946. Luật Hỗ trợ DNNVV: Lo chính sách “hay”, nhưng thực thi lại “dở”!

(KT&DB) – Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý được kỳ vọng sẽ tạo ra khung phát lý hoàn chỉnh để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại về việc chính sách thì “hay”, nhưng thực hiện thì “dở”.

Ngày 11/07, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa – dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp”.

Khó tiếp cận hỗ trợ

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua cũng có nhiều bất cập, mang tính dàn trải, dẫn đến hệ quả là doanh nghiệp chỉ nhận được hỗ trợ về đào tạo, đổi mới công nghệ, khuyến nông hoặc mở rộng thị trường…

“Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô và năng lực hạn chế, đòi hỏi có sự hỗ trợ tổng thể, toàn diện về mọi mặt, như vậy mới có đủ khả năng cạnh tranh để gia nhập và tồn tại bền vững. Do đó, việc ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cần thiết” Thứ trưởng cho biết.

Mặc dù đồng ý với việc ban hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, song, nhiều đại biểu tại hội thảo vẫn lo ngại về việc chính sách thì “hay”, nhưng thực hiện thì “dở”.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, phần lớn các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp rất cởi mở và thông thoáng, nhưng khi xuống đến địa phương, thì các chính sách này lại bị bó hẹp lại do việc thực thi kém hiệu quả.

“Đạo đức thực thi của công chức hiện nay rất kém, nạn chèn ép đối với doanh nghiệp, người dân ngày càng nặng nề hơn. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cứ như cá nằm trên thớt, thích cho thì “cho”, thích phạt thì “phạt””, ông Đệ nhấn mạnh.

Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp mình khi tiếp cận vốn tại quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, một giám đốc nông trại đến từ Lâm Đồng cho biết, Công ty của ông hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được gần 3 năm, chuyên xuất khẩu hoa sang thị trường Nhật Bản được đối tác tin cậy, nhưng ông vẫn chưa thể mở rộng sản xuất vì thiếu vốn.

Ông cho biết, doanh nghiệp đã nhiều lần thử vay vốn, nhưng liên tục bị từ chối, bởi không có tài sản đảm bảo. Chính vì vậy, ông đã tìm đến những quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo cũng là yêu cầu của những quỹ này.

“Tôi ước chừng chỉ 10-15% doanh nghiệp được vay vốn từ những quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Và đương nhiên, những doanh nghiệp đó hầu hết đều có sự bảo trợ ở đằng sau”, ông cho biết.

Thực tế cho thấy, việc khó tiếp cận vốn như chia sẻ của vị giám đốc trên không phải hiếm có. Bởi, theo các kết quả điều tra về doanh nghiệp, có khoảng 90% doanh nghiệp đồng tình với nhận định, không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp dù có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho họ tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Toàn cảnh Hội thảo

Cần cụ thể và minh bạch

Theo các các đại biểu tại hội thảo, nguyên nhân dẫn đến đến tình trạng khó tiếp cận với các hỗ trợ đó là do các chính sách hỗ trợ còn chung chung, thiếu tính rõ ràng và minh bạch. Chính vì vậy, họ cho rằng, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cụ thể hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải theo nguyên tắc trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế “xin-cho”, thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.

“Việc hỗ trợ doanh nghiệp nói chung cần đúng trọng tâm, có trọng điểm, dứt khoát không có cơ chế “xin-cho”, không làm thay doanh nghiệp và các hiệp hội, không “đẻ” thêm bộ phận chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Bên cạnh đó, cần nhắm tới những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển chứ không phải những doanh nghiệp khó khăn triền miên”, ông Lộc cho biết.

Còn theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cần bổ sung giải pháp tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp, đa dạng hoá loại quỹ, quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy cho vay bằng tín chấp… Sử dụng công cụ, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như tiếp cận về công nghệ, ưu đãi về thuế…

Bên cạnh đó, tính rõ ràng minh bạch trong Luật cũng cần phải làm rõ hơn, các chương trình hỗ trợ cần phải làm rõ tính nhất quán, tính hệ thống. Đặc biệt, phải có tính kế thừa và lồng ghép với các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có. Đồng thời, quy định rõ nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để tăng cường hiệu quả của khâu thực thi, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, cần phải chấn chỉnh ngay nạn vòi vĩnh, tham nhũng của các cán bộ thực thi. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò là cầu nối của các hiệp hội doanh nghiệp và VCCI

Ngoài ra, góp ý về việc hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, một trong những cơ chế cần xem xét quy định trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, là cho phép doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được hạch hoán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật (hiện nay là 13,5%/năm và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015) vì hiện nay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không cho phép hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm./.

 

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý gồm 5 chương, 33 điều. Trong đó, Dự thảo Luật nhấn mạnh các nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung vào các nội dung cụ thể gồm: hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng, công nghệ, mặt bằng sản xuất, kinh doanh, thông tin và tư vấn…

Kim Hiền

———————————-

Kinh tế & Dự bào (Doanh nghiệp) 12-7-2016:

https://kinhtevadubao.vn/luat-ho-tro-dnnvv-lo-chinh-sach-hay-nhung-thuc-thi-lai-do-5747.html

(123/1.232)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,957