968. Sắp đóng gói 30.000 tỷ đồng: Công khai “lách luật” để trục lợi

(KTĐT) – Theo quy định của Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, đến hết ngày 1/6/2016, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chính thức chấm dứt giải ngân, nghĩa là sau thời điểm này người mua nhà có thể phải trả lãi theo lãi suất thị trường.

Cũng vì thế xuất hiện tình trạng một số dự án nhà ở thương mại dù không đáp ứng được tiến độ và giá bán, nên không đủ điều kiện hưởng gói ưu đãi, nhưng được các “cò” môi giới cam kết cán đích “trót lọt”.

Sai chồng sai

Từ lời mời của các “cò” môi giới, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có mặt tại buổi mở bán dự án Gemek Premium của chủ đầu tư Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) do Siêu thị dự án BĐS STDA (CENGROUP) – đơn vị được quảng cáo rầm rộ là độc quyền phân phối dự án tổ chức. Tại đây, phóng viên chứng kiến hoạt động tư vấn lách luật gói 30.000 tỷ đồng diễn ra rầm rộ, công khai chứ không còn kiểu “quảng cáo chui” như trước. Khi phóng viên thử “chấm” căn 1405C có diện tích 71m2, được “cò” T. báo giá: 1,102 tỷ đồng.

Trước băn khoăn do căn hộ này sẽ vượt quá điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng, T. nhanh chóng trấn an: “Bên chủ đầu tư sẽ hỗ trợ bóc tách phần phụ lục nội thất (111 triệu đồng) ra riêng để tổng giá trị hợp đồng của chị còn 1,009 tỷ đồng, đủ điều kiện gói vay. Phần chênh chị trả thẳng cho chủ đầu tư khi tiến hành ký hợp đồng với sự chứng kiến của 3 bên: Đơn vị sàn phân phối, chủ đầu tư và khách hàng”. T. còn nhấn mạnh: “Gói 30.000 tỷ sắp kết thúc rồi nên các sàn đều đang chạy đua để giúp người mua nhà tận dụng được gói vay ưu đãi này. Dự án của bọn em chủ đầu tư lớn, nên đảm bảo sẽ không có thanh tra. Chị hoàn toàn có thể yên tâm”.

Dự án Grmaek Premium (Lê Trọng Tấn – Hà Đông) đang ngổn ngang xây dựng.

Khi phóng viên chuyển hướng lo ngại sang vấn đề các ngân hàng lớn đã dừng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, “cò” T. lập tức gọi người tên Đ. – nhân viên Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để tư vấn cho khách hàng. Theo Đ. thì “đúng theo tiến độ của Gemek Premium sẽ không được hưởng nhiều chương trình của gói vay 30.000 tỷ đồng. Do đó, TPBank và chủ đầu tư đã đề ra một chương trình hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Sau khi chị đặt cọc 3% (tổng giá trị căn hộ đã được bóc tách) cho bên chủ đầu tư và gửi 17% còn lại ở chính TPBank, thì bên em sẽ giải ngân luôn cho chị tối đa 80% trước thời hạn 1/6”.

Tham chiếu lại trên thị trường BĐS, không chỉ riêng Gemek Premium mà dự án “mẹ” Gemek Tower của Geleximco trên trục đường Lê Trọng Tấn – Hà Đông cũng được nhiều sàn công khai lách luật để hưởng gói 30.000 tỷ đồng nhưng các cơ quan quản lý lại chẳng biết đến (?!). Thông điệp của Bộ Xây dựng phát đi: “Kiên quyết không để xảy ra tình trạng lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng làm lợi cho cá nhân hay một bộ phận” đã đối nghịch hoàn toàn với thực trạng “gọt chân cho vừa giày” tràn lan trên thị trường BĐS.

Ai đảm bảo?

Theo luật sư Bùi Sinh Quyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, tình trạng trên về mặt hồ sơ, giấy tờ thì lại là câu chuyện hồ sơ ghi giá bán thấp, đủ điều kiện vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn tiền chênh bao nhiêu thì trao tay bên ngoài. Về nguyên tắc kế toán rõ ràng có sự sai phạm nghiêm trọng do hạch toán nhập nhằng, không đưa vào thuế và doanh thu. “Trung bình một tuần chủ đầu tư xây được 1 sàn, 1 tháng 4 sàn, giả sử 3 tháng chủ đầu tư yêu cầu đóng tiền một lần theo tiến độ. Ngân hàng sẽ dựa vào các đợt đóng tiền để giải ngân. Nếu xét về mặt tiến độ của dự án Gemek Premium (bắt đầu lên tầng 1 – PV) thì không thể vay tối đa 80% được. Như vậy là sai chồng sai” – ông Quyền nhận định.

Ở góc độ ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI lại đặt ra câu hỏi: “Chỉ còn 3 tháng nữa là gói 30.000 tỷ đồng kết thúc mà tất cả các DN BĐS đều chạy đua để hưởng bằng được gói ưu đãi này thì liệu có bị quá nguồn vốn không? Trong trường hợp đột nhiên phải dừng lại vì nhiều nguyên nhân khách quan, các ngân hàng có chấp nhận cho người mua nhà dùng nguồn từ gói khác để hưởng ưu đãi không hay lại bắt khách hàng phải trả gấp 3, gấp 5 lần theo lãi suất trôi nổi thị trường. Ai bảo đảm được vấn đề này?”.

  1. Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại nhận định, thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước sắp kết thúc, việc “đóng lại”, “đi tiếp” hay “mở” gói tương tự đang gây nhiều tranh luận. Cá nhân tôi cho rằng, dù là hướng nào thì điều quan trọng phải giải quyết từ gốc. Bộ Xây dựng nên nghiêm túc xem xét lại các quy định còn mập mờ, gây khó trong việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99. Đồng thời phải có động thái quyết liệt xử lý những vi phạm trục lợi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng trên thị trường theo quy định pháp luật.

Vân Hằng

————————————————————-

Kinh tế & Đô thị (Bất động sản) 25-02-2016:

http://www.kinhtedothi.vn/bat-dong-san/thi-truong/2016/02/81032491/sap-dong-goi-30-000-ty-dong-cong-khai-lach-luat-de-truc-loi/

(119/1.055)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,694