966. Doanh nghiệp đánh giá về văn bản pháp luật: 70% đề cử cho… quy định tối

(DĐDN) – Có đến 70% các đề cử cho các quy định pháp luật tồi nhất và chỉ 30% đề cử cho các quy định pháp luật tốt nhất được gửi về VCCI trong số hơn 200 đề cử, tính đến thời điểm này.

Quy định về nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A – là mức tương đương với nước mà con người có thể uống được là điều doanh nghiệp không thể làm được

Còn nhớ, khi phát động cuộc bình chọn 10 quy định pháp luật tốt nhất và 10 quy định pháp luật tồi nhất đối với môi trường kinh doanh vào hồi cuối tháng 12/2015, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM đã nhận xét, nếu so với tiêu chuẩn về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của OECD thì văn bản pháp luật của Việt Nam cơ bản là tồi. Hiện nay, nhiều chính sách hoàn toàn không có cơ sở khoa học nào mà chỉ dựa trên mong muốn chủ quan mà ban hành, đôi khi là vì lợi ích của ai đó.

Khi văn bản pháp luật… vô lý đến khó tin

Đơn cử, quy định về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay, doanh nghiệp phải có kho chứa đủ được số lượng theo quy định thì mới được tham gia lĩnh vực này. Ông Cung bình luận, quy định này chẳng có chút cơ sở nào, làm méo mó thị trường và chỉ bảo vệ lợi ích cho một nhóm nào đó, trong kinh doanh phải tính toán để hạn chế chi phí thì đằng này lại đặt ra điều kiện để tăng chi phí.

Tiếp đến là quy định về chất lượng nước thải chăn nuôi của Bộ Tài nguyên – Môi trường tại Thông tư 47. Với quy định về nước thải chăn nuôi phải đáp ứng loại A – là mức tương đương với nước mà con người có thể uống được là điều doanh nghiệp hoàn toàn… bó tay. Chất lượng nước thải trong quy định trên cao hơn yêu cầu chất lượng nước thải của Nhật Bản, Thái Lan tới 7 – 8 lần. Với tiêu chuẩn nước như vậy, không ít doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng cho hệ thống nước thải chăn nuôi cũng không thể đạt được.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI, trong các đề cử gửi về có đến 70% là các đề cử cho các quy định tồi nhất, tập trung chủ yếu vào điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp cho rằng, các quy định dạng này đang can thiệp vô lý vào quyền tự quyết, tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Thậm chí có đề cử còn nói rõ rằng việc đặt ra điều kiện kinh doanh như vậy chỉ nhằm mục đích nhũng nhiễu doanh nghiệp chứ không phải để bảo đảm an toàn hay bảo vệ người tiêu dùng. Rõ ràng, những đòi hỏi vô lý từ phía các cơ quan ban hành chính sách trên nếu như không xuất phát từ một lợi ích cục bộ nào đó thì cũng bắt đầu từ quy trình ban hành văn bản rất bất hợp lý.

Trao đổi với DĐDN, một công chức tại Bộ Công Thương chia sẻ, kinh phí để viết một thông tư chỉ được 15 triệu đồng thì làm sao chất lượng tốt? Hơn nữa, khi thông tư ban hành bị doanh nghiệp phản ứng thì cả người ký lẫn người viết đều rất ngại sửa vì sợ mang tiếng.

TS Nguyễn Đình Cung thì lý giải, đã 30 năm đổi mới nhưng tư duy kế hoạch hoá tập trung và hành chính điều hành vẫn chi phối trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước thể hiện qua nội dung các văn bản cụ thể. Phần đông các Bộ trưởng dường như không quan tâm đến cải cách thể chế, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật. Trong khi, nhiệm vụ hàng đầu của các bộ trưởng phải là cải cách thể chế.

Mọi bình chọn của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân tiếp tục gửi về trước ngày 29/2/2016 tới địa chỉ: Ban Pháp chế – VCCI, Địa chỉ: Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Hành trình gian nan tìm… văn bản tốt

Tuy nhiên, có một thực tế đã hình thành như một “tập quán” tại Việt Nam đó là các cơ quan nhà nước, đặc biệt cán bộ cấp cao thường thích khen hơn chê. Chính vì vậy, chương trình bình chọn do VCCI khởi xướng đã gặp phải những phản ứng rất khác nhau của các cơ quan ban hành chính sách.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có bộ thì gửi công văn yêu cầu các đơn vị trong bộ tham gia đề cử quy định, sau đó thì các đơn vị trực thuộc bộ gửi các thông tin sang cho VCCI. Các đề cử này chiếm phần nhiều trong khoảng 30% về đề cử tốt. Có một số bộ thì trực tiếp lãnh đạo ký công văn gửi đề cử sang cho VCCI. Có bộ thì gọi điện thoại, gửi email đề nghị không đưa quy định của mình vào danh sách quy định tồi. Lại có bộ thì đã giải trình về nội dung quy định mà tự họ cho là có đặc thù riêng, rồi thông tin về lịch trình sửa đổi… Họ không biết rằng, VCCI không định hướng hay can thiệp vào nội dung các đề cử hay bình chọn. VCCI chỉ làm công tác ghi nhận, đầu mối tổng hợp, còn việc gửi đề cử, lên danh sách top 30 và bình chọn ra danh sách 10 là thuộc về doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia.

