(ĐCS) – Ngày 11/7 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp”.
Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh:M.P)
Phát biểu tại Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, từ đầu thập niên 90, VCCI đã tiên phong trong việc hỗ trợ DNNVV với việc thành lập Trung tâm hỗ trợ DNNVV, và 8 trung tâm hỗ trợ DNNVV khác rải khắp đất nước. VCCI cũng xây dựng giáo trình giảng dạy nhằm hỗ trợ DNNVV phù hợp với quốc tế. Hiện giáo trình này đã được giảng dạy ở 50 tỉnh thành trên cả nước. Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng mạng lưới hỗ trợ DNNVV cũng đã được phủ rộng khắp….
Ông Lộc nhận định, sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng, thúc đẩy sự hỗ trợ DNNVV. Việc xây dựng Luật lần này phải thúc đẩy được phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy DNNVV hiện có phát triển và kinh doanh bài bản hơn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp với các nhóm công việc chủ yếu như: duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, tạo khung khổ pháp lý với quy trình, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, từ chính sách đến thực thi, giữa chủ trương của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khoảng cách nhất định. Vì vậy để việc nghiên cứu các nội dung Luật Hỗ trợ DNNVV phải được thực hiện một cách cẩn thận để cụ thể hóa các quy định nhằm hỗ trợ DNNVV.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, doanh nghiệp Việt phần lớn quy mô nhỏ và vừa, rất yếu thế trong cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế nên đòi hỏi được hỗ trợ một cách thiết thực, phù hợp. Do vậy, cần cẩn trọng với nguyên tắc hỗ trợ “có chọn lọc”. Trong đó hỗ trợ tiếp cần nguồn tài chính (qua tín dụng, quỹ đầu tư, thuê mua tài chính…) dư địa chính sách còn rất lớn. Vì vậy, cần bổ sung giải pháp khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng phát triển các sản phẩm phù hợp cho DNNVV; tăng tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DNNVV. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ DNNVV thông qua phát triển các quỹ đầu tư tư nhân… Đẩy mạnh giải pháp thúc đẩy cho vay tín chấp thông qua hệ thống đánh giá định mức tín nhiệm…
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp, bao gồm các công ty và doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, mà không điều chỉnh hộ kinh doanh. Với số lượng khoảng 4 – 4,5 triệu hộ kinh doanh đã, đang và sẽ hoạt động như các doanh nghiệp, nhưng đã không được coi trọng điều chỉnh bằng luật, đã bị luật bỏ rơi suốt mấy chục năm nay. Trong khi về pháp lý, thì hộ kinh doanh còn có thể phức tạp hơn nhiều doanh nghiệp tư nhân, vì doanh nghiệp tư nhân thì chỉ luôn luôn có 1 chủ duy nhất, còn hộ kinh doanh thì ngoài là 1 chủ cá nhân, còn có thể có hai hoặc nhiều hơn số lượng thành viên, có thể là vợ, chồng, người trong gia đình hay bất kỳ ai…. Trường hợp không công nhận hộ kinh doanh là doanh nghiệp, thì cần xem xét quy định thêm cơ chế khuyến khích chuyển các hộ kinh doanh thành các doanh nghiệp – một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển 1 triệu doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thanh Đức cũng nhận định, theo Dự thảo Luật thì “mọi DNNVV thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp” đều thuộc đối tượng được hỗ trợ. Theo số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì hiện nay có tới 97,5% tổng số doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Việc quy định hỗ trợ cho quá nhiều doanh nghiệp là không hợp lý. Và càng bất hợp lý hơn khi đặt ra các hỗ trợ với mức cào bằng như nhau, không hề có sự phân biệt giữa các doanh nghiệp có quy mô doanh thu gần 100 tỷ đồng với đa số doanh nghiệp còn lại chỉ có doanh thu 10 tỷ đồng, thậm chí ước tính vài chục phần trăm chỉ có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc hỗ trợ DNNVV cần bảo đảm sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình, sở hữu và quy mô doanh nghiệp, không để họ mất cơ hội và quyền lợi đang ra được hưởng so với doanh nghiệp lớn…/.
Minh Phương
————————–
Đảng Cộng sản (Kinh tế) 11-7-2016:
(355/992)