(DĐDN) – “Việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ làm cho công tác hỗ trợ DNNVV đi vào thực chất hơn, giúp thay đổi hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân DN (kể cả DN lớn lẫn DNNVV) trong việc thúc đẩy phát triển DNNVV, tạo hiệu quả cho nền kinh tế” – TS Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh trong cuộc trao đổi cùng DĐDN bên lề Hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV dưới góc nhìn cộng đồng DN” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
TS Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV cũng đặt ra một thách thức lớn đối với những người thực thi bởi đây là luật khá phức tạp, có phạm vi tác động đến rất nhiều đối tượng, từ các DN đến các cơ quan Nhà nước thậm chí là đến cả cơ quan cao nhất là Quốc hội trong chức năng giám sát thực thi luật.
– Theo bà, các chính sách hỗ trợ DNNVV của Nhà nước từ trước đến nay đã đủ để giải quyết các vấn đề phát triển DNNVV chưa?
Từ trước đến nay Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ DNNVV. Năm 2001 có Nghị định 90 về chính sách trợ giúp phát triển DNNVV, năm 2009 có Nghị định 56 cũng về chính sách hỗ trợ DNNVV. Căn cứ vào những Nghị định đó Chính phủ đã xây dựng 2 kế hoạch phát triển DNNVV. Kế hoạch lần thứ nhất từ năm 2006-2010, kế hoạch lần thứ 2 từ 2011-2015. Các giải pháp có nhiều, tuy nhiên, tính hiệu lực của các văn bản pháp luật chưa cao, mới ở tầm
Nghị định và các kế hoạch, cho nên nguồn lực để triển khai các giải pháp này chưa được phân bổ một cách kịp thời. Do đó chưa thể nói rằng nó đủ để giải quyết các vấn đề của DNNVV nhất là trong bối cảnh số DN thành lập mới rất nhiều nhưng quy mô ngày càng nhỏ đi như hiện nay.
– Vậy thưa bà, các giải pháp mới đưa ra trong Luật Hỗ trợ DNNVV liệu có tạo được sự đột phá trong việc phát triển DN hay không?
Trong dự thảo của Luật Hỗ trợ DNNVV đã xây dựng được một số giải pháp với cách tiếp cận tương đối mới. Tuy nhiên để nói tạo được sự đột phá thì thực sự chưa rõ nét bởi các quy định trong dự thảo còn chung chung và còn phụ thuộc vào nguồn lực mà Nhà nước dành cho công việc này. Chỉ khi các giải pháp đưa ra nhận được nguồn lực của Nhà nước nhân lên gấp bội thì mới tạo được sự đột phá.
Cần phải đưa ra được các quy định ngăn ngừa hoặc hạn chế sự lạm dụng các công cụ hỗ trợ của Luật DNNVV.
– Theo bà, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào? Nó có thể thực sự giải quyết được những hạn chế do quy mô nhỏ của DN gây ra hay không?
Để giúp DNNVV phát triển cả về lượng và chất, theo tôi, cần tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính: Thứ nhất là hỗ trợ DNNVV dễ dàng trong tiếp cận các nguồn lực đầu vào và đầu ra (vốn, các khoản tín dụng, mặt bằn sản xuất, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường….); Thứ hai là chương trình hỗ trợ với các mục tiêu cụ thể nhằm hướng DNNVV phát triển ở những ngành Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với quá trình tái cấu trúc kinh tế. Hai nhóm giải pháp chính này sẽ bổ trợ cho nhau, một mặt giúp cho DNNVV nói chung đông về số lượng nhưng cũng đồng thời lớn lên về quy mô để có thể đủ sức tồn tại và cạnh tranh. Mặt khác hỗ trợ tập trung vào một nhóm các doanh nghiệp có năng lực bứt phá, phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo, phù hợp với cấu trúc của nền kinh tế hiện đại, và điều này có thể thực hiện được thông qua môt số chương trình hỗ trợ cụ thể. Theo tôi, đây là hướng đi đúng, chúng ta không hỗ trợ dàn trải, DN tự lớn lên bằng nguồn lực của họ là chính chứ không phụ thuộc quá nhiều vào sự trợ giúp, bao cấp. Điều này có nghĩa là các cơ quan, tổ chức hỗ trợ cũng cần phải thay đổi tư duy và hành xử: Họ phải hiểu được chính xác DNNVV đang khó khăn gì và hỗ trợ họ giải quyết khó khăn đó bằng các nào, coi DNNVV là các “khách hàng” chứ không phải là đối tượng để ban phát.
