Thoái vốn khốn khó
(ANVI) – Thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng và TCTD cổ phần khác là một yêu cầu bắt buộc và đang được thúc giục phải hoàn tất trong năm nay.
Tuy nhiên, nếu cứ bán cổ phần đúng với giá thị trường, thì chắc ế hàng, vì cung lớn, cầu nhỏ. Đặc biệt, nhà đầu tư khá e ngại khi phải trải qua việc kiểm soát kỹ năng lực tài chính và nguồn gốc của số tiền mua cổ phần. Lại khó có thể dùng nguồn vốn vay vì ngân hàng thương mại gần như không còn room cho vay mua cổ phần.
Và nếu có nhiệt huyết nhảy vào thì nhà đầu tư cũng không dễ gì có thể được tham gia vào làm thành viên HĐQT, Ban kiểm soát hay Ban điều hành, dù với tư cách là cổ đông lớn. Đặc biệt nguy hiểm mà nhà đầu tư sẽ phải rất cân nhắc trước việc, liệu vào một ngày đẹp giời nào đó, cổ phần của mình có bị trưng mua bắt buộc với giá trị bằng 0 đồng?
Đã mua cổ phần ngân hàng rồi thì không được phép rút vốn ra, mà chỉ được chuyển nhượng (bán lại). Nếu không may mắn, liệu có gặp rủi ro: Mua thì được nhưng bán lại thì không?. Tức mua xong chưa được làm chủ mấy bữa, chưa được hưởng lợi lộc gì thì ngân hàng đó lại rơi vào tình trạng “bất đắc kỳ từ”.
Tuy nhiên lại chẳng lo chuyện không thoái được vốn. Vì pháp luật hiện hành cho phép chỉ định một loạt định chế tài chính mua lại như: Công ty SCIC (Bộ Tài chính), các ngân hàng thương mại và cuối cùng đến lượt Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 22-4-2015