946. Khó chấp nhận việc không giảm cước taxi

(KTĐT) – Là đầu vào quan trọng, khi giá xăng dầu tăng hay giảm, việc điều chỉnh giá cước vận tải, cước taxi là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, ngay khi giá xăng tăng, các DN kinh doanh taxi có ngay văn bản đề nghị được tăng cước theo, nhưng khi giá xăng liên tục giảm trong thời gian qua, các DN này vẫn “án binh bất động” để hưởng lợi là điều khó chấp nhận. Sau loạt bài phản ánh về việc DN taxi chỉ biết hưởng lợi, giá cước taxi vẫn cao ngất ngưởng (trên các số báo 6 – 7), báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục ghi nhận nhiều ý kiến từ độc giả.

Bà Vương Thu Hằng – Trưởng ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội:
Đôn đốc các doanh nghiệp kê khai giá cước
Trước diễn biến giá xăng dầu liên tục giảm, Sở Tài chính Hà Nội đã có công văn yêu cầu các DN kinh doanh vận tải tiến hành rà soát lại các chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu để thực hiện kê khai giảm giá cước phù hợp. Tuy nhiên, đến nay, số DN thực hiện nộp báo cáo kê khai giá vẫn rất khiêm tốn.
Thời gian qua, Đoàn liên ngành gồm Sở Tài chính, Sở GTVT và các ngành liên quan cũng tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của nhiều DN vận tải trên địa bàn Hà Nội. Trong tháng 12/2015, chúng tôi đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty CP Đầu tư thương mại và vận tải Vũ Hoàng số tiền 40 triệu đồng vì những vi phạm trong chấp hành quy định quản lý Nhà nước về giá. Thời gian tới, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục đôn đốc các DN vận tải kê khai giá và tiến hành kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI:


Tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích giảm giá
Giá nhiên liệu giảm, các DN vận tải phải giảm giá cước là yêu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, cơ chế quản lý giá hành chính hay việc xử phạt DN vi phạm các quy định kê khai giá hiện nay chưa phải là giải pháp hữu hiệu để DN tự giác giảm giá cước.
Thực tế, ngoài nhiên liệu, chi phí bến bãi, thuế, phí… chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu giá vận tải. Bên cạnh đó, DN vẫn phải âm thầm “gánh” thêm nhiều chi phí không chính thức. Vì thế, để khuyến khích DN giảm giá cước, thay vì xử phạt, các cơ quan quản lý nên tìm các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm tối đa chi phí kinh doanh cho DN. Đó là cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi, có mức giá thuế, phí, bến bãi hợp lý và đặc biệt cần xử lý triệt để các chi phí “bôi trơn”.
Tính riêng tại địa bàn Hà Nội, số hãng taxi hoạt động đã lên đến con số hàng trăm. Thế nên, nếu cân đối được chi phí, không có lý do gì để DN không giảm giá cước, hấp dẫn khách hàng.

Đại diện Công ty TNHH GrabTaxi:
Ứng dụng công nghệ thông tin để giảm cước
Taxi truyền thống hiện đang phải tốn một khoản chi phí không nhỏ đầu tư và duy trì hệ thống bộ đàm liên lạc, rồi chi phí cho điểm đỗ, kilômét vận hành rỗng, nhân lực điều hành mạng lưới… nên giá cước bị đẩy lên cao. So sánh với taxi truyền thống, Grab taxi có lợi thế để đưa ra mức giá phục vụ rẻ hơn hẳn. Các lợi thế đó là: Thay thế hệ thống bộ đàm cũ bằng mạng lưới gọi – điều xe trên internet. Ngoài chiếc điện thoại thông minh, lái xe của Grab không phải bỏ chi phí cho bất cứ thiết bị liên lạc nào khác; các xe của Grab không nhất thiết phải thuê sảnh chờ để đỗ xe, đón khách; số kilômét vận hành rỗng của Grab taxi cũng ít hơn hẳn taxi truyền thống. Bởi, khi khách hàng mở phần mềm Grab taxi lên có thể thấy ngay các xe ở gần mình và đặt lệnh gọi xe trực tiếp, vừa giảm thời gian chờ đợi cho khách, vừa giảm quãng đường đi xe không đến đón cho taxi. Ngoài ra, trung tâm điều hành của Grab cũng không cồng kềnh, nhiều nhân lực như taxi truyền thống, bởi phần lớn các thao tác gọi xe đều được vận hành qua phần mềm thông minh. Nhờ áp dụng công nghệ thông tin nên Grab taxi đã đem đến cho khách hàng dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn mà lại có giá thành rẻ hơn từ 30 – 50% so với taxi truyền thống.

Ông Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng:
Thực hiện cạnh tranh theo thị trường
Thời gian qua, Bộ Tài chính liên tục yêu cầu DN kê khai lại giá, hứa kiểm tra, xử lý nghiêm; Bộ GTVT cũng thúc giục DN giảm cước… Tuy vậy, giá xăng dầu đã liên tục giảm nhưng người tiêu dùng chưa được hưởng lợi từ giảm giá cước vận tải. Giải pháp lâu dài vẫn nằm ở việc thực hiện cơ chế cạnh tranh theo thị trường. Tôi rất tâm đắc với phát biểu gần đây của một đại diện Bộ Công Thương: “Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Cơ chế thị trường là bàn tay vô hình mà ở đó cạnh tranh tạo ra bức tranh thị trường. Khi có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thì bắt buộc cần tăng sẽ tăng, phải giảm ắt sẽ giảm”. Quyết định gần đây của Bộ GTVT cho phép thí điểm dịch vụ gọi xe kiểu mới là một bước tiến. Đây có thể là một giải pháp tăng cường sức cạnh tranh trong ngành vận tải, buộc các DN taxi phải đổi mới, áp dụng công nghệ, qua đó tăng tính cạnh tranh. Có cạnh tranh, giảm tỷ lệ xe rỗng chạy trên đường, kết nối hiệu quả hơn với hành khách thì mới giảm được giá cước vận tải. Khi ấy, các DN mới không còn chây ỳ, đợi đến lúc các cơ quan Nhà nước thúc ép bằng các biện pháp hành chính thì mới làm cho lấy lệ.

Nhóm PV thực hiện

———————————————————-

Kinh tế & Đô thị (Giao thông) 11-01-2016:

http://www.kinhtedothi.vn/do-thi/giao-thong/2016/01/81031707/kho-chap-nhan-viec-khong-giam-cuoc-taxi/

(214/1.140)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,849