974. Công phá “rừng” luật về đầu tư, kinh doanh

(HQ) – 37 luật dự kiến sẽ được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các Bộ rà soát để đi tìm một mặt bằng thống nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN. Điều này đủ thấy, DN đang phải vất vả như thế nào trong một rừng luật về đầu tư, kinh doanh.

DN mong một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. (Ảnh: N.Huế)

Quá nhiều thủ tục cho một quy trình

Như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông trong một hội thảo lấy ý kiến về các luật đầu tư, kinh doanh được tổ chức gần đây, ông cho biết đã trực tiếp nghe giãi bày của một nhà đầu tư khi muốn đưa đồng tiền của mình hòa vốn vào thị trường mà sao khó quá. Các ý kiến tại cuộc hội thảo này cũng cho thấy, mặc dù muốn đầu tư, kinh doanh nhưng DN sẽ gặp vô vàn thử thách ngay từ khâu đăng ký kinh doanh hay góp vốn…

Nói về cái khó của DN khi đi làm Giấy chứng nhận đăng ký DN theo Luật DN 2014, một luật vừa được ban hành và được cho là khá thông thoáng, bà Đinh Thị Kim Anh, Giám đốc Ban pháp chế, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội cho biết, Luật quy định Giấy chứng nhận đăng ký DN gồm 4 nội dung: Tên DN, mã số DN; địa chỉ trụ sở chính; thông tin về người đại diện theo pháp luật của DN và vốn điều lệ. Khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, cơ quan đăng ký chỉ cấp một Giấy chứng nhận. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung bị thiếu so với Giấy chứng nhận đăng ký DN trước đây như đăng ký thuế, chi nhánh, văn phòng đại diện, nội dung về cổ đông sáng lập, cổ đông của công ty… nên cơ quan đăng ký lại phát sinh thêm một loại giấy nữa để ghi nhận những nội dung còn thiếu. Như vậy, theo bà Kim Anh, thủ tục cải cách này chưa thực sự tiện lợi, tinh gọn và dễ dàng cho DN khi thực hiện trên thực tế.

Phân tích về một quy trình góp vốn vào DN của nhà đầu tư, luật sư Trần Thanh Huyền, Văn phòng Luật sư NHQuang&Associates cho biết, khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc việc góp vốn, mua cổ phần dẫn đến tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đạt/chiếm từ 51% trở lên thì nhà đầu tư và DN nhận đầu tư phải thực hiện theo một chuỗi quy trình gồm ba thủ tục. Thủ tục thứ nhất là đăng kí góp vốn, mua cổ phần tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, DN sẽ được nhận một bản chấp thuận của Sở về việc đáp ứng các điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Sau đó là thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng kí DN với nội dung thay đổi thành viên/cổ đông cũng tại Sở kế hoạch và Đầu tư. Kết quả là DN nhận được Giấy chứng nhận đăng kí DN điều chỉnh hoặc Giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký DN. Với thủ tục thứ ba – Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư vẫn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, DN sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được điều chỉnh. Ở mỗi bước thủ tục, DN, nhà đầu tư đều phải chuẩn bị và cung cấp nhiều hồ sơ khác nhau theo quy định của Luật và nghị định hướng dẫn Luật, thậm chí, nhiều thủ tục trùng lặp thành phần hồ sơ với các nội dung cơ bản về: Chứng minh tư cách pháp lý nhà đầu tư, chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư… Điều này có thử thách lòng kiên nhẫn của DN?

DN nước ngoài cũng gặp khó

Thêm một ví dụ nữa để thấy các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh hiện tại không chỉ làm khó DN trong nước mà cũng khó đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Trần Anh Đức, Công ty Luật Allen & Overy cho biết, Luật Đầu tư và Luật DN 2014 đã có hiệu lực từ tháng 7-2015 nhưng cho đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành được một danh mục thống nhất các lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế nhiều DN và cơ quan đăng ký đầu tư đã rất lúng túng khi xác định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đối với đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, các hạn chế đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO đã được áp dụng từ 10 năm nay và đã trở nên lạc hậu, ví dụ như Việt Nam chưa cam kết đối với lĩnh vực cho thuê máy móc, thiết bị. Ông Đức đề nghị sớm rà soát các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế bởi nhìn sang một nước láng giềng như Indonesia, họ ban hành danh sách hạn chế vào năm 2014 và nay đã công bố một danh sách mới thông thoáng hơn để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ở một góc độ khác, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI phân tích, hiện nay, hoạt động luật sư, công chứng, đấu giá, giám định, giáo dục, đào tạo, trọng tài thương mại… đã được xác định rõ là các ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên các ngành, nghề này lại không được đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh, mà chỉ được thực hiện việc cấp giấy phép và đăng ký hoạt động riêng theo Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Trọng tài thương mại… Hậu quả là nhiều công ty như công ty luật và pháp nhân khác hoạt động như một DN, nhưng lại hoàn toàn không có thông tin trên “Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN”.

Cùng chia sẻ như ông Trương Thanh Đức, bà Kim Anh cho biết, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19-10-2015 đã loại bỏ các loại hình DN được thành lập theo các Luật: Công chứng, luật sư, giám định tư pháp, kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, hợp tác xã, trong khi Luật DN 2014 không có hạn chế này. Những vấn đề này cho thấy, các nghị định hướng dẫn Luật DN 2014 đã có những điểm trái Luật. Đây không phải là những quy định mang tính hướng dẫn chi tiết mà là những quy định thay đổi hẳn nội dung, phạm vi áp dụng của Luật DN 2014. Những chồng chéo, bất cập này và nhiều vướng mắc về đầu tư, kinh doanh khác sẽ được Chính phủ rà soát để sớm trình Quốc hội ban hành một luật mới chỉnh sửa, bổ sung nhiều luật về những quy định đầu tư, kinh doanh, nhằm tiếp tục tạo ra một môi trường thông thoáng, bình đẳng cho DN. Có như vậy, các DN mới có niềm tin để tiếp tục đầu tư và hoạt động.

Song Trân

——————————–

Hải quan (Doanh nghiệp) 31-7-2016:

http://www.baohaiquan.vn/Pages/Cong-pha-rung-luat-ve-dau-tu-kinh-doanh.aspx

(150/1.313)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,962