Dự thảo cũng đã đưa ra một số giải pháp hướng tới việc giải quyết những hạn chế do quy mô nhỏ của DN gây ra. Có những vấn đề thường chỉ có DNNVV gặp phải chẳng hạn như DNNVV đi vay tín dụng thường thiếu tài sản thế chấp, vì thế trong nhóm giải pháp có việc hoàn thiện hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Hay như trong giai đoạn khởi sự các DN thường thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu các thiết bị thử nghiệm, làm khuôn mẫu sản phẩm… nên trong nhóm giải pháp có đưa ra mô hình vườn ươm DN để hỗ trợ họ.
– Trong dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có quy định DNNVV sẽ được hỗ trợ trong các lĩnh vực như tiếp cận vốn, tiếp cận thị trường… Vậy theo bà, điều này có đi ngược lại với các luật hiện hành, có làm mất đi tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh?
Điều này không đi ngược lại với các luật hiện hành, cũng không làm mất đi tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh, bởi vì điều này phụ thuộc vào cách thức thiết kế luật. Chúng ta đã có các Luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư …. đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nói chung và các Luật này cho đến nay, sau nhiều lần sửa đổi đã hoàn thiện tương đối phù hợp với xu thế hội nhập. Luật
Hỗ trợ DNNVV giải quyết những vấn đề phát triển của DN liên quan đến quy mô kinh doanh mà các luật khác chưa giải quyết được.
Tôi rất muốn nhấn mạnh đến khía cạnh “quy mô”, bởi từ trước đến nay có rất ít Luật có quy định đề cập đến góc độ này. Đây là Luật riêng biệt và cũng có thể thay đổi tuỳ theo từng giai đoạn, chính sách phát triển của đất nước. Nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV để tạo thuận lợi hơn cho một bộ phận lớn các DN có điều kiện phát triển bền vững, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho tăng trưởng. Với mục tiêu đó thì việc ban hành Luật riêng biệt này cũng chính là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Chỉ khi trong thiết kế luật có sự trợ cấp, trợ giá một cách trực tiếp đến DN dẫn đến bóp méo thị trường thì mới làm mất đi tính cạnh tranh. Chính vì thế, tôi cũng đồng tình với một số ý kiến rằng, có thể chúng ta dùng một cụm từ khác phù hợp hơn, đó là Luật Phát triển DNNVV.
– Với nhiều chính sách hỗ trợ cho DNNVV như vậy, liệu có gây ra nguy cơ DN lạm dụng một số công cụ hỗ trợ không, thưa bà?
Trên thực tế có tồn tại nguy cơ đó bởi trong quá trình thiết kế và thực thi Luật này, đối với một số giải pháp cụ thể có thể có những tiêu chí dược đặt ra và ở đây có thể có sự can thiệp rất sâu của con người theo ý chí chủ quan, nhất là đối với một số công cụ khi đưa ra vẫn còn có tính chất “o bế” DNNVV. Ví dụ: DN có thể có có xu hướng thu hẹp quy mô nhỏ lại, hoặc tách DN để nhận được các ưu đãi nào đó. Hay như đối với trường hợp Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, đôi khi DN chây ỳ, cố tình lợi dụng để cho Quỹ Bảo lãnh trả nợ thay cho DN khoản vay đã được bảo lãnh.
