940. Cố xúy cho hành động thiếu nhân văn

(KH&ĐS) – Theo Luật sư Trương Thanh Đức việc tổ chức xét xử lưu động chỉ phù hợp với thời kỳ trước kia khi hệ thống pháp luật gần như chưa có, khi phương tiện truyền thông rất hạn chế. Hiện nay, người dân bội thực pháp luật, quá tải với thông tin vụ án thì cần chấm dứt hoạt động chưa từng được quy định trong các Bộ luật Tố tụng hình sự, lại thiếu nhân văn và không tôn trọng quyền con người.

Thiếu cơ sở pháp lý

Có ý kiến cho rằng, xét xử lưu động là chúng ta đang làm trái pháp luật, còn quan điểm của ông thì sao?

Việc này xuất phát từ thời xa xưa tổ chức toà án cách mạng xét xử. Gọi là toà án nhưng thật sự thì là việc xét xử tuỳ tiện, phục vụ mục tiêu chính trị, mà không dựa nhiều vào luật. Thời ấy, xét xử cũng không khác nhiều với việc tiến hành đấu tố theo cảm tính. Nhiều trường hợp địa chủ, tư sản yêu nước cũng bị lôi ra trừng trị nặng nề. Bao nhiêu kéo dài tình trạng xét xử theo kiểu ấy, đến giờ chúng ta vẫn chưa thoát ra được.

Theo ý ông, luật pháp của ta chưa được kín kẽ?

Cái thời luật pháp còn mông muội, thì xét xử thế nào còn có thể châm chước được. Nhưng kể từ khi có Bộ luật Hình sự đầu tiên năm 1985, rồi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, thì mọi thủ tục xét xử đã được quy định một cách vô cùng chặt chẽ. Toà án chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Riêng đối với việc xét xử lưu động, thì chỉ được làm khi có quy định trong Bộ luật tố tụng, chứ không thể bằng văn bản dưới luật. Trong khi cả 3 Bộ luật Tố tụng hình sự, kể cả Bộ luật mới nhất mà mà Quốc hội vừa thông qua năm 2015 đều không đề cập đến việc xét xử lưu động.

Đến tận năm 2012, lần đầu tiên và duy nhất, việc xét xử lưu động mới được đề cập đến trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Rồi năm 2013, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP của Chính phủ mới đề cập đến việc xét xử lưu động để phục vụ công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ. Đến năm 2014, Toà án nhân dân tối cao mới có Thông tư nhắc đến xét xử lưu động trong Nội quy phiên toà. Và cuối cùng là năm 2015, mới có 1 Thông tư của Bộ Tài chính nhắc đến chi phí đối với xe ô tô phục vụ xét xử lưu động.

Như vậy, bao nhiêu chục năm cứ xét xử lưu động mà không dựa vào pháp luật. Còn gần đây thì tuy có 4 văn bản quy định, nhưng cũng chỉ là văn bản vòng ngoài, chứ lại không phải trong Bộ luật Tố tụng hình sự, là văn bản quy định đầy đủ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét xử.

Không có cơ sở khoa học

Gần đây dư luận xôn xao chuyện nên hay không xét xử lưu động đối với các vụ trọng án. Là một người am hiểu luật pháp, ông có ý kiến gì không?

Mục đích của xét xử lưu động là không thật sự hợp lý. Khoảng nửa thế kỷ trước, thì việc xét xử như vậy có thể là cần thiết, vì mới có rất ít luật. Hiện nay, khi người dân đang bội thực pháp luật và quá tải với thông tin vụ an, thì cần phải loại bỏ cách tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa từng được quy định trong các Bộ luật Tố tụng hình sự, lại thiếu nhân văn và không tôn trọng quyền con người.

Không có cở sở khoa học nào khẳng định việc xét xử lưu động tạo ra tác dụng tốt nhiều hơn là xấu. Không thể phủ nhận một số lợi ích mà việc xét xử lưu động đem lại. Song giữa một xã hội văn minh như vậy thì nên có sự thay đổi theo hướng tôn trọng quyền con người. Rất nhiều nước đã bỏ hẳn hình phạt tử hình. Mỗi lần sửa Bộ luật Hình sự, chúng ta cũng bỏ bớt nhiều tội tử hình. Rồi tử hình cũng chuyển sang tiêm thuốc độc để nhân đạo hơn. Cùng với đó là nhiều quy định hạn chế tối đa việc xâm phạm nhân quyền, như không phải mặc áo tù ra toà,… Vậy thì việc xét xử lưu động cũng nên chấm dứt, vì nó là một hình thức xúc phạm, tra tấn, trừng trị nghi can và cả gia đình họ một cách bất công, độc ác, có khi còn kinh khủng hơn cả hình phạt tù.

Song trên thực tế tòa án vẫn coi việc xét xử lưu động là một chỉ tiêu đánh giá thi đua. Ông có ý kiến gì không?

