(DĐDN) – Sở Tài chính TP Hà Nội và TP HCM vừa xử phạt hành chính đối với các DN vận tải vì không chịu giảm giá cước theo giá xăng giảm trên thị trường. Tuy nhiên, việc dùng mệnh lệnh hành chính để chỉ đạo giảm giá cước là có phải là… thị trường?
Vinasun là một trong 7 hãng taxi mà Sở Tài chính TP HCM đã có văn bản xử phạt vì chưa kê khai giảm giá cước sau khi xăng dầu giảm liên tục
Thanh tra Sở Tài Chính TP HCM vừa đề xuất xử phạt 7 DN taxi, vì không chịu giảm giá cước theo giá xăng giảm trên thị trường. Theo thông tin với báo chí của Chánh Thanh tra Sở Tài Chính TP HCM Nguyễn Thanh Bình vào ngày 12/1/2016, ngay sau khi giá xăng dầu liên tục giảm trong vòng 1 tháng qua, Sở Tài Chính TP HCM đã có văn bản gửi các DN vận tải xem xét, điều chỉnh giá cước vận tải cho phù hợp. Tuy nhiên, tính đến ngày 8/1/2016, chỉ mới có 8 DN taxi trên địa bản TP HCM thực hiện việc kê khai giá cước mới, với mức giảm từ 300 – 500 đồng/km (2,2 – 6%). Có 7 DN taxi nhận được thông báo chậm niêm yết giá mới nên đã bị đề nghị xử phạt. Cùng với 7 DN taxi trên có 23 DN vận tải hoạt động ở các bến xe cũng vào danh sách chưa giảm giá cước.
Dọa rút giấy phép kinh doanh nếu DN chây ỳ…
Tương tự như TP HCM, Sở Tài chính TP Hà Nội cũng đã công bố danh sách 6 DN kinh doanh vận tải bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 215 triệu đồng. Các DN này bị phạt vì đã vi phạm hành chính qua kiểm tra việc chấp hành quy định quản lý Nhà nước về giá, kiểm soát yếu tổ hình thành giá, niêm yết giá, đăng ký giá, kê khai giá.
Trước tình hình, giá xăng dầu liên tục giảm sâu nhưng các DN vận tải chậm giảm giá cước, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT phối hợp chỉ đạo triển khai quản lý giá cước vận tải. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), từ giữa tháng 9/2015 đến nay, giá xăng dầu giảm mạnh. Đây là cơ sở để Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo sở GTVT các địa phương chủ trì, phối hợp với sở tài chính và các cơ quan chức năng tăng cường quản lý giá cước vận tải, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá cả trên thị trường. Ông Tuấn cho biết, nếu DN chây ì không giảm giá cước, cơ quan quản lý vận tải không chỉ xử phạt hành chính mà còn rút giấy phép kinh doanh của DN.
Vào ngày 22/12/2015, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu sở GTVT các địa phương tăng cường kiểm soát giá cước vận tải, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu. Cụ thể, sở GTVT phải yêu cầu DN vận tải kê khai lại giá cước, đặc biệt là các chi phí cấu thành giá cước. Đặc biệt, sở GTVT phải phối hợp với sở tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải, nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị rút giấy phép.
Các nhà quản lý, thay bằng dùng mệnh lệnh hành chính để chỉ đạo giá cước, chỉ cần giám sát việc công khai minh bạch giá cước và những chi phí liên quan để người tiêu dùng lựa chọn.
Để thị trường điều chỉnh
Theo LS Nguyễn Tiến Sơn – Đoàn LS TP Hà Nội, thái độ cương quyết của những người đại diện Bộ Tài chính và Bộ GTVT đối với việc chây ỳ giảm giá cước vận tải là rất rõ ràng. Mục đích giảm giá cước để bảo đảo quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả cũng rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thông điệp của các vị đại diện cơ quan quản lý nhà nước thì cần phải xác định lại và có sự thống nhất.
LS Sơn cho rằng, nếu cứ mỗi lần giảm giá xăng dầu, liên bộ lại hô hào DN giảm giá, thành lập đoàn kiểm tra và yêu cầu giảm giá cước là cách làm bị động, chạy theo, thậm chí còn có thể nói là “tự mua dây buộc mình”. Dùng mệnh lệnh hành chính để chỉ đạo giảm giá cước là cách làm phi thị trường. Liên bộ chỉ có thể yêu cầu DN vận tải kê khai lại giá cước, niêm yết giá cước, đặc biệt là các chi phí cấu thành giá cước. Quy định này cần được làm thật nghiêm và thường xuyên. DN nào không tuân thủ thì phạt ngay, chứ không thể làm theo các đợt giảm giá xăng dầu hay theo phong trào được.
Ông Lê Đức Cảnh – Trưởng đại diện các tỉnh phía bắc Việt Nam của Cty Vận tải quốc tế Bird card cho biết, Cty Vận tải Bird card là DN vận tải quốc tế nên thường xuyên phải hợp tác với các Cty vận tải biển, hãng hàng không, Cty vận tải đường bộ của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Các DN vận tải cạnh tranh nhau bằng giá, chất lượng dịch vụ. Do đó, các hãng vận tải có uy tín thường niêm yết rất cụ thể giá cước, chi phí cấu thành, đặc biệt là phụ phí xăng dầu. Việc giá xăng dầu lên hay xuống thì phụ phí xăng dầu sẽ được điều chỉnh theo một cơ chế riêng biệt.
