đề nghị dưới luật chỉ nên có Nghị định không nên có thông tư. Thông tư là “cha đẻ” của giấy phép con và cơ chế xin – cho. Điều này vô hình chung gây nhũng nhiễu doanh nghiệp nhiều hơn. Cần dẹp được nạn giấy phép con nếu không doanh nghiệp còn khổ dài dài. Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát và xử lý cán bộ nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.

Hiện có khoảng 7.000 giấy phép con hoành hành doanh nghiệp chứ không phải là 6.000 như thống kê trước đó. Ngoài những điều kiện kinh doanh được xác lập trong những thông tư trước đây, một số bộ ngành vẫn tiếp tục ban hành thông tư với những điều kiện kinh doanh mới, kể cả khi Luật DN và Luật Đầu tư  sửa đổi đã ban hành. Điều này trái hẳn ý nghĩa và lợi ích mà Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mang lại.

Trước những bức xúc về nạn “giấy phép con”, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phải chủ động rà soát bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không còn phù hợp.

Kiến nghị Chính phủ các giải pháp cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang hậu kiểm; tiết giảm thủ tục đăng ký đầu tư theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 59/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, năm 2016 sẽ cắt bỏ thêm nhiều thủ tục hành chính để đảm bảo thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp.   

 Tâm Luân

 (Báo Đại đoàn kết)

 

BÌNH LUẬN

…………………………………………………………

Tôi tin là chương trình cải cách điều kiện kinh doanh sẽ thiết thực hơn

Năm nay và 5 năm tới, Chính phủ đã xác định là năm của khởi nghiệp. Khởi nghiệp không có nghĩa là gia nhập thị trường, thành lập mới một doanh nghiệp nào đó, mà còn có ý nghĩa trong việc mở rộng đầu tư, phát triển những sáng tạo kinh doanh mới của những DN hiện nay. Nhưng nếu chỉ 1 giấy phép con, 1 loại điều kiện kinh doanh vô lý còn tồn tại, nó có thể giết chết đi hàng trăm, hàng ngàn DN Việt Nam, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh. Điều này không chỉ gây hệ luỵ vô cùng to lớn cho môi trường kinh doanh Việt Nam, làm cản trở quá trình đưa Việt Nam vươn lên TOP ASEAN-4 và còn lạm chậm lại quá trình phát triển của cả nền kinh tế, khi mỗi DN là một hạt nhân. DN khoẻ thì kinh tế mới phát triển và quốc gia mới thịnh vượng. Nói về cuộc chiến bãi bỏ giấy phép con sau ngày 1/7, ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng:

Thời điểm 1/7 không phải là thời điểm bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Tôi nghĩ báo chí kỳ vọng hơi quá.

Ngày 1/7 chỉ là thời điểm quy định các điều kiện kinh doanh ở cấp Thông tư không còn hiệu lực và Chính phủ đảm bảo là không có khoảng trống pháp lý về vấn đề này. Tuy vậy, qua rà soát vừa qua, những ý kiến của VCCI đã được lắng nghe, chấp thuận mặc dù chưa có thay đổi lớn. Trong quá trình soạn thảo các Nghị định, nhiều kiến nghị của VCCI  và CIEM được tiếp thu. Điều đó chứng tỏ, quá trình bàn thảo công khai về điều kiện kinh doanh giữa nhiều bên liên quan, trong đó có bên độc lập là một cách thức rất tốt để rà soát và xây dựng một hệ thống điều kiện kinh doanh tốt.

Đó là tiền đề cho việc xây dựng một luật sửa nhiều luật sau này và những chương trình sửa rà soát về sau. Trông chờ các bộ tự rà soát thì chắc là sẽ rất khó nên phải huy động các chuyên gia bên ngoài nhiều hơn, huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia.

Sau 1/7, với quyết tâm của Chính phủ, với chỉ đạo cụ thể, với Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, tôi tin là chương trình cải cách điều kiện kinh doanh sẽ thiết thực hơn.

PV

……………………………………………………

Luật sư Trương Thanh Đức, thành viên tổ công tác thi hành luật doanh nghiệp và luật đầu tư:

Sau 16 năm có Luật DN, số giấy phép con do các bộ, ngành, địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn tăng vọt. Không cần phải chờ đến ngày 1/7, hàng ngàn quy định tại các thông tư không được nâng cấp thành nghị định mới là trái luật mà vấn đề này đã diễn ra cả chục năm qua. Theo Luật Đầu tư, chỉ còn 268 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, nếu cứ chép lại ĐKKD trong các thông tư vào nghị định hay căn cứ ban hành ĐKKD không có cơ sở hợp lý thì không những gây khó khăn, cản trở hoạt động kinh doanh mà còn trái với Luật Đầu tư.

……………………………………………………

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam:

Cuộc chiến với giấy phép con đã dai dẳng suốt gần 20 năm qua. Có những ĐKKD được loại bỏ nhưng cuối cùng lại được khôi phục với tính chất phức tạp hơn.

Lẽ ra, việc rà soát ĐKKD đề loại bỏ những quy định không hợp lý phải được tiến hành từ 2 năm trước. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được thực hiện đúng tiến độ. Chỉ đến khi Thủ tướng không cho lùi, các bộ, ngành mới chạy đua nước rút thực hiện. Cách làm việc như vậy có thể dẫn đến tình trạng nhiều ĐKKD chỉ thay vỏ chứ không có chuyển biến về chất lượng.

……………………………………………………

Nhà báo Hoàng Tư Giang:

Theo quan sát của tôi, trong đợt rà soát vừa rồi, có rất nhiều cán bộ công chức trong các bộ ngành không hiểu gì về điều kiện kinh doanh, thế nào quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trên thực tế, vì lẫn lộn như vậy, người ta không làm rõ được thế nào là điều kiện kinh doanh. Chính vì vậy, đợt rà soát này là dịp tốt để nâng cao nhận thức của các bộ, các cán bộ quanh việc hiểu thế nào là điều kiện kinh doanh; là tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá; là xây dựng chính sách theo hướng lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ như Chính phủ đã cam kết. Nếu nói thay đổi ngay lập tức, tôi nghĩ là khó.

……………………………………………………

Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh:

Tôi rất hoan nghênh những chỉ thị của Thủ tướng về hạn chế giấy phép con. Đây là một bước tiến lớn, rất khó khăn bởi nhiều người giàu lên vì giấy phép con. Chúng ta phải bãi bỏ tình trạng này, nhất là khi Thủ tướng đã có chỉ thị. Khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, nếu Việt Nam mà gây khó cho doanh nghiệp thì người ta sẽ sang nước khác kinh doanh chứ không ở lại với Việt Nam nữa. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề giấy phép con cũng không hề đơn giản. Một số bộ đã bê nguyên thông tư lên nghị định để hợp thức hóa những giấy phép con đó. Cho nên việc xây dựng các nghị định cũng phải rà soát thật kĩ lưỡng. Sau khi ban hành cần phải giám sát, để các doanh nghiệp căn cứ vào những nghị định của Chính phủ mà bác bỏ những quy định phi lý. Các doanh nghiệp có thể phản ánh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương hoặc phản ánh lên báo chí.

———————————-

Công luận (Diễn đàn Công luận) 07-7-2016:

http://congluan.vn/cuoc-chien-can-nao/

(144/3.126)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,932