94. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Người cho thấy khó, kẻ nhận cũng buồn.

(ANVI) – Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng dựa trên những ý tưởng pháp lý tốt đẹp và sự đòi hỏi thiết thực của doanh nghiệp. Theo đó, bên hỗ trợ (người cho) là các cơ quan Nhà nước, còn bên nhận sự hỗ trợ (kẻ nhận) là các doanh nghiệp. Tuy nhiên, người cho vẫn thấy khó khăn trong việc “giải đáp”, trong khi kẻ nhận vẫn chưa cảm thấy cái “được” pháp lý trong Dự thảo.

  1. Doanh nghiệp cần hỗ trợ điều gì?

Dự thảo Nghị định đưa ra các trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, đồng thời là 5 hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, bao gồm:

  • Xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp (Điều 5);
  • Xuất bản tài liệu triển khai văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6);
  • Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp (Điều 7);
  • Giải đáp thắc mắc về pháp luật của doanh nghiệp (Điều 8);
  • Tổng hợp kiến nghị về hệ thống pháp luật của doanh nghiệp (Điều 9).

Trong những công việc trên, điều khó nhất đối với các cơ quan Nhà nước đồng thời cũng là nỗi bức xúc nhất đối với doanh nghiệp là “giải đáp thắc mắc”. Tuy nhiên quy định “Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc hiểu không rõ hoặc hiểu không thống nhất về nội dung các quy định pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do mình quản lý” và “Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về các vụ việc cụ thể” tại Điều 8 là không hợp lý. Giải đáp thắc mắc về các vụ việc cụ thể mới là điều các doanh nghiệp cần và mới thực sự có ý nghĩa, tác dụng. Nếu chỉ giải đáp thắc mắc nói chung, thì cần phải thể hiện bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật (giống như Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật, pháp lệnh). Thậm chí nhiều trường hợp, thông tư hướng dẫn cũng phải kèm theo các ví dụ cụ thể thì mới dễ hiểu. Trên thực tế, nhiều bộ, ngành vẫn đang giải đáp các vụ việc cụ thể cho các doanh nghiệp (như Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,…). Nếu quy định “các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về các vụ việc cụ thể”, thì mục tiêu nhằm hỗ trợ tốt hơn thành ra lại hạn chế hơn những hoạt động đã diễn ra trên thực tế.

Nếu đặt ra mục tiêu của việc hỗ trợ không phải là nhằm tư vấn vụ việc cụ thể và giải quyết tranh chấp, vướng mắc về pháp luật, mà là định hướng, tác động, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, thì chỉ nên xem đấy là một trong những “kế sách” bền bỉ, lâu dài. Điều vướng mắc nhất và cần nhất trong bối cảnh hiện nay, không phải là “đào tạo” pháp luật cho các doanh nghiệp. Vấn đề là ở chỗ, họ không biết phải làm thế nào, thậm chí nhiều khi buộc phải lựa chọn cách làm sai pháp luật. Một trong những nguyên nhân là do hệ thống pháp luật quá rối rắm và việc thực thi pháp luật quá yếu kém. Cái giá phải trả cho việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật hiện nay thường “đắt” hơn nhiều so với việc vi phạm pháp luật, thậm chí là một thứ xa xỉ phẩm không giám quan tâm đến.

  1. Doanh nghiệp được hỗ trợ điều gì?

Doanh nghiệp không hy vọng vào sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực từ Nghị định này. Đây chỉ là những quy định “hỗ trợ” chính các bộ, ngành để có thêm cơ sở pháp lý đưa pháp luật vào thực tế. Nếu các cơ quan Nhà nước không làm tròn bổn phận hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng “vô can”.

