978. Băn khoăn con dấu

(ĐBND) – Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay đã có hơn 152.000 doanh nghiệp thực hiện công bố mẫu dấu mới trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Điều đó cho thấy quy định về con dấu nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến con dấu.

Khi nào con dấu có hiệu lực?

 Quy định về con dấu trong Nghị định 96/2015 chỉ áp dụng đối với công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Theo đó, chủ các doanh nghiệp này được quyền quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác.

Vừa mới thành lập công ty riêng, ông Nguyễn Văn Lành (Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ, theo quy định của Luật, trước khi sử dụng con dấu, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Thực tế, khi làm hồ sơ thông báo con dấu lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, các bộ phận một cửa thường tư vấn cho doanh nghiệp rằng, con dấu sẽ có hiệu lực sau khi doanh nghiệp nhận được thông báo về đăng tải thông tin mẫu con dấu doanh nghiệp lên Cổng thông tin điện tử, tương đương 3 ngày làm việc. Tuy nhiên, Điều 34 Nghị định số 78/2015/NĐ – CP về đăng ký doanh nghiệp lại quy định: khi thông báo mẫu dấu lên Sở, doanh nghiệp phải thông báo cả thời điểm có hiệu lực của mẫu dấu. Vậy thời điểm nào mẫu dấu có hiệu lực, khi thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh, khi mẫu dấu được đăng tải hay trước đó, khi doanh nghiệp tự khắc con dấu? – ông Nguyễn Văn Lành đặt câu hỏi.

Không riêng ông Lành, nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng cho rằng, cùng với quy định về thông báo thời điểm có hiệu lực của mẫu dấu tại Nghị định 78, sự rắc rối về thủ tục cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bà Đinh Thị Kim Anh, Giám đốc Ban Pháp chế Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội khẳng định, để con dấu có hiệu lực, doanh nghiệp phải mất gần một tuần, từ khâu tự khắc dấu, thông báo tới Sở Kế hoạch và Đầu tư rồi chờ được đăng tải trên Cổng Thông tin quốc gia. Quy định mới tưởng như giải thoát cho doanh nghiệp khỏi những rào cản về thủ tục nhưng thực tế doanh nghiệp vẫn phải chạy thủ tục như trước.

Trước những khó khăn, vướng mắc đó, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lý giải, nhiều doanh nghiệp hiểu lầm rằng việc đăng tải mẫu dấu trên Cổng thông tin là điều kiện tiên quyết để con dấu có hiệu lực. Thực tế không phải vậy. Việc đăng tải chỉ nhằm bảo đảm sự minh bạch môi trường kinh doanh, giúp các đối tác và bên thứ ba giám sát được hoạt động của doanh nghiệp. Kể cả khi doanh nghiệp không công bố, vẫn có thể đóng dấu bình thường, chỉ có điều sẽ vi phạm nghĩa vụ không cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước chứ không ảnh hưởng tới hiệu lực của con dấu. Hiệu lực con dấu do doanh nghiệp tự quyết định.

Phân biệt loại hình doanh nghiệp

Cùng với những băn khoăn về hiệu lực con dấu, sự thiếu thống nhất giữa Nghị định hướng dẫn và Luật Doanh nghiệp 2014 cũng khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng NHQuang và cộng sự, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp đã loại bỏ các loại hình doanh nghiệp được thành lập theo các Luật Công chứng, Luật sư, Giám định tư pháp, Kinh doanh bảo hiểm, Chứng khoán, Hợp tác xã (tức là không được tự chủ về con dấu) trong khi Luật Doanh nghiệp không có hạn chế này. Rõ ràng, đó là quy định thay đổi hẳn nội dung, phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

“Tại sao ngân hàng thương mại được quyền quyết định về con dấu trong khi công ty chứng khoán lại không? Đây là điểm không hợp lý giữa các loại hình doanh nghiệp, rất cần thiết phải xem xét lại để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp” –  Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI nhấn mạnh.

Chị Lê Thị Ngọc Thúy, Công ty Luật Lê Bùi cho hay, khi chưa có Nghị định 96/2015, công ty chị thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, theo đó được tự động khắc dấu, tự thiết kế miễn là có tên và giấy chứng nhận hoạt động rồi lên Sở Tư pháp xác nhận. Song, với hướng dẫn mới của Nghị định 96/2015, chắc chắn nhiều người muốn mở công ty tư vấn riêng cũng gặp vướng mắc.

Sự không đồng nhất trong quy định pháp luật là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mỗi cơ quan hiểu một kiểu, khiến không ít người loay hoay khi mở văn phòng tư vấn luật riêng. Thực tế có trường hợp đã được Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động và giới thiệu tới Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội nhưng khi lên tới nơi, lại bị cơ quan này từ chối với lý do theo quy định Luật Doanh nghiệp thì công an không quản lý con dấu của doanh nghiệp nữa. Đáng nói là Luật Luật sư lại không có quy định về con dấu dẫn đến sự xung đột pháp lý, gây lúng túng cho người thực hiện.

———————————–

Đại biểu Nhân dân (Pháp luật) 05-8-2016:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=376234

(64/1.064)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,679