964. “Quốc hội cần một tinh thần làm luật mới”

(KTVN) – Theo Chủ tịch VCCI, cần bước nhảy về cải cách thể chế chứ không tuần tự được nữa…

Hội thảo về hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh, những vướng mắc và kiến nghị, diễn ra sáng 22/7.

Để tạo bước nhảy về thể chế thì Quốc hội cần một tinh thần làm luật mới, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh khi phát biểu bế mạc một hội thảo sáng 22/7.

Hội thảo có chủ đề về hệ thống pháp luật đầu tư kinh doanh, những vướng mắc và kiến nghị. Một trong những vấn đề được ông Lộc nhấn mạnh tại đây, chính là sự cần thiết phải trình Quốc hội dự án một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.

Bởi chỉ qua rà soát 37 luật trong thời gian rất ngắn, tập trung vào các vướng mắc lớn trong các luật có tác động ở phạm vi rộng, kể cả luật mới được ban hành thì đã có trên 100 quy định cần sửa.

Và tại hội thảo, trong một buổi sáng thì các chuyên gia, doanh nghiệp cũng đã tiếp tục đưa ra thêm khoảng 50 quy định cần phải sửa đổi ở các luật khác.

Như vậy là có khoảng 150 quy định cần phải sửa vì theo cộng đồng doanh nghiệp là đang cản trở quyền tự do kinh doanh.

Ông Lộc cũng nói thêm, đây là quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp, còn trao đổi làm rõ và sẽ sửa thế nào thì còn cần sự thống nhất của các cơ quan quản lý.

Nhưng, việc sửa là rất cần thiết. Vì, Việt Nam đang đứng trước giai đoạn mới của cải cách khi mà yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại đang được đặt ra cấp bách.

Chính phủ đã đặt ra tham vọng là đến năm 2020 sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu ASEAN và tăng gấp đôi số doanh nghiệp hiện có.

Những mục tiêu này, theo Chủ tịch VCCI, cần bước nhảy về cải cách thể chế chứ không tuần tự được nữa. Để tạo môi trường an toàn và thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, rất nhiều luật  phải thay đổi, nhưng nếu cứ xếp hàng tuần tự, thì 5 – 6 năm sau mới được sửa đổi.

Với quan điểm tất cả các luật về kinh doanh kể cả vừa được ký ban hành nếu phát hiện sai thì sẵn sàng sửa ngay, Chủ tịch VCCI cho biết ông sẽ đề xuất với Quốc hội là mỗi năm, thậm chí là mỗi kỳ họp Quốc hội có  một luật sửa đổi nhiều luật liên quan đến môi trường kinh doanh, có thể chỉ sửa vài điều nhưng nếu thấy cần thì vẫn phải làm.

Rất cần tinh thần làm luật mới như vậy, cả Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đều thống nhất sẽ kiến nghị với Quốc hội về luật này, ông Lộc nói.

Liên quan đến dự án luật mà ông Lộc nhấn mạnh, tại phiên họp giữa tháng 7  vừa qua của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Chính phủ cũng đã đề xuất đưa vào chương trình của năm 2016.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thì dự thảo luật này nếu được thông qua sẽ khắc phục được sự chồng chéo trong đầu tư kinh doanh với nhiều luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…. Nhưng một số ý kiến cho rằng quy định về điều kiện kinh doanh mới có hiệu lực được 10 ngày lại sửa thì hoàn toàn không có cơ sở.

Nhưng, tại hội thảo sáng 22/7,Trưởng ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nêu đề nghị bỏ đến vài chục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Như, dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm, dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần, dịch vụ mua bán nợ, dịch vụ sát hạch lái xe…

Luật sư Trương Thanh Đức cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập cần được xem xét, sửa đổi bổ sung để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng và an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp. 

Chẳng hạn, khoản 2, điều 13 về “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau: “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”

Vấn đề ở đây là công ty có thể tìm cách trốn tránh trách nhiệm trong các trường hợp bất lợi. Đồng thời gây khó khăn và rủi ro rất lớn cho đối tác giao dịch với công ty, vì không phải lúc nào cũng tiếp cận được điều lệ và không bảo đảm việc xác định được chính xác nội dung phân quyền cũng như bản điều lệ nào có hiệu lực thật sự.

Ông Đức đề nghị sửa đổi theo hướng quy định: công ty hợp danh có nhiều người đại diện theo pháp luật. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật có quyền, nghĩa vụ như nhau và điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng và chức danh quản lý của các đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và phải đăng ký với cơ quan đăng ký doanh nghiệp.

Một số ý kiến tại hội thảo cho rằng cần thiết thì có thể đề xuất bỏ Luật Đầu tư. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà phát biểu, ông cũng đã có lần đưa ra ý kiến về việc không cần có Luật Đầu tư – một đạo luật dù mới được ban hành và nhiều người đánh giá là tiên tiến.

NGUYÊN VŨ

———————————

TB Kinh tế VN (Thời sự) 23-7-2016:

http://vneconomy.vn/thoi-su/quoc-hoi-can-mot-tinh-than-lam-luat-moi-20160722110330915.htm

(291/1.067)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,680