(SGGP) – Ngày 11-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo: “Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dưới góc nhìn của cộng đồng DN”. Dù dự luật này sẽ được trình lên Chính phủ trong tháng 7 này nhưng vẫn còn có khá nhiều hạn chế.
Còn dư âm cơ chế xin – cho
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, DNNVV ở mọi quốc gia đều cần sự trợ giúp để vượt những cản trở do quy mô nhỏ gây ra. Vì vậy, việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV là để thay đổi hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân doanh nghiệp (DN) trong việc thúc đẩy DNNVV phát triển, tạo hiệu quả cho nền kinh tế. Thế nhưng, dù trước đây đã có các nghị định về hỗ trợ DNNVV nhưng câu hỏi đặt ra là các giải pháp chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhà nước từ trước đến nay đã đủ giải quyết các vấn đề phát triển DNNVV chưa? Nếu chưa thì vì sao? Các giải pháp mới đưa ra trong dự luật liệu có tạo sự đột phá trong phát triển DN hay không? Cách tiếp cận có gì mới?… Đi sâu vào phân tích, bà Hằng cho rằng, dự luật vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế. Ví dụ, theo dự thảo: “DNNVV phải đáp ứng các điều kiện của từng nội dung chương trình hỗ trợ DNNVV. Tại cùng một thời điểm, trường hợp DNNVV đồng thời đáp ứng các điều kiện khác nhau về cùng một nội dung hỗ trợ thì DN được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ theo quy định có lợi nhất”. Từ quy định này, bà Hằng cho rằng, dự luật bộc lộ dư âm của cơ chế “xin – cho” vì các DNNVV sẽ phải điều chỉnh, thậm chí quy mô nhỏ đi để phù hợp với các điều kiện; nhiều chương trình có nội dung, hình thức trùng lặp, DN sẽ không biết đâu là mức hỗ trợ theo quy định là “có lợi nhất”.
Để giảm cơ chế “xin – cho”, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa cho rằng, dự luật cần quy định chặt chẽ để khi thực thi không sinh ra tiêu cực, nếu không tình trạng “xin – cho” sẽ mãi mãi tồn tại. Ví dụ về việc mình vừa là thành viên của Quỹ bảo lãnh tín dụng Thanh Hóa nhưng ông Đệ cho biết “chỉ tham gia cho vui, việc cho vay hay không là quyền của họ”. Bởi thực tế, DN tiếp cận quỹ là hết sức khó khăn với các thủ tục khiến “DN không vay được, từ đó vay được hay không lại rơi vào dòng thân quen”. “Trong khi đã nói là quỹ bảo lãnh thì phải bớt thủ tục so với yêu cầu của ngân hàng chứ nếu DN đủ điều kiện vay ngân hàng thì họ đến quỹ bảo lãnh làm gì”, ông Đệ nói.
Phản hồi về điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, quan điểm của ban soạn thảo coi việc cung cấp hỗ trợ DNNVV là dịch vụ công, không có “xin – cho”. Đây là điều dự luật đang muốn đột phá, theo đúng tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là Nhà nước kiến tạo và cơ quan công quyền cung cấp dịch vụ công. Tất nhiên, việc khắc phục tập quán “xin – cho” nhưng phải có quy trình, thủ tục để công bằng.
Sản xuất bóng đèn Compact xuất khẩu tại Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang Ảnh: CAO THĂNG
Còn theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương) – thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư, dự luật đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhưng có thể thấy việc cân đối nguồn lực để thực hiện hỗ trợ không rõ nét về mặt tài chính. Cụ thể như dự luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ DNNVV nhìn có vẻ hợp lý song sau đó thì Nhà nước lại phải hỗ trợ, ưu đãi các ngân hàng bởi nếu không họ cũng “không có nguồn lực ở đâu ra mà hỗ trợ DNNVV vì bản thân ngân hàng cũng là DN”.
Hỗ trợ trọng tâm, có chọn lọc
Theo đề xuất của ông Lê Xuân Hiền, trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn yếu và thiếu mọi bề thì Nhà nước cần tập trung vào hỗ trợ một số lĩnh vực như: áp dụng công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; công nghệ phần mềm; du lịch và dịch vụ du lịch gắn với văn hóa truyền thống…
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, do nguồn lực hỗ trợ DNNVV còn hạn chế nên cũng cần phải thu hẹp phạm vi, đối tượng hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, khả thi. Vì vậy, chỉ cần tập trung vào hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô 10 – 20 tỷ đồng, doanh thu hoặc 20 – 30 lao động trở xuống) vì đây là nhóm DN rất yếu thế, gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ có thể là thuế suất thu nhập DN thấp hơn so với các DN khác. Cũng theo ông Đức, không nên hỗ trợ DN vừa hoặc chỉ hỗ trợ một số lĩnh vực đặc biệt. Việc hỗ trợ DN vừa có thể dẫn đến tác động ngược, bất lợi cho nền kinh tế. Nếu hỗ trợ DN vừa sẽ là cào bằng với DN nhỏ, dù quy mô khác nhau và sẽ khuyến khích DN vừa giữ nguyên quy mô để hưởng nhiều ưu đãi, không phát triển được thành các DN lớn như Nghị quyết 35 (về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020).
Nhấn mạnh tầm quan trọng, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, dự luật sẽ tạo khuôn khổ pháp lý hỗ trợ DN thời gian tới và là hoạt động quan trọng thực hiện Nghị quyết 35 trong việc hướng đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả, chất lượng. Hiện cả nước có khoảng 400.000 DNNVV và thực tế là Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV khi họ khó khăn như: miễn, giảm nộp thuế, tín dụng… Việc này sẽ chỉ có tác dụng hỗ trợ khó khăn tạm thời mà chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển DN. Tuy nhiên, do có 400.000 DNNVV nên Nhà nước cũng không thể hỗ trợ được tất cả khi nguồn lực còn hạn chế. Chính vì vậy, dự luật cần xác định đối tượng, cách thức, thời điểm hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ, không dàn trải, không hướng đến DN khó khăn triền miên mà hướng đến DN khó khăn tạm thời nhưng có tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, phương thức hỗ trợ sao cho phải đến trực tiếp với DN bằng cách giảm chi phí không chính thức, thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin – cho. Để làm được điều đó thì các hiệp hội DN phải đóng vai trò trung tâm, là cánh tay nối dài của Nhà nước để Nhà nước chỉ tập trung vào việc ban hành cơ chế, giám sát.
“Hỗ trợ DNNVV cần trọng tâm, trọng điểm hiệu quả, không làm theo kiểu phong trào, hành chính và dứt khoát không tạo cơ chế xin – cho. Nhà nước không làm thay hiệp hội, không đẻ thêm bộ máy mà để hiệp hội, thị trường thực hiện việc này. Chương trình hỗ trợ nên là mục tiêu lồng ghép trong tất cả chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công…”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
NGỌC QUANG
——————————–
Sài Gòn Giải phóng (Kinh tế) 12-7-2016:
http://www.sggp.org.vn/kinhte/2016/7/426948/
(208/1.397)