Lùng nhùng di chúc
(ANVI) – Điều 668, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết” với lý luận rất là nhân văn: Sợ con cháu tham tiền phụ ngãi, tranh cướp tài sản, đuổi cổ người cha goá vợ, người mẹ goá phụ ra đường.
Với quy định trên, đã diễn ra không ít chuyện oái ăm trên đời. Có trường hợp cụ ông thất thập cổ lai hy, lập di chúc chung cùng cô vợ mơn mởn tuổi đôi mươi. Khi cụ ra đi, con cháu đành chờ quãng nửa thế kỷ để chia di sản. Vì Luật nói, phải sau khi cô bé kia nhắm mắt xuôi tay thì di chúc mới phát huy công… hiệu lực. Vài chục năm thì nhà cửa khéo chẳng còn, huống chi động sản như xe máy, ti vi.
Thế là Dự thảo Bộ luật Dân sự mới cải tiến theo hướng đông tây y kết hợp, đại ý như sau: Trong trường hợp vợ chồng lập di chúc chung, thì phần di sản của người chết trước sẽ có hiệu lực pháp luật. Thế là giải toả bế tắc, đồng thời, giữ lại khúc đuôi: Nếu thỏa thuận di chúc có hiệu lực khi cả 2 đã chết thì, chết hết mới được chia. Thôi thì đành chấp nhận ý nguyện của người chết là chấm hết, miễn bàn[1].
Những vấn đề thuộc về kinh điển loài người, nhưng luật ta cứ loay hoay quay đi quay lại. Mấy ai biết kịp mà tuân thủ cả khi sống đến lúc chết.
Ngày 13-5-2015
[1] Bộ luật Dân sự 2015 đã lờ đi quy định về lập di chúc chung.