Lợi hại đại diện
(ANVI) – Luật Doanh nghiệp 2014 đã chốt 1 phát tại Điều khoản 13.2 về “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” như sau: “2. Công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”
Đại loại giải nghĩa thế này: Công ty có nhiều đại diện theo pháp luật thì mỗi người có quyền đại diện trong 1 mảng miếng theo Điều lệ. Dự thảo Bộ Dân luật mới cũng đi theo hướng tương tự như trên.
Nếu xưa, cứ túm chặt thắt lưng ông đại diện, thật là đại tiện, chắc ăn, khỏi phải lăn tăn gì sất; thì nay túm chặt mà vẫn lo rủi ro pháp lý. Rất có thể ông đại diện X. thì được ký hợp đồng, nhưng ông Y. thì lại không. Hay anh A. thì được ký 7 tỷ, còn chị B. thì lại chỉ được tỷ mốt. Quá khó để để xác định đâu là Điều lệ hiệu lực và chính xác của nó. Mà cầm hắn trong tay, thì cũng gay go không kém, vì mỗi ông mỗi phách, rất có thể chỗ nọ vài thẩm quyền, chỗ kia vài con số, như đánh đố nhau tìm đâu đó trong vài chục trang A4.
Như vậy, cho dù đại diện xịn, được ghi nhận rõ rành trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng chưa chắc đã có quyền ký tá, kiểu như cầu thủ bị cấm đá.
Thế là vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý rủi ro của nội bộ doanh nghiệp đã được đẩy ra cho bàn dân thiên hạ.
Ngày 06-5-2015