95. Thông tư cần hướng dẫn cụ thể, rõ ràng chữ không nên đặt thêm và nhắc lại các quy định khác một cách máy móc.

(ANVI) – Góp ý Dự thảo Thông tư của Thống đốc NHNN Hướng dẫn việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng thương mại Việt Nam (Dự thảo gửi lấy ý kiến ngày 14/6/2007):

 

  1. Một số vấn đề chung:
    • Dự thảo Thông tư mới chỉ hướng dẫn việc ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho nước ngoài trong trường hợp tăng vốn điều lệ. Đề nghị cần hướng dẫn cả khoản 3, Điều 8 và khoản 3, Điều 10, Nghị định số 69/2007/NĐ-CP về các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các cổ đông khác. Đồng thời cũng cần hướng dẫn trường hợp khác, ngân hàng bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài mà không tăng vốn điều lệ, ví dụng bán cổ phiếu quỹ.
    • Nội dung của Thông tư cần khắc phục hạn chế của Nghị định số 69/2007/NĐ-CP, hướng dẫn đồng bộ việc thực hiện theo cả Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Chứng khoán. Chẳng hạn tại điểm 1.2 và 1.3, khoản 1, Mục III (Hồ sơ mua bán, chuyển nhượng cổ phần) chỉ nhắc đến “phương án tăng vốn điều lệ”. Trong khi đó, nếu Ngân hàng thương mại cổ phần là công ty đại chúng, thì Uỷ ban Chứng khoán lại yêu cầu tên gọi là “phương án phát hành” cổ phần ra công chúng và gồm cả “phương án sử dụng vốn” thu được từ đợt chào bán cổ phần theo quy định tại Điều 12 (Điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng), Luật Chứng khoán. Trên thực tế, Uỷ ban Chứng khoán không chấp nhận việc Đại hội đồng cổ đông chỉ thông qua “phương án tăng vốn điều lệ”.
  2. Về điều kiện đối với ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho nước ngoài:
    • Điểm 1.2, khoản 1, Mục II (Điều kiện mua, bán, chuyển nhượng cổ phần) của Dự thảo nêu ra điều kiện ngân hàng Việt Nam phải “có thời gian hoạt động tối thiểu 02 năm” là một nội dung trái với Nghị định số 69/2007/NĐ-CP. Và khi ngân hàng Việt Nam chưa đáp ứng được điều kiện này, thì cũng phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Như vậy, thì Ngân hàng Nhà nước đã lạm quyền, vì đã tự đặt thêm quy định giao trách nhiệm cho Thủ tướng ngoài những trường hợp theo Nghị định.
    • Điểm 1.4, khoản 1, Mục II (Điều kiện mua, bán, chuyển nhượng cổ phần) của Dự thảo, nếu chỉ nhắc lại nguyên văn quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 11, Nghị định số 69/2007/NĐ-CP “có bộ máy quản trị, điều hành, hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ hoạt động có hiệu quả” là điều không cần thiết. Trong trường hợp này, cần phải giải thích cụ thể, rõ ràng, tránh tình trạng không xác định được hoặc lại phải giải thích bằng văn bản khác thế nào là “hoạt động có hiệu quả”.
  3. Về hồ sơ mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài:
    • Điểm 2.1.1, khoản 2, Mục III (Hồ sơ mua bán, chuyển nhượng cổ phần) hướng dẫn một trong những hồ sơ của nhà đầu tư nước ngoài phải có là “Các văn bản pháp lý về thành lập và hoạt động của tổ chức (bản sao có xác nhận của cơ quan công chứng nước nguyên xứ)” là không chính xác, vì nhiều nước cũng thực hiện nguyên tắc như Luật Công chứng năm 2006 của Việt Nam, theo đó cơ quan công chứng không làm nhiệm vụ chứng nhận bản sao, mà thuộc chức năng của các cơ quan khác.
    • Phụ lục số 01 (Sơ yếu lý lịch) Phụ lục số 02 và 03 (Đơn mua cổ phần) của nhà đầu tư nước ngoài, cần bỏ dòng Quốc hiệu “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, vì đây là văn bản của cá nhân và tổ chức nước ngoài gửi cho Ngân hàng thương mại Việt Nam trong giao dịch thương mại, không cần thiết và thậm chí không thể sử dụng Quốc hiệu Việt Nam.
    • Phần cam kết tại Phụ lục 1 cần hướng dẫn rõ hơn, thay vì cam kết “không vi phạm các quy định của pháp luật” vì đây là phạm vi quá rộng, không cần thiết bắt các nhà đầu tư phải cam kết (ví dụ vi phạm nhẹ về Luật Giao thông đường bộ thì không ảnh hưởng đến việc được mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam).
  4. Một số từ ngữ không chính xác:
    • Thông tư là văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định, do vậy không nên viết “theo quy định” của Ngân hàng Nhà nước hoặc của Thông tư này, mà cần viết là “theo hướng dẫn”. Ví dụ:
      • Tên Mục 1 “Quy định chung”;
      • quy định tại Thông tư này” (điểm 2.2, khoản 2, Mục V; điểm 5.4 và 5.5, khoản 5, Mục V);
      • Quy định tại điểm 3.3…” (điểm 2.5, khoản 2, Mục V),…