Còn về phía doanh nghiệp, thời gian vừa qua để có được những quy định tốt thường gặp rất nhiều gian nan. Ví dụ, quy định về bỏ trần quảng cáo. Đây là quy định đã được một số doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng rất đáng để đưa vào đề cử loại quy định tốt nhất. Việc xóa bỏ mức trần quảng cáo 15% đã giúp các doanh nghiệp chủ động các chi phí và phù hợp với quy định về tự do kinh doanh. Người tiêu dùng thì được tiếp cận nhiều thông tin hơn về hàng hóa, dịch vụ. Doanh nghiệp được thuận lợi trong đầu tư kinh phí xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, sự bất cập của trần quảng cáo đã được rất nhiều doanh nghiệp và hiệp hội đưa ra từ gần 10 năm qua. Trải qua không biết bao nhiều lần kiến nghị, hội thảo bất thành, đến khi phải có sự tập hợp của nhiều hiệp hội doanh nghiệp với rất nhiều đề nghị thì việc dỡ bỏ trần quảng cáo mới được thực hiện. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp nhận xét, vì có được quy định bỏ trần quảng cáo “nhọc nhằn” quá nên nó mới thuộc diện “quy định tốt”, chứ thực sự thì đây là một trong những quy định rất bình thường ở nhiều nền kinh tế.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới ban hành được rất nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước ghi nhận có nhiều điểm rất tốt, rất cởi mở. Nhưng vì sự hạn chế về mặt thể chế nên những quy định cởi mở đôi khi vẫn chỉ theo kiểu nửa vời. Từ quy định bỏ con dấu, đến những quy định về điều kiện kinh doanh… Nếu các quy định về điều kiện kinh doanh thật sự được làm mạnh tay như thông lệ quốc tế thì lại sợ động chạm bộ này, ngành kia. Còn việc xóa bỏ con dấu thì lại sợ không quản lý được nên cho phép doanh nghiệp có thể làm nhiều con dấu. Do đó, doanh nghiệp lại phàn nàn và bức xúc với ngay cả những quy định được cho rằng rất cởi mở, rất tốt này.

Ban Pháp chế VCCI cho rằng, có 4 lý do chính dẫn đến tình trạng chất lượng các quy định pháp luật tồiThứ nhất, do quy trình xây dựng pháp luật vẫn phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài cá nhân tại các bộ ngành. Mặc dù đã có các quy định về thẩm định, thẩm tra, hậu kiểm nhưng tất cả mới chỉ dừng lại ở mức độ “góp ý” chứ chưa đủ mạnh để có thể ngăn chặn các quy định tồi, đặc biệt ở cấp Thông tư, khi mà toàn bộ việc ban hành loại văn bản này vẫn đóng kín trong một bộ. Việc có lấy ý kiến rộng rãi hay không lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chính cán bộ phụ trách.

Thứ hai, tính chịu trách nhiệm của người ra quy định, trong khi các áp lực đối với cơ quan soạn thảo hầu như chỉ đến từ dư luận xã hội.

Thứ ba, vấn đề tư duy, trình độ của người làm luật. Nếu cán bộ đó có tư duy tổng hợp tốt, hiểu các nguyên lý tác động của pháp luật, của nền kinh tế thì quy định thường là tốt. Nhưng việc soạn thảo quy định pháp luật đa số lại đến từ các cán bộ chuyên môn quản lý một ngành hẹp, đôi khi rất thành thạo về kỹ thuật, nghiệp vụ của ngành mình nhưng lại không có tư duy quản lý, chưa có góc nhìn nhiều chiều. Chính vì thế mà các quy định thường mang tính “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn doanh nghiệp cách kinh doanh, mà đây lại không phải là trách nhiệm của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Thứ tư, vấn đề lợi ích dẫn tới việc người soạn thảo cài cắm quy định vì lợi ích cục bộ vào văn bản pháp luật, và chưa có cơ chế kiểm soát thật hiệu quả.

Bá Tú

 —————————————————————–

Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 20-02-2016:

http://enternews.vn/doanh-nghiep-danh-gia-ve-van-ban-phap-luat-70-de-cu-cho-quy-dinh-toi.html

(161/1.745)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,694