Khi đàn gà không đẻ trứng vàng.
Sau 2 tháng vận hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh, đã xuất hiện nhiều tiếng kêu về sự khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Khó vay còn hơn là khó thu hồi nợ
Nếu doanh nghiệp mong được vay vốn, thì ngân hàng cũng muốn cho vay được. Vì tiền trong ngân hàng mới chỉ là tiền “chửa”, tiền ra khỏi cửa nhà băng mới là tiền “đẻ”.
Tuy nhiên, điều kiện vay vốn ngân hàng trong bối cảnh thông thường cũng chưa bao giờ là dễ dàng. Khó khăn không phải vì phía ngân hàng có vị thế độc quyền, nặng tính quan liêu hay chuyên môn kém cỏi. Ngân hàng sẵn sàng chịu tiếng là khó khăn khi cho vay để dễ thu hồi vốn mà không thể làm ngược lại. Ngân hàng chỉ cho vay khi chắc chắn thu hồi được vốn vay, không thể “thả” tiền ra để “đuổi”.
Nếu ví tiền vốn như những “chú gà đẻ trứng vàng”, thì trách nhiệm của ngân hàng sau khi cho vay là phải bắt đủ “gà” về. Nếu lo ngại “chú gà” nào không quay về chuồng, thì ngân hàng sẽ không dám và cũng không được phép thả ra. Trao tiền cho khách hàng, ngân hàng không bao giờ chấp nhận cầm đằng lưỡi mà không có gì bảo hiểm. Làm ngược lại, thì ngân hàng đâu còn an toàn để làm “bà đỡ” cho doanh nghiệp.
Điều kiện vay vốn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế còn khó hơn. Vì thị trường và hiệu quả kinh doanh sa sút, sẽ làm cho “đàn gà” không những chẳng “đẻ” được “trứng vàng”, mà còn có rất nhiều nguy cơ làm hao tổn ngay cả gà mẹ. Ngân hàng làm sao có thể dễ dãi trước tình cảnh, trong thì bệnh tật đe doạ, ngoài thì “chồn cáo” rình rập “đàn gà” của mình. Ngân hàng đang rất khó khăn để bắt được “lũ gà” cũ, đã thả ra trước đây, trở về thì đương nhiên sẽ phải so đo, cân nhắc khi thả thêm những lứa gà mới.
Điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất lại còn khó hơn nữa. Đối với doanh nghiệp, lợi ích chỉ có bằng và tốt hơn. Nếu người vay không đúng đối tượng, không đúng mục đích, thì cùng lắm là không được hỗ trợ giảm lãi suất 4%/năm.Nhưng đối với ngân hàng, thì lại có nguy cơ mất thêm 4% số “trứng” đã ứng trước cho doanh nghiệp. Vì vậy, ngân hàng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Cho nên sinh ra thủ tục rất chặt chẽ, đến mức xem xét, xác nhận từng tờ hoá đơn, chứng từ liên quan.
Cần thay đổi điều kiện hỗ trợ
Hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh bản chất là kích cung – một biện pháp kích cầu gián tiếp – đồng thời cũng mang tính cứu trợ. Thông qua việc giảm lãi suất vay vốn, sẽ dẫn đến giảm giá thành, nhằm tăng cường khả năng mua bán hàng hoá, dịch vụ. Từ ngày 01-02-2009 chỉ hỗ trợ các khoản vay ngắn hạn, đến 01-4 trở đi đã hỗ trợ đối với cả các khoản vay trung, dài hạn. Chỉ có điều là không hỗ trợ các khoản vay đã được giải ngân trước các thời điểm trên. Nếu như đã thừa nhận kích cầu đến cả các các khoản vay trung dài hạn, thì việc hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay trước đây đang còn dư nợ là điều rất cần thiết.
Để đúng mục tiêu, công bằng, hợp lý, đơn giản hơn và tránh phải tìm mọi cách đảo nợ (làm sai), thì mới được hỗ trợ lãi suất, đề nghị Chính phủ cần mạnh dạn quyết định hỗ trợ lãi suất cho tất cả các khoản vay đang còn dư nợ tại ngân hàng. Và không nên bỏ qua các khoản vay có tác dụng trực tiếp kích cầu, đó là vay vốn phục vụ mục đích đời sống, tiêu dùng. Như vậy, thì cả người vay và ngân hàng đều không sợ điều kiện, sợ thủ tục, sợ vi phạm trong cho vay hỗ trợ lãi suất. Việc này cũng xoá bỏ sự lo ngại rằng, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh tăng quá thấp so với tỷ lệ giải ngân hỗ trợ lãi suất.
Thực ra, không phải chỉ một mình ngân hàng “nuôi gà” và thu hoạch “trứng”. Người vay cũng đồng thời là người săn sóc và hưởng lợi. Do đó, dù được hỗ trợ lãi suất, nhiều doanh nghiệp vẫn sợ nuôi thêm gà vì không đẻ được trứng, cũng như sợ vay thêm vốn vì không bán được hàng, không tạo ra được lợi nhuận. Thay vì chỉ khuyến khích nuôi mới, cần đồng thời giúp doanh nghiệp cả việc duy trì tốt đàn gà cũ. Khoản kích cầu hứa hẹn 6 tỷ đô la nên được tiếp tục sử dụng vào việc này.
———————————————
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.