    • Một số chỗ cần thay đổi từ “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” thành “theo quy định của pháp luật”. Ví dụ:
      • Khoản 3, Mục I (Quy định chung) viết “Nhà đầu tư nước ngoài phải mở, sử dụng và quản lý tài khoản góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý ngoại hối”, trong khi đó trước hết cần phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 và Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28-12-2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối, sau đó mới là theo các văn bản của Ngân hàng Nhà nước;
      • Điểm 3.2, khoản 3, Mục III (Hồ sơ mua bán, chuyển nhượng cổ phần) viết: “2. Hồ sơ chuyển nhượng cổ phần của các trường hợp khác qui định tại Điểm 3.3 Khoản 3 Mục II được thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
    • Dự thảo còn nhiều chỗ sử dụng khái niệm “trong thời gian” là không chính xác, mà cần phải thay bằng “trong thời hạn”. Ví dụ:
      • Thời gian chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…” tại điểm 3.1, khoản 3, Mục II (Điều kiện mua, bán, chuyển nhượng cổ phần) cần phải sửa thành “Thời hạn được phép chuyển nhượng cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…”;
      • Điểm 1.2, khoản 1, Mục V (Trách nhiệm cảu các cá nhân, tổ chức có liên quan) viết: Nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm “Chuyển đủ số tiền đã đăng ký mua cổ phần vào tài khoản góp vốn, mua cổ phần trong thời gian 30 ngày làm việc …”, cần phải sửa thành “trong thời hạn”;
      • Khoản 2, Mục VI (Tổ chức thực hiện) viết: “Trong thời gian 24 tháng…” cần phải sửa thành “Trong thời hạn 24 tháng…”;
      • Mục 4, Phụ lục số 04 (Đơn mua cổ phần): “Thời gian nộp tiền”, cần phải sửa thành “thời hạn nộp tiền).
    • Cùng đề cập đến một vấn đề nhưng điểm 1.4.a, khoản 1, Mục III viết “số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác”, đến Mục 4, Phụ lục 1 lại là “số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của cá nhân” (mà không nhắc đến giấy tờ chứng thực hợp pháp khác) và Mục 1, Phụ lục 03 thì lại là “số hộ chiếu hoặc số giấy tờ chứng thực cá nhân khác” (không nhắc đến chứng minh nhân dân).
    • Một số chỗ dùng từ ngữ không thống nhất như viết “ngân hàng” (ví dụ điểm 1.4.a, khoản 1, Mục III) mà không viết là “ngân hàng Việt Nam” như đã được định nghĩa; giữa chứng minh thư với chứng minh nhân dân,…
    • Trong các Phụ lục kèm theo sử dụng khái niệm “pháp nhân” nước ngoài, không thống nhất với khái niệm “tổ chức” trong Dự thảo.
    • Hội đồng quản trị Ngân hàng hoạt động theo cơ chế tập thể. Do vậy, cũng như nhiều văn bản khác của Ngân hàng Nhà nước,cần đề cập đến Hội đồng quản trị thay vì chỉ nói đến Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ví dụ:
      • Tờ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam của Chủ tịch Hội đồng quản trị” tại điểm 1.1, khoản 1, Mục III (Hồ sơ mua bán, chuyển nhượng cổ phần);
      • Tờ trình của Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng Việt Nam” tại điểm 3.1.a, khoàn 3, Mục III;
      • “… Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này”.
    • Ngoài ra còn một số từ ngữ, câu chữ còn lủng củng, chưa rõ ràng, chưa chính xác.
  5. Về kỹ thuật xây dựng văn bản:
    • Thông tư cần được xây dựng theo hướng: Hoặc là nhắc lại đầy đủ các nội dung của Nghị định, hoặc chỉ hướng dẫn những nội dung khác, chứ không nên như Dự thảo, chỗ thì nhắc lại, chỗ thì viện dẫn. Ví dụ:
      • Khoản 4 (Giải thích từ ngữ), Mục I (Quy định chung) là không cần thiết, vì nhắc lại nội dung Điều 3, Nghị định số 69/2007/NĐ-CP;
      • Khoản 1, Mục II (Điều kiện mua, bán, chuyển nhượng cổ phần) chỉ có điểm 1.1 viện dẫn theo Nghị định số 69/2007/NĐ-CP, còn các nội 3 dung khác cũng đã được quy định trong Nghị định, nhưng lại được viết lại như của Thông tư, chứ không viện dẫn Nghị định.
    • Về kết cấu và diễn đạt của Dự thảo còn nhiều điểm bất hợp lý, như:
      • Điểm 1.6, khoản 1, Mục I không thể cùng kết cấu với các điểm 1.1 đến 1.5;
      • Điểm 3.1, khoản 3, Mục I viết không theo cách nhắc lại và cũng chẳng theo cách hướng dẫn Nghị định;
      • Khoản 1 và 2, Mục IV (Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư nước ngoài), không thế phân tách như hiện nay.

 

—————————–

Bài được lưu ở đây:

ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN

FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)

E-mail: duc.tt @anvilaw.com

Web: www.anvilaw.com

ĐT: 090.345.9070

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,939