969. Thông tư có tiếp tục cụ thể hóa điều kiện kinh doanh trong nghị định?

(ĐBND) – Trao đổi với phóng viên Báo điện tử ĐBND về những bất cập trong triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI đặt vấn đề, với những quy định mới, thông tư có còn được tiếp tục cụ thể hóa tiếp các điều kiện kinh doanh đã được nêu trong nghị định hay không, hay là tất cả phải được quy định chi tiết trong Luật và nghị định? Rất nhiều thông tư đang quy định cụ thể điều kiện, quy cách, tiêu chuẩn, trong đó có hàng nghìn tiêu chuẩn Việt Nam làm sao và khi nào mới chuyển hết vào luật và nghị định?

Luật bị “vênh” vì tiến bộ!

– Thưa Ông, khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới được ban hành, cộng đồng doanh nghiệp vô cùng hồ hởi. Nhưng sau một thời gian thi hành Luật, sự hồ hởi dường như đang nhường chỗ cho sự thất vọng, bức xúc?

– Đúng thế. Tinh thần đổi mới trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã từng được cộng đồng doanh nghiệp hồ hởi đón nhận. Thế nhưng, khi các luật này có hiệu lực và triển khai trong thực tế thì dường là ngược lại. Nhiều nội dung đổi mới của Luật nhưng thiếu sự hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hoặc đã bị hạn chế rất nhiều bởi các văn bản dưới luật. Nhiều quy định mới vẫn chỉ nằm trên giấy, thực tế nhiều nơi người ta vẫn áp dụng các quy định pháp luật cũ hoặc là quy định mới nhưng kiểu cách cũ. Thành ra, điểm thuận lợi, tiến bộ của luật mới thì ít được áp dụng, còn điểm khó khăn, vướng mắc thì lại bị gộp cả của luật mới lẫn cũ.

– Có nghĩa là những điểm tiến bộ của luật lại đang là vấn đề, thưa Ông?

– Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 được coi là hai đạo luật quan trọng thể chế hóa đầy đủ quyền tự do đầu tư và kinh doanh của Hiến pháp. Có nhiều điểm tiến bộ rất đáng ghi nhận của Luật Doanh nghiệp, trong đó có vấn đề tự do về ngành nghề kinh doanh, về con dấu và số người đại diện pháp luật. Phải nói rằng quan điểm đổi mới này là rất đúng đắn, rất lợi cho nội bộ doanh nghiệp. Nhưng do đổi mới không dứt khoát và không đồng bộ với các lĩnh vực khác, nên thực tế đấy cũng chính là 3 rắc rối lớn mà doanh nghiệp, các đối tác của doanh nghiệp phải đối mặt.

Chẳng hạn, về thủ tục đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định không cần ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng rốt cuộc nó lại được biến thành phụ lục – thế là thành rắc rối hơn trước. Nhưng lạ lùng là ở chỗ cả Luật, nghị định cũng như thông tư không thấy quy định phải làm như thế nhưng khi doanh nghiệp tiến hành đăng ký kinh doanh thì lại bắt buộc phải có cái phụ lục này.

Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có nhiều điểm tiến bộ, nhưng vì đi trước và đột phá, thế nên nó bị vênh, thiếu thống nhất và mâu thuẫn với các Luật khác bao gồm các luật chuyên ngành về điều kiện kinh doanh và những vấn đề khác. Chẳng hạn, kinh doanh vàng tài khoản, dịch vụ hòa giải thương mại,… không có trong cả danh mục cấm kinh doanh cũng như kinh doanh có điều kiện vậy thì về nguyên tắc, sẽ được tự do kinh doanh. Thế nhưng các văn bản chuyên ngành thì lại đang cấm hoặc quy định kinh doanh có điều kiện.

Đặc biệt một vấn đề lớn là, hàng trăm hành vi mà doanh nghiệp bị cấm kinh doanh, thực hiện, như cấm nhập khẩu một số mặt hàng cũ hay cấm quảng cáo gian dối,… thì quan hệ thế nào với 6 ngành, nghề cấm kinh doanh trong Luật Đầu tư?

