965. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong môi trường cạnh tranh: Cách nào để đứng vững?

(HNM) – Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp (DN) cả nước, thường xuyên đóng góp hơn 40% GDP, giải quyết hàng triệu việc làm cũng như góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Nhưng, DNNVV luôn thiếu vốn, lạc hậu về công nghệ và năng lực quản trị, thường xuyên chịu lép vế trong cạnh tranh. Trong khi các quy định cũng như chất lượng phục vụ của cơ quan chức năng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới của DN và khó khăn của DNNVV được ví như hình ảnh “vai vác nặng đi trên cầu khỉ”… Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các DNNVV đứng vững trên thị trường và phát triển lên quy mô lớn hơn.

 

Sản xuất vỏ chăn, ga tại Công ty TNHH Thanh Bình (KCN Phố Nối A, Hưng Yên). Ảnh: Huy Hùng

Những tồn tại chưa thể giải quyết 

Bản thân tên gọi của DNNVV đã nói lên tính chất đặc trưng của loại hình DN này. Thực tế, phần lớn DNNVV hình thành dựa trên yếu tố tự phát, từ kinh nghiệm của cá nhân và gia đình, sử dụng vốn tự có và vốn vay từ gia đình, bạn bè để khởi nghiệp. Khi bước vào hoạt động thì hầu hết các đơn vị đều dựa vào nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vay được vốn. Đây là vấn đề nan giải, tồn tại đã lâu mà chưa thể giải quyết khi DN luôn thiếu tài sản thế chấp, còn ngân hàng không muốn nhận phần rủi ro về mình.

Mặt khác, các chủ DN cũng hạn chế về trình độ, nhất là về kiến thức pháp luật, ngoại ngữ và quản lý. Hiện, mới có khoảng 30% DN có bộ phận pháp lý chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả. Trong khi đó, bối cảnh hội nhập ngày càng tạo sức ép với DN, nhiều đơn vị lúng túng trước việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, gặp khó khăn khi phải đối diện, xử lý tranh chấp với DN nước ngoài. Thực tế, đã có hàng chục vụ kiện bán phá giá của DN “ngoại” đối với DN “nội”, nhưng DN “nội” mới chỉ tiến hành được 4 vụ kiện tự vệ thương mại với DN quốc tế. Về công nghệ, nhìn chung lạc hậu hơn DN các nước trong khu vực từ 15 đến 25 năm nên sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh trên thị trường khi hội nhập. Việc người tiêu dùng sử dụng hàng hóa Thái Lan, Nhật Bản… đang tràn vào ngày một nhiều trên thị trường nước ta là minh chứng cho thực tế này.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội, sức ép hội nhập càng bộc lộ những yếu kém của DN, nhất là các yếu tố chủ quan. Một số đơn vị chưa làm tốt yêu cầu liên kết. Cơ quan chức năng cũng chưa đáp ứng tốt nhu cầu DN. Có quá nhiều văn bản các bộ, ngành, quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; hay việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành quy định chồng chéo nhau, một mặt hàng vừa phải chứng nhận hợp quy, vừa phải kiểm tra từng lô hàng mỗi khi nhập khẩu. Cùng một mặt hàng nhưng lần nào cũng phải xin giấy phép, kiểm tra chất lượng…

Kiên trì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2016 là khởi đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới, gắn liền với kiến tạo và quyết tâm hỗ trợ DN thiết thực, hiệu quả; từng bước xác lập môi trường đầu tư – kinh doanh hữu hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Cũng trong năm nay nền kinh tế liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, với các yếu tố bất lợi cả về chủ quan, khách quan. Tình hình hoạt động của DNNVV đặt ra yêu cầu hiện thực hóa mục tiêu hỗ trợ từ cấp điều hành vĩ mô đến từng địa phương, các bộ, ngành…

Hà Nội đang khẳng định vị thế là địa phương đi đầu cả nước trong hỗ trợ DN, được Chính phủ cũng như các tỉnh, thành phố bạn ghi nhận với những biện pháp chủ động và đồng bộ. Lãnh đạo thành phố duy trì các cuộc họp định kỳ với cộng đồng DN, hiệp hội DN để nắm bắt thực tiễn, sẵn sàng vào cuộc, giải quyết các vướng mắc. Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh và trên thực tế đã được cộng đồng nhà đầu tư đánh giá nằm trong top 3 địa phương đáng triển khai dự án đầu tư nhất cả nước. UBND thành phố vừa ra văn bản chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đẩy mạnh đăng ký DN qua mạng điện tử, với những tiêu chí: Bảo đảm thực hiện 100% hồ sơ đăng ký qua mạng được giải quyết trong vòng 2 ngày làm việc, cấp mã số DN trong 4 ngày làm việc, miễn thu lệ phí đăng ký DN đối với đơn vị nộp hồ sơ đăng ký DN qua mạng từ ngày 15-6 đến 31-12-2016…

Hiệp hội DNNVV TP Hà Nội đã đề xuất tháo gỡ tình trạng giá thuê đất quá cao và đến nay một số DN được Sở Tài nguyên – Môi trường, Cục Thuế Hà Nội xem xét điều chỉnh giá thuê đất theo quy định mới của UBND thành phố.

Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước cũng triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm tháo gỡ kịp thời các “nút thắt” tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển. Đặc biệt, hiện cơ quan chức năng đã hoàn tất việc xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức một số cuộc họp tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan quản lý, DN để hoàn thiện, tiến tới trình cấp có thẩm quyền thông qua.

Cộng đồng DN mong đợi sự ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV như một bước tiến quan trọng, xác lập DNNVV là đối tượng riêng của một luật cụ thể. Hà Nội có số lượng DN dân doanh nhiều nhất cả nước, nên hỗ trợ DN luôn có ý nghĩa thiết thực. Nếu cộng đồng DN phát triển nhanh, bền vững có nghĩa nền kinh tế cũng được tiếp sức một cách bền vững. Tuy vậy, ông Mạc Quốc Anh cũng băn khoăn, luật luôn “hay và đúng”, nhưng các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực thi lại chưa sát thực tế, thậm chí còn gây khó cho DN. Vì thế, các cơ quan chuyên ngành nên phối hợp với nhau trong việc chia sẻ thông tin, giúp DN giảm bớt thủ tục, tránh việc phải cung cấp thông tin, chứng từ nhiều lần…

Như vậy, DNNVV đang cần được tiếp sức bằng những biện pháp, cơ chế, chính sách đồng bộ và phù hợp với thực tế. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách – Hội Các nhà quản trị DN, cơ quan quản lý nên xác định rõ DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ là đối tượng cần hỗ trợ vì đó là những đơn vị yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Nếu có các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, DN sẽ đứng vững trên thị trường và phát triển lên quy mô lớn hơn. 

Hồng Sơn

———————————

Hà Nội mới (Doanh nghiệp) 25-7-2016:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thuong-hieu-DN/841993/doanh-nghiep-nho-va-vua-trong-moi-truong-canh-tranh-cach-nao-de-dung-vung

(103/1.337)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,679