(KTSG) – Trong khi “chờ” ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh mà lẽ ra Chính phủ phải công bố vào ngày 1-7 vừa rồi để phù hợp với Luật Đầu tư, thì một luật sư tiếp tục kiến nghị bãi bỏ hàng loạt các quy định đang cản trở hoạt động doanh nghiệp.
Theo luật sư Trương Thanh Đức từ Công ty Luật ANVI, cần phải bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh hiện hành để đảm bảo bình đẳng giữa tất cả các loại hình, sở hữu và quy mô doanh nghiệp, không để họ mất cơ hội và quyền lợi đáng được hưởng so với doanh nghiệp lớn.
Đó là các quy định đã ban hành tại các Nghị định về điều kiện kinh doanh dựa vào quy mô như kinh doanh xuất khẩu gạo, vận tải taxi, phân phối gas và các quy định tương tự.
Cụ thể, đó là quy định doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; và kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo, được quy định tại Điều 4 về “Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo”, Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04-11-2010 của Chính phủ về “Kinh doanh xuất khẩu gạo”.
Doanh nghiệp, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có tối thiểu là 10 xe; riêng đối với Hà Nội, Sài Gòn phải có tối thiểu là 50 xe; được quy định tại khoản 7, Điều 17 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về “Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô”.
Doanh nghiệp phân phối gas (Khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG) phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3, có số lượng bình gas các loại (không tính bình mini) thuộc sở hữu của doanh nghiệp với tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít;… được quy định tại Điều 9 về “Điều kiện đối với thương nhân phân phối khí”, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22-3-2016 của Chính phủ về “Kinh doanh khí”.
Theo ông Đức, thậm chí cả việc quy định về mức vốn pháp định cũng cần phải xem lại đối với nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp có vốn lớn thì đương nhiên có cơ hội kinh doanh bất động sản tốt hơn. Nhưng doanh nghiệp có vốn điều lệ dưới 20 tỉ đồng thì cũng vẫn hoàn toàn có nhiều cơ hội kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ so với doanh nghiệp quy mô vài chục tỉ đồng, thậm chí vài trăm tỉ đồng.
Quan điểm của Luật sư Đức được đưa ra trong một cuộc thảo luận lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày hôm qua, 12-7, tại Hà Nội.
Theo ông Đức, cần bảo đảm sự bình đẳng pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là bảo đảm sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình, sở hữu và quy mô doanh nghiệp, không để họ mất cơ hội và quyền lợi đáng ra được hưởng so với doanh nghiệp lớn.
Khoản 2, Điều 9 về “Cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính”, Dự thảo Luật đã quy định, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức “Ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định”; hay “Có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc không thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.” Đây là những quy định hết sức hợp lý và cần thiết.
Ông Đức kiến nghị: “Các quy định như trên cần phải được bãi bỏ ngay mà không cần chờ đến khi Luật có hiệu lực”.
Những quy định trên đã được cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ trong thời gian dài khi các bộ, ngành rà soát các điều kiện kinh doanh để phù hợp với Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ số phận của các điều kiện kinh doanh này vì 50 nghị định liên quan chưa được công bố vào ngày 1-7 vừa qua theo lịch trình
Nhiều doanh nghiệp đã bị loại bỏ khỏi quyền xuất khẩu gạo do điều kiện kinh doanh. Ảnh TL |
Tư Hoàng
——————————
TB Kinh tế Sài Gòn (Ghi nhận) 13-7-2016:
http://www.thesaigontimes.vn/148851/tiep-tuc-kien-nghi-bai-bo-hang-loat-dieu-kien-kinh-doanh.html/
(705/874)