Nhiều đơn vị không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu Luật

– Ở đây, có cả lỗi bất cập của công tác xây dựng Luật và bất cập ở khâu triển khai, thưa Ông?

Tôi nghĩ rằng thứ nhất là các vấn đề đổi mới còn nửa vời, chưa triệt để nên dẫn tới những vướng mắc hiện nay. Chẳng hạn, quy định được tự do kinh doanh đa số ngành nghề, nhưng vẫn phải làm thủ tục đăng ký. Hay tự do quyết định hình thức, nội dung và số lượng con dấu, nhưng lại không được tự do sử dụng, mà vẫn phải đóng con dấu trong nhiều trường hợp. Những điều này gây khó cho các đối tác của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, cùng một lúc phải chấp nhận sự tự do của doanh nghiệp đồng thời với việc tuân thủ các điều kiện, thủ tục liên quan. Ngoài ra là do thay đổi gấp gáp, kỹ thuật soạn thảo, câu chữ vẫn còn chưa được chính xác, rõ ràng.

Ảnh minh họaNguồn: ITN

Như tôi đã nói ở trên, tinh thần đổi mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư là rất đúng đắn, thế nhưng đang bị vênh với chính nó và với hệ thống pháp luật. Trong thực tế, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các ngành nghề còn đang được quy định trong nhiều cấp văn bản. Vậy, thông tư có còn được tiếp tục cụ thể hóa tiếp các điều kiện kinh doanh đã được nêu trong nghị định hay không, hay là tất cả phải được quy định chi tiết trong Luật và nghị định? Bao nhiêu thông tư đang quy định cụ thể điều kiện, quy cách, tiêu chuẩn, trong đó có hàng nghìn tiêu chuẩn Việt Nam làm sao và khi nào mới chuyển hết vào Luật và nghị định? Chẳng hạn như Tiêu chuẩn Việt Nam về bình chữa cháy trang bị cho xe ô tô đang do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hay hệ số rủi ro đối với cho vay kinh doanh bất động sản đang được Ngân hàng Nhà nước dự kiến nâng từ 150% lên 200% lại phải chuyển hết lên Nghị định của Chính phủ?

Câu chuyện cũ của Luật doanh nghiệp 2005 vẫn đang lặp lại. Luật Doanh nghiệp 2005 cũng đã quy định, bộ, ngành địa phương, kể cả Thủ tướng không được ban hành điều kiện kinh doanh, thế nhưng 10 năm sau vẫn có hơn 2.800 điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền. Luật Doanh nghiệp hiện hành tiếp tục có quy định này nhưng không biết liệu có thực hiện được hay không? Thực tế, trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các bộ, ngành vô cùng bối rối…

– Theo Ông, chúng ta cần phải làm gì để giải quyết những bất cập này và liệu cần phải sửa Luật ngay hay không?

Để giải quyết được các bất cập hiện hành, hiện thực hóa trên thực tế những sự tiến bộ của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì cần phải giải quyết được 3 yếu tố là nhận thức, công cụ và sức ép. Thiếu một trong 3 yếu tố này thì không thể thành công. Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sẽ phải nỗ lực giải quyết các vướng mắc hiện hành bằng việc phổ biến, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, đề xuất các công cụ, giải pháp để thực hiện và gián tiếp gây sức ép để thực thi đúng quy định của Hiến pháp và 2 đạo luật. Nhiệm vụ thứ ba là khó khăn và nặng nề nhất, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Tổ công tác, với sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và công luận, báo chí chỉ có thể gián tiếp tạo ra sức ép đối với các cơ quan chức năng.

– Xin cám ơn Ông!

Tự Cường thực hiện

———————————————————–

Đại biểu Nhân dân (Pháp luật) 25-02-2016:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=367943

(1.412/1.412)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,694