Thực tế, vài năm trước, khi chúng tôi ký hợp đồng với một số Cty vận tải của Việt Nam, họ đã học tập các DN vận tải quốc tế, ghi rõ phần phụ phí xăng dầu. Tuy nhiên, gần đây giá xăng dầu giảm, hầu như họ gộp luôn vào giá cước mà không bóc tách ra nữa. Khi chúng tôi nói vì sao giá xăng dầu giảm mà cước vận tải chưa giảm thì họ viện lý do phí các trạm BOT tăng nên chưa giảm cước. “Chúng tôi là DN vận tải quốc tế có mấy trăm năm kinh nghiệm nên có thể biết được đâu là ngụy biện. Việc bóc tách chi phí hoàn toàn có thể làm được” – ông Cảnh khẳng định.
Thực tế, một số DN khi giá xăng dầu tăng họ không tăng cước nên khi giá xăng dầu giảm họ cũng không giảm. Đơn cử như trường hợp của Taxi Vinasun. Đại diện của DN này cho biết, có những đợt giá xăng dầu tăng giảm giá liên tục khiến DN không kịp điều chỉnh. Bởi vì, nếu DN điều chỉnh cước thì lại tốn kém các chi phí liên quan như chi phí kiểm định lại đồng hồ, niêm yết giá cước mới…
Một số chuyên gia cho rằng, giá cước vận tải không nằm ngoài quy luật thị trường. Nếu người dân cảm thấy giá bất hợp lý họ sẽ không sử dụng dịch vụ. Vì vậy, các nhà quản lý, thay bằng dùng mệnh lệnh hành chính để chỉ đạo giá cước, chỉ cần giám sát việc công khai minh bạch giá cước và những chi phí liên quan để người tiêu dùng lựa chọn. Và tại sao lại không dám nghĩ tới việc 1 DN vẫn tăng giá cước khi giá nhiên liệu giảm, bởi vì họ tăng chất lượng dịch vụ!
Cần xử phạt hành chính theo đúng thẩm quyền và nguyên tắc của thị trường
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC
Không thể phạt DN vận tải vì chậm giảm giá cước. Điều này hết sức vô lý và trái với nguyên tắc của thị trường. Nếu các cơ quan chức năng phạt DN vì không niêm yết giá, hoặc chậm kê khai giá thì vẫn đảm bảo được nguyên tắc của thị trường. DN hoàn toàn có thể viện dẫn việc tăng lương cho lái xe, tăng chất lượng dịch vụ hay tăng chi phí qua trạm BOT… để không giảm giá cước vận tải. Chuyện tăng hay giảm giá cước vận tải cần để thị trường quyết định.
Tại sao trong khi các DN taxi đang có mức giá trung bình khoảng 10 – 11.000 đồng/km, Vincom lại đưa ra một phân khúc tới 19.000 đồng/km mà người tiêu dùng vẫn chấp nhận? Vậy thanh tra của Sở Tài chính lấy tiêu chí gì để định giá cước vận tải cho DN. Nếu DN đầu tư một dàn xe sang mới mà bắt họ giảm giá thì không khác gì cấm họ kinh doanh.
Tuy nhiên, để khuyến khích DN giảm giá cước thì một mặt cơ quan quản lý nhà nước có thể giám sát về kê khai giá cước, minh bạch chi phí. Cùng với đó, các chính sách cần hướng đến hỗ trợ DN tiết giảm chi phí kinh doanh. Đó là cải cách hành chính, giảm chi phí về thủ tục, tạo môi trường thuận lợi, có mức giá thuế phí, bến bãi hợp lý…
Nguyên liệu xăng dầu chỉ chiếm 25% chi phí đối với dN vận tải
Ông Lưu Huy Hà – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Hoàng Hà
Sau khi cơ quan quản lý liên tục lên tiếng về tình trạng tăng giá cước của các DN vận tải trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh, tháng 12/2015, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) có văn bản yêu cầu sở GTVT các địa phương tăng cường kiểm soát giá cước vận tải, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu. Cụ thể, sở GTVT phải yêu cầu các DN vận tải kê khai lại giá cước và các chi phí cấu thành giá cước. Đặc biệt, sở GTVT phải phối hợp với sở tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải, nếu phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị rút giấy phép.
Nhìn từ góc độ DN vận tải tôi cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào việc cần phải tỷ lệ thuận giữa giá nguyên vật liệu và cước phí vận tải là không công bằng, bởi thực tế nếu chúng ta tính toán căn cứ vào số lần tăng giá xăng dầu và giảm giá xăng dầu để tính tăng hoặc giảm giá cước là hoàn toàn không phù hợp. Mặt khác, khi giá xăng dầu thế giới có biến động theo chiều hướng tăng thì giá xăng được điều chỉnh tăng cao hơn tính đến tiền nghìn/ lít, còn ngược lại những lần điều chỉnh giảm giá thì rất nhỏ giọt chỉ tính đến tiền trăm/ lít mặc dù giá xăng dầu thế giới lao dốc. Tuy nhiên, giá xăng dầu không phải là nguyên nhân chính dẫn đến DNvận tải tăng giá cước, vì chi phí xăng dầu đối với DN vận tải chỉ chiếm khoảng 25% chi phí DN vận tải phải chịu. Tôi cho rằng vấn đề khiến DN phải tăng giá cước là các DN cả nước nói chung và DN vận tải nói riêng hiện nay phải đối mặt với việc tăng lương tối thiểu vùng, bảo hiểm tăng trong khi hoạt động sản xuất của DN không mấy sáng sủa khiến DN gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, mức thu lệ phí giao thông đường bộ hiện nay tăng quá cao, bắt buộc DN vận tải phải tính đến bài toán kinh tế để duy trì hoạt động. Tôi cho rằng việc tăng cước vận tải là hợp lý.
B.Tú, K.Lãng ghi
—————————————————————————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Vấn đề hôm nay) 15-01-2016:
http://enternews.vn/gia-cuoc-van-tai-menh-lenh-hanh-chinh-hay-kinh-te-thi-truong.html
(277/2.059)