(TCTG) – Hiện nay nhu cầu hỗ trợ tín dụng, tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp đang là một trong những “đơn đặt hàng” chạy nhất của nhiều ngành như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, bán lẻ…
“Nhờ có gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ nên ngành bất động sản đã âm thầm lặng lẽ mà hồi phục rất mãnh liệt. Tôi cho rằng các ngành khác nhất định cũng phải có gói hỗ trợ tín dụng, ưu đãi lãi suất để bứt phá lên”, Giám đốc một công ty chế biến và xuất khẩu nông sản nêu lên yêu cầu của ông trước câu hỏi: DN hiện nay cần được hỗ trợ những vấn đề gì để vươn lên?
“Hỗ trợ” đã trở thành từ khoá
Câu trả lời thể hiện tâm lý “nhìn nhau xin hỗ trợ” như trên không phải là hiếm hoi, nếu nhìn vào các đề xuất, kiến nghị thời gian gần đây của nhiều hiệp hội DN, ngành hàng. Trước bối cảnh hội nhập đang đến gần, “hỗ trợ” đã trở thành từ khoá được nhắc tới nhiều nhất, phản ánh lo ngại của DN không có đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, hay với các nguồn lực ngoại ngay trên chính sân nhà. Lo ngại đó là chính đáng, tuy nhiên nhiều đề xuất hỗ trợ, theo các chuyên gia là khó chấp nhận được bởi sẽ vi phạm quy tắc thị trường, ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư.
Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, việc yêu cầu các NHTM có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho DN có vẻ hợp lý, tuy vậy sau đó Nhà nước bằng cách này hay cách khác, chắc chắn vẫn sẽ phải hỗ trợ trở lại cho các NH. Bởi theo ông Hiền, “nếu không hỗ trợ thì bản thân NH cũng không có nguồn lực ở đâu ra mà tiếp sức cho DN mãi, vì bản thân NH cũng là một DN, kinh doanh phải có lãi”.
Ảnh minh họa
Vì vậy, Chính phủ dù không rót tiền trực tiếp, cũng sẽ phải đưa ra các ưu đãi đó thông qua biện pháp nghiệp vụ như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chiết khấu, tái cấp vốn; khoanh nợ và xử lý rủi ro; trích lập dự phòng rủi ro… “Những quy định như vậy rất có thể mâu thuẫn với các quy định về đảm bảo an toàn trong Luật các tổ chức tín dụng”, ông Hiền lưu ý.
Đồng tình rằng yêu cầu các NH phải hỗ trợ tín dụng là thiếu sòng phẳng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính – ngân hàng bày tỏ, ông rất lo vì sức ép của DN mà sắp tới trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ đưa vào chỉ tiêu nặng tính hành chính là NHTM phải dành khoảng 30% dư nợ tín dụng cho DNNVV vay. “Quy định này không nên đưa vào luật, thay vào đó chỉ cần quy định NHNN thực hiện các nghiệp vụ của ngân hàng trung ương sao cho phù hợp để hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay”, ông Lực khuyến nghị.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI chia sẻ, Nhà nước đã nhìn nhận được khó khăn về vốn của DN và tạo ra một số cơ chế hỗ trợ tín dụng, trong đó có việc thành lập các quỹ tín dụng dành riêng cho DNNVV, hoặc quỹ bảo lãnh tín dụng… Tuy nhiên trên thực tế hàng chục năm nay, các quỹ và tổ chức tín dụng vi mô không có đủ nguồn vốn, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, nên rất khó hỗ trợ vốn cho DN.
Đặc biệt, với những quy định về điều kiện được cấp tín dụng còn chặt hơn cả với NH, do đó nếu DN đã không đủ điểu để vay vốn NH, thì cũng không đủ điều kiện để được các quỹ cho vay vốn hay bảo lãnh. Cuối cùng DN lại phải đi vay vốn bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất NH.
Chính sách hỗ trợ phải thiết thực hơn
Mặc dù vậy, theo ông Đức, đây là kết quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, trong đó các DN phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng. Trước thực tế đó, việc buộc các NH hay tổ chức tín dụng phải dành riêng nguồn vốn ưu đãi để cho DN vay sẽ là đi ngược lại với nguyên tắc thị trường. Thay vào đó, theo ông Trương Thanh Đức, cần thiết kế chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.
Chẳng hạn, cho phép DN nhỏ và siêu nhỏ được hạch hoán vào chi phí hợp pháp, hợp lệ lãi suất vay vốn vượt trần quy định của pháp luật. Hiện nay Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp không cho phép hạch toán phần lãi vay thực tế vượt quá 13,5%/năm, và từ năm 2017 trở đi là 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và 2015. Ông Đức khuyến nghị, cần tạo điều kiện để DN hạch toán được chi phí vay vốn trong mọi trường hợp. Cách làm này sẽ trực tiếp giảm bớt chi phí cho DN, tạo điều kiện giữ lại một phần kinh phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi vẫn đảm bảo quy tắc thị trường vì không trực tiếp “rút tiền” từ NH.
Tương tự như vậy, với các đề xuất hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, ứng dụng công nghệ, đào tạo lao động… cần tập trung theo hướng Nhà nước xây dựng chính sách phù hợp để kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, thay vì “đánh” trực tiếp vào nguồn lực của các bên, hay buộc ngân sách phải trực tiếp bỏ tiền ra.
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, cách đây 20 năm hình thức hỗ trợ bao cấp, hỗ trợ một phần chi phí rất phổ biến, nhưng trong bối cảnh hội nhập thì những biện pháp này đã không còn phù hợp. Là người đi sau, theo bà Hằng, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ bài học của các quốc gia khác. “Cơ chế trợ giá có thể bóp méo thị trường hoặc khi hỗ trợ của nhà nước được giải ngân qua ngân sách, hay qua kho bạc thường rất nhiêu khê, không linh hoạt, còn khó khăn hơn cho DN để tiếp cận được hỗ trợ”, bà Hằng lưu ý.
Nguyễn Việt
————————————
TC Thương gia (Thị trường) 26-7-2016:
http://thuonggiathitruong.vn/dang-co-tam-ly-nhin-nhau-xin-ho-tro/
(368/1.144)