967. Xoá sổ giấy phép con

(TG) – Gần 3.000 giấy phép con – những điều kiện kinh doanh được ban hành tại các thông tư, quyết định của các bộ, ngành đã chính thức bị xóa sổ sau ngày 1/7/2016 vừa qua. Liệu thuật ngữ “giấy phép con” có trở thành quá khứ kể từ thời điểm này như kỳ vọng của giới đầu tư?

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tự tin rằng, đã qua rồi thời của giấy phép con. Bởi, sẽ không bộ, ngành nào được phép ban hành điều kiện kinh doanh. Đây là quy định của Luật Đầu tư. Việc này sẽ được kiểm soát thông qua rà soát hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Xóa sổ “giấy phép con”

Tất nhiên, không phải dễ để những gì ông Hiếu khẳng định trở thành hiện thực cũng như sẽ còn không ít gian nan trên chặng đường thực hiện quy định nói trên. Có thể mường tượng điều này qua câu chuyện của quy định cấm ban hành điều kiện kinh doanh ở thông tư, quyết định của các bộ, ngành đã có từ Luật Doanh nghiệp 1999, được nhắc lại ở Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng đều bị vô hiệu bởi các văn bản luật ra sau cũng như trách nhiệm thực thi kém. Thậm chí, luật sư Trương Thanh Đức từng bình luận rằng, 16 năm qua, nhiều bộ, ngành đã vi phạm quy định pháp luật.

“Lần này, quyết tâm chính trị trong thực hiện quy định trong Luật Đầu tư của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng. Thủ tướng không chỉ cam kết xóa bỏ giấy phép con mà hành động liên tục để thực hiện điều này. Chưa bao giờ Thủ tướng đích thân xem xét từng điều kiện kinh doanh trên cơ sở kiến nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – đại diện của cộng đồng doanh nghiệp; CIEM – đại diện của giới nghiên cứu độc lập và giải trình của các bộ, ngành. Cách làm này buộc các bộ, ngành phải chuyển động tích cực, thực chất bằng cách giải trình trực tiếp”, ông Hiếu phân tích.

Trong số trên 300 điều khoản trong 50 dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành trình Chính phủ, khoảng 100 điều quy định điều kiện đã được Chính phủ loại ra. Số còn lại được yêu cầu cụ thể, hạn chế tối đa cơ hội phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu từ phía cơ quan thực thi.

Lại lo quy chuẩn

Không còn những điều kiện kiểu như văn phòng của công ty hoạt động dịch vụ đăng kiểm phải rộng trên 90 m2, sàn giao dịch bất động sản phải rộng ít nhất 50 m2… trong các nghị định về điều kiện kinh doanh vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Các nội dung này cũng như hàng loạt điều kiện không thỏa mãn yêu cầu của Luật Đầu tư về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng đã được Chính phủ yêu cầu loại ra, xem xét đưa vào các quy định về quy chuẩn để các cơ quan quản lý nhà nước ban hành, hoặc tiêu chuẩn do các doanh nghiệp tự công bố và thực hiện.

Như vậy, hàng loạt cơ chế kiểm soát của các ngành, lĩnh vực đã được chuyển từ tiền kiểm (khi quản lý bằng điều kiện kinh doanh) sang hậu kiểm (quản lý thông qua các quy chuẩn). Điều này cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng thanh tra, kiểm tra sẽ treo trên đầu doanh nghiệp. Vì với cơ chế hậu kiểm, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm tuân thủ các quy chuẩn trong suốt quá trình hoạt động, các cơ quan quản lý ngành cũng như vậy.

“Nếu các quy chuẩn được ban hành không hợp lý, không cần thiết, thì gánh nặng thanh tra, kiểm tra sẽ lại làm khổ doanh nghiệp. Đây là lý do chúng tôi đã kiến nghị áp cơ chế rà soát và ban hành điều kiện kinh doanh mà Chính phủ vừa thực hiện vào việc rà soát và ban hành quy chuẩn”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết. Cơ chế này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ không chỉ có ý kiến tham vấn ở vòng soạn thảo, mà còn có ý kiến phản biện ngay khi văn bản ở giai đoạn cuối cùng, trình ký. Các cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm giải trình với từng đề xuất của doanh nghiệp.

“Qua quá trình rà soát vừa rồi, chúng tôi thấy nhiều điều kiện kinh doanh không hợp lý, không đơn giản chỉ vì nhận thức mà còn xuất phát từ cục bộ, lợi ích nhóm. Đơn cử, sản xuất mũ bảo hiểm thì không quản lý bằng điều kiện kinh doanh, nên ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn để doanh nghiệp tuân thủ. Hay việc điều kiện nhập khẩu ô tô phải là đại lý chính thức của các hãng mới được phân phối, thì vô hình chung hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa…Nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng, ban hành quy chuẩn, tình trạng trên rất có thể sẽ tái diễn. Nghĩa là các điều kiện kinh doanh sẽ lại khu trú trong các quy định về quy chuẩn, tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp”, ông Lộc nói.

Trách nhiệm thực thi

Cho tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, tác động của hệ thống quy định mới về điều kiện kinh doanh, cụ thể là với 50 nghị định về điều kiện kinh doanh mới được ban hành, đưa nhiều giấy phép con thành giấy phép mẹ, đang phụ thuộc vào chất lượng cán bộ thực thi.

Vấn đề này đã được dự liệu từ trước, thậm chí từ ngay người đứng đầu Chính phủ. Trong cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành trong ngày đầu tiên của tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chúng ta đang nói đến tăng trưởng, tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”.

Một số địa phương đã đi đầu trong trách nhiệm “tạo tiền đề” này, như Quảng Ninh thực hiện mô hình: “Người dân và doanh nghiệp bấm nút chấm điểm công chức”. Thái Bình cải tạo nhà kho cũ thành văn phòng liên thông một cửa với cơ chế giám sát trực tiếp bằng camera, để doanh nghiệp khi làm thủ tục hành chính chỉ cần đến một địa chỉ…. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, mấu chốt vẫn phải là các quy định có đủ minh bạch, đơn giản và trách nhiệm giải trình. “Chỉ khi nào thể chế không còn chỗ cho các công chức làm khó doanh nghiệp, thì khi đó doanh nghiệp mới thực sự an tâm làm ăn”, ông Lộc nói. Tất nhiên, song hành với quá trình này, doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong thực thi pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng.

Nếu với cơ chế tiền kiểm, rào cản lớn nhất là sự cho phép của cơ quan nhà nước, thì với cơ chế hậu kiểm, rào cản mà doanh nghiệp phải vượt qua để tồn tại và phát triển là sự tin tưởng của thị trường, của người tiêu dùng. Rào cản này lớn hơn, khó vượt qua hơn rất nhiều, vì chỉ có cách duy nhất, đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm dịch vụ.

Không còn những điều kiện kiểu như văn phòng của công ty hoạt động dịch vụ đăng kiểm phải rộng trên 90 m2, sàn giao dịch bất động sản phải rộng ít nhất 50 m2… trong các nghị định về điều kiện kinh doanh vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2016…

Tuyết Ánh

——————————

Thương gia (Doanh nhân) 25-7-2016:

http://baothuonggia.vn/xoa-so-giay-phep-con.html

(87/1.406)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,962