(TCT) – Đây là kiến nghị chủ đạo được các đại biểu đưa ra tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 11/7.
Thông tin tại hội thảo cho biết, mặc dù dự thảo Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ (DNVVN) đã được thiết kế theo hướng cụ thể hoá để triển khai thực hiện được ngay mà không cần phải có các văn bản dưới luật; đồng thời các nội dung xây dựng đã hướng trực tiếp đến quyền lợi và định hướng khuyến khích DN đầu tư phát triển sản phẩm đổi mới sáng tạo, cụ thể hóa các cơ sở trong tổ chức triển khai…, song nhiều chuyên gia vẫn băn khoăn những điểm còn hạn chế, bất cập. Cụ thể, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng đăng ký kinh doanh, Sở Khoa học và Đầu tư Hải Dương cho biết, dự thảo luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc cân đối nguồn lực để thực hiện sự hỗ trợ đó lại không rõ nét, dẫn tới tính khả thi không cao. Đơn cử như, dự luật yêu cầu các ngân hàng thương mại phải có chính sách hỗ trợ DNVVN nhưng nếu Nhà nước không hỗ trợ, ưu đãi cho các ngân hàng thì ngân hàng lấy đâu ra nguồn lực để hỗ trợ, chưa nói đến việc bản thân các ngân hàng cũng là DN.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI, dự thảo luật có tình trạng cào bằng về “đối tượng áp dụng” khi quy định mọi “DNVVN thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN” đều thuộc đối tượng được hỗ trợ. Bởi theo số liệu của Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hiện cả nước có tới 97,5% tổng số DN là vừa và nhỏ có quy mô doanh thu rất đa dạng, từ 1 tỷ đến gần 100 tỷ đồng. Vì vậy, cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ để đảm bảo tính hiệu quả, khả thi hơn. Theo hướng này, chỉ nên tập trung hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ, DN khởi nghiệp, DN yếu thế, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô từ 10-20 tỷ đồng doanh thu hoặc từ 20-30 lao động trở xuống).
Đồng quan điểm, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, cần mở rộng đối tượng là hộ kinh doanh, vì hiện nay khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 30.000 DN đang hoạt động nhưng có đến hàng triệu hộ kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản và trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đây là thành phần kinh tế năng động nhất của vùng, do đó nếu hỗ trợ sẽ khuyến khích nhóm này phát triển thành DN tư nhân hoặc công ty TNHH trong tương lai.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật chưa được xây dựng trên nền tảng đánh giá kết quả các chính sách hỗ trợ và tác động đối với các DNVVN, do vậy một số quy định không chỉ gây khó cho công tác hoạch định chiến lược ngành mà việc hỗ trợ sẽ không đúng với thực tiễn nhu cầu DN. Bằng chứng là trên thực tế, các DN đăng ký rất nhiều nội dung kinh doanh với các ngành nghề khác nhau nhưng nhiều nội dung lại chưa bao giờ hoạt động, trong khi vấn đề hậu kiểm vẫn là bài toán khó với các nhà quản lý. Tổng quan hơn, ông Trần Văn Quang, Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến nghị, dự thảo luật cần định hướng con số cụ thể phục vụ cho việc hỗ trợ, ưu đãi được tính theo quy mô kinh tế địa phương, cũng như gắn quyền lợi và trách nhiệm của địa phương vào hiệu quả phát triển DN để đảm bảo chính sách hỗ trợ tập trung vào đúng vấn đề, lĩnh vực DN cần và đúng đối tượng DN được ưu tiên./.
Thanh Loan
——————————-
Tạp chí Thuế (Tin tức) 12-7-2016:
http://tapchithue.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/9884-ho-tro-dn-nho.html
(156/747)