(KT&ĐT) – “Sau Đổi mới năm 1986, Việt Nam có nhiều luật về kinh doanh, đầu tư rất ngắn, ít điều, dễ hiểu. Nhưng càng ngày luật càng dài hơn, khó hiểu hơn”.
Đó là nhận xét của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà khi đề xuất việc sửa đổi bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh.
Còn bất cập
Đánh giá về Luật DN 2014, ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, bên cạnh rất nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ và hợp lý, Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, rõ ràng và an toàn cho DN. Đơn cử hiện nay, hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá, giám định, giáo dục, đào tạo, trọng tài thương mại… cũng đã được xác định rõ là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, những ngành, nghề này lại không được đăng ký kinh doanh mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Trọng tài thương mại… Hệ quả là nhiều công ty như công ty luật và pháp nhân khác hoạt động như một DN nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN” theo quy định của Luật DN 2014.
Doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Hải Linh |
Lâu nay, ngân hàng thương mại, công ty tài chính đăng ký DN như các DN khác, nhưng công ty bảo hiểm là một DN điển hình thì lại không thực hiện thủ tục này. Trong khi đó, hộ kinh doanh hay HTX, tuy không được xác định là DN theo quy định của Luật DN hay Luật HTX năm 2012, nhưng vẫn thực hiện việc đăng ký kinh doanh như đối với DN.
Xuất phát từ thực tế này, nhiều chuyên gia kiến nghị cơ quan soạn thảo cần thống nhất đăng ký kinh doanh tập trung đối với tất cả các công ty và pháp nhân có hoạt động kinh doanh. Thậm chí có ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn Luật Đầu tư. “Những nội dung nào cần thiết phải giữ lại thì có thể đưa vào Luật DN để tạo ra hệ thống pháp luật thống nhất” – ông Ngô Việt Hòa – Công ty General Motor nêu vấn đề. Lý do là Luật Đầu tư đang tạo ra một hệ thống chồng lấn trong cấp phép, như: Giấy đăng ký DN và giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gộp làm một. Bà Vũ Thị Minh Nguyệt – đại diện Công ty TNHH B.Braun Việt Nam phàn nàn, Luật Đầu tư 2014 dù mới ban hành nhưng theo cảm nhận của DN là gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc hơn trước.
Cá nhân tôi cũng đã nghe rất nhiều phản ánh về Luật Đầu tư. Người ta đi đăng ký đầu tư, tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội, mà sao phải qua nhiều cửa ải thế? Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Việc sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh lần này nên được coi là một cuộc “tổng tấn công” vào những gì đang cản trở đầu tư, kinh doanh. |
Bên cạnh đó, Luật Đất đai hiện hành cũng tồn tại bất cập liên quan tới quy trình lập quy hoạch sử dụng đất. Tổng hợp các kiến nghị từ DN, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị xem xét lại quy trình này. Thực tế, quy trình hiện hành thiếu sự liên kết giữa quy hoạch đất đai với các quy hoạch khác như quy hoạch xây dựng, quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, quy hoạch nông nghiệp, quy hoạch phát triển ngành…
Cần một luật để sửa nhiều luật
Dùng một luật sửa nhiều luật là kế hoạch soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về kinh doanh do Bộ KH&ĐT chủ trì theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Theo ông Tuấn, đây là việc làm rất cần thiết sẽ tránh được tình trạng “cát cứ thẩm quyền” do việc các bộ được giao soạn thảo từng bộ luật gây ra. Song ông Tuấn cũng thừa nhận, việc xây dựng luật này sẽ gặp nhiều thách thức. Hiện nay, rất nhiều điều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nằm rải rác trong các luật khác đang chồng chéo, mâu thuẫn nhau, gây ra nhiều rào cản cho DN. “Điều này trái với mục tiêu cao nhất là: Các luật cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho kinh doanh theo đúng chỉ thị của Thủ tướng” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước những bất cập mà DN và các chuyên gia nêu lên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đồng tình cho rằng, cần phải rà soát lại tất cả những quy định bất hợp lý, trái ngược nhau, chưa tương thích với Luật DN và Luật Đầu tư, thậm chí là bãi bỏ nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư, kinh doanh. Cuộc rà soát của VCCI đã chỉ ra có khoảng 50 luật với khoảng 150 điều luật cần sửa đổi theo quan điểm của cộng đồng DN. Theo quan điểm của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, cần phải thay đổi tư duy làm luật, nếu phát hiện trong luật, nghị định, thông tư vừa ban hành có bất cập thì cần sửa ngay, không phải đợi luật thi hành 4 – 5 năm rồi mới tổng kết, sửa đổi sẽ làm lỡ các cơ hội của nền kinh tế.
Trang Anh
——————————–
Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 25-7-2016:
http://www.kinhtedothi.vn/kinh-te/tin-tuc/2016/07/81035718/sua-luat-phai-tao-co-hoi-cho-kinh-doanh/
(202/1.058)