Đây là sự nhìn nhận mang tính chủ quan theo kiểu cái gì cũng mang ra làm thi đua. Trọng trách của tòa án là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chứ không thể đề cao cả nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Xét xử bảo đảm 3 cái đúng đó, thì mới là tuyên truyền, giáo dục lớn nhất, bằng không thì có khi là ngược lại. Nó là hệ quả chứ không phải là mục đích. Không thể lấy lợi ích của việc xét xử lưu động để vùi dập, đấu tố, làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Khó chấp nhận trên thực tế

Trên thực tế, các tòa án tổ chức xét xử lưu động để thông qua đó tuyên truyền pháp luật, giáo dục, răn đe bị cáo cũng như những người tham dự phiên tòa, thưa ông?

Đưa ra xét xử lưu động đã làm mất hẳn đi tính tôn nghiêm, uy nghi, chuẩn mực của chốn pháp đình. Đơn cử như việc phải ăn mặc nghiêm túc khi tới tòa thì nay tổ chức lưu động, chúng ta không kiểm soát được điều đó. Hay mọi tình tiết ly kỳ, rùng rợn, độc ác, mất nhân tính, vô đạo đức,… cũng phải được thẩm tra xét hỏi kỹ lưỡng sẽ ảnh hưởng xấu đến đông đảo người dân.

Nhưng với bản án của pháp luật, các bị cáo phải chịu thêm “bản án” của dư luận xã hội sẽ là đích đáng, đặc biệt là những kẻ có hành vi man rợ, gây nguy hiểm cho xã hội thưa ông?

Xét xử là để bảo vệ quyền con người, làm cho xã hội tốt đẹp hơn, tội đến đâu thì bị trừng phạt đến đấy bằng pháp luật, chứ không phải trừng phạt bằng dư luận, điều tiếng, miệt thị, xúc phạm, vùi dập con người. Chúng ta không cấm việc quay phim, chụp ảnh tại toà như một số nước, nhưng cũng không nên đối xử quá mức với bị cáo.

Tuy nhiên, răn đe là một chuyện còn vấn đề giáo dục pháp luật mới là quan trọng, thưa ông?

Chúng ta có hàng trăm kênh thông tin để tuyên truyền, giáo dục sao không tiến hành. Chẳng hạn trên VTV6 có chương trình Phiên tòa giả định cũng rất thiết thực, có tính giáo dục cao. Những chương trình như vậy sao chúng ta không nhân rộng mà lại cứ dồn người phạm tội vào chân tường, thậm chí vào chỗ chết, như đã từng xảy ra?

Tuy nhiên, việc xét xử lưu động là cơ hội tốt để chúng ta tiến hành tuyên truyền pháp luật khi những tòa án địa phương không đủ kinh phí làm việc này, thưa ông?

Đấy chỉ là ngụy biện. Bình thường, toà án vẫn tiến hành xét xử công khai, cho phép người dân đến dự. Cần tuyên truyền, giáo dục thì vẫn có đủ thông tin, điều kiện để thực hiện một cách hợp lý hơn. Bên cạnh đó, tổ chức một phiên xét xử lưu động thì tốn kém rất nhiều tiền của, công sức so với phiên toà diễn ra tại Toà án.

Trường hợp bị cáo Nguyễn Thanh K. (Quảng Nam) tự tử sau khi biết xét xử lưu động cảnh báo hồi chuông cho việc kết thúc xét xử lưu động. Tại sao chúng ta vẫn chưa tiến hành xóa bỏ, thưa ông?

Đây là một dẫn chứng cho cái tại hại của việc xét xử lưu động. Có thể nói bị cáo đã bị kết án từ khi chưa bị xét xử, bị án đúp. Gia đình họ cũng bị khoác thêm một “bản án” của người đời. Và không chỉ bị cáo mà bị hại, nhân chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thậm chí cả luật sư, kiểm sát viên và hội đồng xét xử cũng chịu những tác động tâm lý xấu, ảnh hưởng đến kết quả xét xử..

Như vậy, theo ông chúng ta nên làm gì?

Thứ nhất, cần bỏ ngay việc xét xử lưu động. Thứ hai, cần bảo đảm cho phòng xét xử của Tòa án đặc biệt uy nghiêm. Và thứ ba, quan trọng nhất là, không cần yêu cầu gì hơn đối với Tòa án là xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Nhiều người thắc mắc rằng, tội phạm tham nhũng để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng, là quốc nạn nhưng sao lại không đưa ra xét xử lưu động mà chỉ đưa ra những vụ án giết người, cướp của. Theo tôi, người dân còn ủng hộ và quan tâm hơn nếu xét xử lưu động tội tham nhũng. Tuy nhiên, người dân không phải là thủ phạm, nên cũng không phải là đối tượng cần tuyên truyền, giáo dục về tội tham nhũng.

Cao Nguyên

———————————————–

Khoa học & Đời sống 30-12-2015

(1.709/1.709)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,847