Tham nhũng, nếu không chống sẽ là đồng loã.
(NQL) – Nhật Bản vừa tạm dừng viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã cam kết và khoản hỗ trợ mới cho Việt Nam. Đó là hậu quả của vụ lãnh đạo Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (CPI) khai nhận hối lộ hàng triệu USD cho Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông – Tây TP HCM. Rất khó khôi phục được niềm tin đã bị sứt mẻ của người Nhật, nơi luôn giành ưu tiên viện trợ hàng đầu cho Việt Nam. Vụ tham nhũng quốc tế trên đã làm cả hai bên đều đau xót. Chúng ta bị tổn thất lớn về cả kinh tế và uy tín quốc gia. Những người tâm đức không khỏi xấu hổ, buồn bã và cao hơn nữa là phẫn nộ với tệ nạn tham nhũng.
Tham nhũng là tiền tươi thì đút túi, núi nợ thì dành cho đồng bào, làm mất đi những người bạn, những đối tác tốt và giữ lại những người xấu, đối tác xấu.
Tham nhũng là khối u ác tính, gặm nhấm dân tộc, đục khoét thể chế, giết chết đất nước, bức tử pháp luật, là kẻ thù của mọi xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tham nhũng là giặc cướp trong nhà, biến bộ máy hành chính thành bộ máy “hành là chính”, biến chính quyền của dân, do dân và vì dân, thành chính quyền của bản thân, do bản thân và vì bản thân.
Tham nhũng với mức độ nặng nhẹ khác nhau nhưng đều vận hành theo một thứ luật bất thành văn là bán rẻ luật lệ, nguyên tắc; bán rẻ tình cảm, đạo đức; bán rẻ lương tâm, phẩm giá; bán rẻ đồng chí, đồng bào; bán rẻ non sông, tổ quốc.
Tham nhũng là thứ dịch độc khó thấy, khó trị, bởi nạn nhân thường cũng là kẻ tội đồ và các bên đều chót nhúng chàm. Từ bị gạ gẫm ép buộc đến sẵn sàng tự nguyện đút lót là một ranh giới mờ ảo. Từ cảm ơn hậu tạ đến lại quả, chúng chỉ cách nhau một sợi chỉ mỏng manh. Một khi tiền bạc đi chệch khỏi cả hành lang luật pháp và đạo đức, thì chỉ còn là ngóc ngách bẩn thỉu, xấu xa, ma quỷ.
Không thể chấp nhận tình trạng ra ngõ gặp tham nhũng, từng miếng cơm, hơi thở cũng bị tham nhũng rình mò. Phải mạnh dạn thay đổi nền tảng chống tham nhũng để chấm dứt mọi nghi ngờ nhà dột từ nóc, trên nhẹ dưới nặng, đóng cửa bảo nhau, “bao cấp” tham nhũng, đánh chuột sợ vỡ bình, bắt cá bé thả cá lớn và mèo tha con chuột thì đòi, hổ tha miếng thịt thì ngồi trơ trơ,…
Chống tham nhũng là việc đương nhiên phải làm, cả cấp bách lẫn lâu dài, không chỉ hứa hẹn và không thể trì hoãn. Tuy nhiên, trong việc này, dường như luật pháp tỏ ra ít phát huy hiệu quả. Từ sau khi có Pháp lệnh năm 1998 rồi Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 đến nay, tình hình không được cải thiện, nếu không muốn nói là tái diễn trầm kha. Người ta không khỏi hoài nghi khi so sánh giữa mức thu nhập hợp pháp với mức sống và tài sản của một số ít cán bộ, công chức.
Chế độ nào thì cũng gặp phải tình trạng tham nhũng, nhưng chính quyền càng dân chủ thì tệ nạn này càng hạn chế. Vì vậy, nếu không thay đổi tận gốc rễ cơ chế quản lý, không tập hợp được sức mạnh của toàn dân và của công luận, thì hình phạt dù có đến tru di cửu tộc vẫn không thể đè bẹp được tham nhũng. Cần phải có quan điểm đột phá để lấy lại lòng tin, ví dụ đã đến lúc xem lại thành phần của các ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Phải tạo ra cơ chế mới để cho người dân không sợ tham gia vào quá trình kiểm soát, phê phán, khiếu tố, thưa kiện. Chẳng hạn, nếu cứ duy trì điều luật xử tội người tự thú đưa ngang với kẻ nhận hối lộ, thì gần như bịt chặt đầu mối phát giác và điều tra, vì hối lộ luôn kín như bưng.
Sự việc trên, giúp chúng ta giật mình và thấy rõ thái độ chống tham nhũng rất kiên quyết của Nhật Bản. Còn chung ta? Nếu không chống sẽ là đồng loã.
———————————————
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Bài đăng trên Tạp chí Nhà Quản lý số 67/1-2009 (Xuân 2009)