Nhưng nếu Quỹ Bảo lãnh lại cũng có yêu cầu chặt chẽ, “chắc ăn” quá thì nó lại mất chức năng hỗ trợ việc bảo lãnh, bởi cực chẳng đã, DNNVV mới phải đến Quỹ bảo lãnh tín dụng mà thôi. Những DN lớn và có tài sản thế chấp họ chẳng đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng làm gì. Chính vì vậy, Quỹ bảo lãnh tín dụng chỉ được coi là một trong những công cụ hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng và thực sự cho đến nay các nước trên thế giới ghi nhận sự thành công của các Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cũng chỉ ở mức độ nhất định.
Vậy cái quan trọng nhất trong quá trình thiết kế các chính sách là phải đưa ra được các quy định ngăn ngừa hoặc hạn chế sự lạm dụng đấy.
– Xin cảm ơn bà!
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Cty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC:Cần có những chính sách đặc thù cho DN khởi nghiệp
Hiện nay, chúng ta đang có khoảng 4,5 – 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Mặc dù, rất nhiều hộ kinh doanh cá thể có quy mô lớn hơn rất nhiều DNNVV. Theo Luật DN 1999, luật 2005, đến nay là Luật DN 2014 ngày càng thừa nhận một cách gián tiếp đây là một loại hình DN. Tuy nhiên, hàng chục năm qua đối tượng này hầu như đã bị “bỏ rơi”. Do đó, nếu không công nhận khu vực này là DN thì cần có chính sách khuyến khích để họ chuyển thành DN – Một trong những mục tiêu quan trọng hướng tới 1 triệu DN vào năm 2020.
DNNVV thiếu đủ thứ từ vốn, tư vấn luật sư, kế toán, mặt bằng… Luật cần tạo ra cơ chế đặc thù cho các DN mới khởi nghiệp. Đơn cử như lương tối thiểu (2,4 – 3,5 triệu đồng/tháng/người). Đối với Cty CP không nhất thiết phải có tới 20% số thành viên HĐQT là thành viên độc lập như quy định tại Luật DN 2014, không nhất thiết phải có 3 thành viên ban kiểm soát… Đây chính là những quy định cụ thể khuyến khích DN khởi nghiệp.
Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái: Hỗ trợ chứ không làm từ thiện
Trước hết, Luật đừng tạo tiền lệ để các DN lớn xé nhỏ thành DNNVV để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ. Với tiêu chí, doanh thu và vốn như dự thảo thì nhiều DN sẽ cứ mãi là DN nhỏ để hưởng hỗ trợ, ưu đãi. Hỗ trợ cũng đồng nghĩa với việc phải có tương lai phát triển. Nếu chúng ta cứ bỏ ra các nguồn lực hỗ trợ, rồi DN lại ra đi thì khác gì làm từ thiện. Chính sách hỗ trợ phải phân biệt với làm từ thiện.
Các quy định về tiêu chí DNNVV như doanh thu, số lượng lao động cần rất cụ thể và phù hợp. Luật phải làm rõ giữa “hoặc với và”. Nếu DN có vài chục lao động nhưng doanh thu hàng chục ngàn tỷ thì có được gọi là DNNVV không?
Để hỗ trợ, Trung ương chỉ là cơ quan ban hành chính sách, còn địa phương mới là nơi thực thi chính sách cụ thể. Vai trò của những cơ quan đại diện cho cộng đồng DN từ Trung ương đến địa phương phải liên tục sâu sát hoạt động của DN. Từ đó, các tổ chức đại diện sẽ đưa ra những kiến nghị phù hợp giúp Trung ương xây dựng chính sách và địa phương thực thi hiệu quả.
Hồ Hường thực hiện
———————————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Cải cách hành chính) 13-7-2016:
http://enternews.vn/luat-ho-tro-dnnvv-thuc-day-dnnvv-phat-trien-manh.html
(223/2.086)