Các quy định tại Chương II về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện pháp luật gồm những quy định sau:

  • Quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của doanh nghiệp, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đăng toàn văn văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực trong lĩnh vực, phạm vi do mình phụ trách lên trang thông tin chính thức của Bộ hoặc Uỷ ban nhân cấp tỉnh theo yêu cầu của doanh nghiệp” (khoản 1, Điều 5 của Dự thảo). Xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp theo quy định tại Điều này là trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với mọi công dân, với các cơ quan hữu quan, chứ không phải phục vụ riêng gì doanh nghiệp. Có hay không có quy định này của Nghị định, thì các cơ quan Nhà nước cũng vẫn phải thực hiện. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay đã được nhiều trang web đăng tải tương đối đầy đủ. Do đó, cái cần của doanh nghiệp không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là những công văn có nội dung quy phạm pháp luật và đặc biệt là xử lý những vướng mắc khi thực hiện.
  • Quy định “Các Bộ có trách nhiệm biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan đến lĩnh vực do mình quản lý cho doanh nghiệp.” (khoản 1, Điều 6 của Dự thảo). Đây cũng là trách nhiệm chung của cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không phải là chỉ là trách nhiệm riêng đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, trên thực tế đã có rất nhiều cơ quan và quá nhiều ấn phẩm văn bản quy phạm pháp luật. Nếu lại giao trách nhiệm cho các cơ quan phải in ấn thêm, thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí không cần thiết (biếu hay bán và liệu có bán được hay không?).
  • Quy định: “Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định….” (khoản 1, Điều 9 của Dự thảo). Việc tổ chức tiếp nhận, tổng hợp những kiến nghị về pháp luật phải là công việc chung, tiếp nhận từ mọi nguồn, tổng hợp mọi vấn đề để xử lý vướng mắc và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Một cá nhân hoặc cơ quan Nhà nước không liên quan đến doanh nghiệp vẫn có quyền kiến nghị những nội dung về pháp luật doanh nghiệp.

Như vậy, hầu hết các nội dung trong Nghị định này, về bản chất là trách nhiệm chung của các bộ, ngành theo tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, là trách nhiệm quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực bằng hệ thống pháp luật, chứ không phải là trách nhiệm hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp.

  1. Làm gì để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp?

Khoản 3, Điều 5 của Dự thảo Nghị định đưa ra một trong những nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là “Bảo đảm việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ của các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tư vấn pháp lý”. Tương tự tại khoản 3, Điều 10 cũng quy định: Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhằm một trong những mục tiêu là “Thúc đẩy thị trường tư vấn pháp luật phát triển và tăng cường công tác pháp chế doanh nghiệp”. Đây là một nguyên tắc khó hiểu và chưa được thể hiện trong các điều khoản cụ thể của Dự thảo. Ví dụ, biện pháp hỗ trợ bằng cách không làm gì khác ngoài việc giới thiệu doanh nghiệp đến với các cơ sở dịch vụ pháp lý xem ra cũng rất đúng với nguyên tắc “thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tư vấn pháp lý”.

Các Bộ và Uỷ ban nhân dân đã buộc phải từ bỏ vai trò trực tiếp quản lý doanh nghiệp nhà nước, vì kém hiệu quả. Nay giao trách nhiệm cho các cơ quan này trực tiếp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thì hình như cũng thấy trước kết cục.

Nhà nước hiện nay chưa làm được nhiều việc thuộc về trách nhiệm cơ bản đối với dân, thì Nhà nước cũng không thể hỗ trợ tốt về mặt này. Tiền bạc, nhân sự, khả năng và ý thức phục vụ đều thiếu hụt, thì làm sao có thể hỗ trợ được hàng triệu doanh nghiệp (tính cả hộ kinh doanh)? Nhà nước hãy tạo ra kênh dẫn hỗ trợ pháp lý thông qua các tổ chức tư vấn, dịch vụ pháp lý và các hiệp hội doanh nghiệp.

Vì vậy, điều quan trọng là cần quy định trong Dự thảo Nghị định này về nội dung hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động của các công ty, văn phòng dịch vụ pháp lý, thông qua đó để hỗ trợ pháp lý cho cả cộng đồng doanh nghiệp.

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.912. Tại sao giá vàng dù leo thang nhưng vẫn "cháy hàng"...

Tại sao giá vàng dù leo thang nhưng vẫn "cháy hàng" vàng miếng, vàng nhẫn? (KTCK)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,325