(CP) – Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa vẫn bộc lộ dư âm của cơ chế “xin – cho”.
Ngày 11/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cho dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV).
Luật được kỳ vọng sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng, thúc đẩy cộng đồng DN nhỏ và vừa phát triển. Các ý kiến cho thấy, dù dự luật này sẽ được trình lên Chính phủ trong tháng 7 và khiến cộng đồng DN lạc quan, nhưng vẫn còn có khá nhiều hạn chế.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh Luật nhằm tạo khung pháp lý thúc đẩy sự phát triển của DNNVV nhằm đến năm 2020, cả nước có 1 triệu DN. Phương thức hỗ trợ của Luật nên tiến hành trực tiếp, giảm chi phí không chính thức, giảm thủ tục hành chính, dứt khoát không có cơ chế xin – cho. Thay vào đó là cơ chế hỗ trợ trực tiếp tới DN, không “đẻ” thêm bộ phận chuyên trách.
Phân tích kỹ hơn, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI dẫn quy định trong dự thảo: “DNNVV phải đáp ứng các điều kiện của từng nội dung chương trình hỗ trợ DNNVV. Tại cùng một thời điểm, trường hợp DNNVV đồng thời đáp ứng các điều kiện khác nhau về cùng một nội dung hỗ trợ thì DN được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ theo quy định có lợi nhất”.
Từ quy định này, bà Hằng cho rằng, dự luật bộc lộ dư âm của cơ chế “xin – cho” vì các DNNVV sẽ phải điều chỉnh, thậm chí quy mô nhỏ đi để phù hợp với các điều kiện; nhiều chương trình có nội dung, hình thức trùng lặp, DN sẽ không biết đâu là mức hỗ trợ theo quy định là “có lợi nhất”.
Để giảm cơ chế “xin – cho”, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa cho rằng, dự luật cần quy định chặt chẽ để khi thực thi không sinh ra tiêu cực, nếu không tình trạng “xin – cho” sẽ mãi mãi tồn tại. Ví dụ về việc mình vừa là thành viên của Quỹ bảo lãnh tín dụng Thanh Hóa nhưng ông Đệ cho biết “chỉ tham gia cho vui, việc cho vay hay không là quyền của họ”.
Bởi thực tế, DN tiếp cận quỹ là hết sức khó khăn với các thủ tục khiến “DN không vay được, từ đó vay được hay không lại rơi vào dòng thân quen”. “Trong khi đã nói là quỹ bảo lãnh thì phải bớt thủ tục so với yêu cầu của ngân hàng chứ nếu DN đủ điều kiện vay ngân hàng thì họ đến quỹ bảo lãnh làm gì cho tốn thêm chi phí. Chỉ có các DN thân quen mới được giải quyết”, ông Đệ nói.
Tương tự, đại diện một DN tư nhân ở tỉnh Lâm Đồng cho biết dù nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV nhưng thực tế không được như vậy. DN của ông muốn vay 5 tỉ đồng để mở rộng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Có đối tác, có thị trường nhưng không xoay được vốn vì các ngân hàng và quỹ hỗ trợ mà DN đến gõ cửa đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn số tiền vay.
“Tôi cho rằng chỉ khoảng 10%-15% DNNVV được vay vốn từ các quỹ hỗ trợ và đương nhiên là họ có bảo trợ ở phía sau. Tại sao không cho vay theo hợp đồng của DN? Có tài sản thế chấp thì DN còn chạy sang quỹ hỗ trợ làm gì?” – lãnh đạo DN này bức xúc.
Phản hồi về điều này, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng, quan điểm của ban soạn thảo coi việc cung cấp hỗ trợ DNNVV là dịch vụ công, không có “xin – cho”. Đây là điều dự luật đang muốn đột phá, theo đúng tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là Nhà nước kiến tạo và cơ quan công quyền cung cấp dịch vụ công.
Hỗ trợ chọn lọc
Còn theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KHĐT Hải Dương) – thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư, dự luật đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhưng có thể thấy việc cân đối nguồn lực để thực hiện hỗ trợ không rõ nét về mặt tài chính. Cụ thể như dự luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ DNNVV nhìn có vẻ hợp lý song bản thân ngân hàng cũng là DN, nguồn lực ở đâu ra mà hỗ trợ DNNVV.
Ông Lê Xuân Hiền cũng như Luật sư Trương Thanh Đức đều cho rằng do nguồn lực hỗ trợ DNNVV còn hạn chế nên cũng cần phải thu hẹp phạm vi, đối tượng hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, khả thi. Vì vậy, chỉ cần tập trung vào hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô 10 – 20 tỷ đồng, doanh thu hoặc 20 – 30 lao động trở xuống) vì đây là nhóm DN rất yếu thế, gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ có thể là thuế suất thu nhập DN thấp hơn so với các DN khác.
Cũng theo ông Đức, không nên hỗ trợ DN vừa hoặc chỉ hỗ trợ một số lĩnh vực đặc biệt. Việc hỗ trợ DN vừa có thể dẫn đến tác động ngược, bất lợi cho nền kinh tế. Nếu hỗ trợ DN vừa sẽ là cào bằng với DN nhỏ, dù quy mô khác nhau và sẽ khuyến khích DN vừa giữ nguyên quy mô để hưởng nhiều ưu đãi, không phát triển được thành các DN lớn như Nghị quyết 35 (về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020).
Theo ông Đào Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Aprocimex, mặc dù dự thảo luật còn một số vướng mắc, cần được tiếp tục hoàn thiện, nhưng nhìn chung các chính sách hỗ trợ được nêu ra trong dự thảo khiến DN khá lạc quan.
“Chúng tôi thấy ban dự thảo đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chi tiết. Những phần cụ thể hóa thì đôi khi ý tứ còn chồng chéo, nhưng chúng tôi cho rằng về cơ bản, nếu như qua những cuộc hội thảo mà được đóng góp, chỉnh lý thì chúng tôi tin Luật này sẽ nhanh chóng được Quốc hội thông qua. Và khi đó cộng đồng DN sẽ có cơ hội được hỗ trợ bình đẳng bằng luật. Cộng đồng DN chúng tôi đón nhận Luật này 1 cách rất hồ hởi và phấn khởi,” ông Lý chia sẻ.
Thành Đạt
———————————
Chính phủ (Chính sách và cuộc sống) 12-7-2016:
http://canhtranhquocgia.vn/Chinh-sach-va-cuoc-song/Co-luat-DN-nho-van-so-phai-xin-cho/281139.vgp
(202/1.227)