(SGĐTTC) – Thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) từ đầu năm đến nay khá dồi dào khi huy động vốn tăng cao hơn so với dư nợ cùng một lượng tiền lớn được NHNN bơm ra nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất huy động lại diễn biến trái chiều với thanh khoản và quan điểm điều hành lãi suất của NHNN, khi các NHTMCP nhỏ đang tích cực điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 0,1-0,4%, khiến việc hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp dự báo sẽ rất khó khăn.
Thanh khoản dồi dào, vẫn tăng lãi suất huy động
Theo nhận định của NHNN, trong những tháng đầu năm 2016, lượng vốn huy động tăng cao hơn so với cho vay, chứng tỏ thanh khoản của hệ thống đang dư thừa ở mức hợp lý. Cụ thể, 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng huy động vốn đạt 10,2%, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức 8,16%. Báo cáo tài chính quý II-2016 của các NHTM cũng cho thấy lượng vốn huy động đang cao hơn cho vay.
Từ đầu năm NHNN đã nhận thấy việc điều hành lãi suất năm nay rất khó khăn. Vì thế, NHNN phải tính toán điều tiết lãi suất hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định lãi suất, ngăn chặn tình trạng các NHTM tăng lãi suất đầu vào, hỗ trợ NH tiếp cận vốn trên thị trường II với lãi suất thấp để tránh tăng lãi suất trên thị trường I. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN |
Tại NHTMCP có vốn nhà nước như Vietcombank, tính đến ngày 30-6 đã huy động gần 535.000 tỷ đồng, tăng 6,8%; cho vay khách hàng đạt 427.000 tỷ đồng, tăng 10,3% so với dư nợ cuối năm 2015. VietinBank huy động 596.000 tỷ đồng, tăng 17%; trong khi cho vay ra đạt 592.000 tỷ đồng, tăng 10%. Dư nợ tín dụng của BIDV đạt trên 680.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với so với đầu năm; trong khi tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức, dân cư đạt trên 747.000 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
Ở khối NHTMCP, MB huy động 190.000 tỷ đồng tăng gần 5%, cho vay đạt 141.000 tỷ đồng, tăng 16,5%. Trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng chưa kiểm toán của VIB, số dư tiền gửi đạt 57.248 tỷ đồng, tăng 7,4%; cho vay đạt 51.319 tỷ đồng, tăng 7,4%. Sacombank cho vay khách hàng đạt 199.000 tỷ đồng, tăng 7,1%; tiền gửi đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 7,2%. NCB huy động gần 39.000 tỷ đồng, tăng 14%; cho vay khách hàng đạt 21.600 tỷ đồng, tăng hơn 5%. SCB huy động 287.042 tỷ đồng, cho vay đạt 200.078 tỷ đồng. Maritime Bank huy động trên 74.600 tỷ đồng, tăng 13%, trong khi số dư cho vay 33.600 tỷ đồng.
Thanh khoản của hệ thống khá dư thừa còn được thể hiện qua mức lãi suất liên NH liên tục giảm và trạng thái hút ròng của NHNN qua kênh tín phiếu. Lãi suất liên NH áp dụng ngày 3-8 ở các kỳ hạn qua đêm 1,24%/năm, 1 tuần 1,47%/năm, 2 tuần 1,74%/năm, 1 tháng 2,24%/năm, 3 tháng 3,97%/năm, 6 tháng 4,5%/năm. Trong khi đó hồi đầu năm, lãi suất liên NH kỳ hạn qua đêm ở mức 4,83%/năm, 1 tuần 5%/năm, 1 tháng 5,11%/năm, 3 tháng 5,26%/năm và 6 tháng 5,45%/năm. Trong báo cáo gần đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định, thanh khoản của VNĐ từ đầu năm đến nay khá dồi dào, nguyên nhân do huy động tăng cao trong khi tín dụng tăng thấp hơn. Trong khi đó NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ và bơm một lượng lớn VNĐ ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, đường đi của lãi suất trên thị trường lại trái chiều với diễn biến thanh khoản. Ngày 28-7, biểu lãi suất của VietCapitalBank tiếp tục được điều chỉnh tăng 0,2% tại kỳ hạn 6 tháng lên mức 7%/năm, tăng 0,8% tại kỳ hạn 18 tháng lên mức 7,8%/năm. Với lần điều chỉnh này, VietCapitalBank đang có lãi suất huy động hấp dẫn thị trường. Ngày 1-8, Maritime Bank cũng điều chỉnh lãi suất hàng loạt kỳ hạn với mức tăng khá cao. Theo biểu lãi suất của Maritime Bank, kỳ hạn 6 tháng đối với tất cả hình thức gửi tăng 0,4%, với tiết kiệm thường gửi tại quầy dưới 50 triệu đồng áp dụng lãi suất 6,1%/năm, từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng áp dụng lãi suất 6,4%/năm, từ 1 tỷ đồng trở lên áp dụng lãi suất 6,5%/năm, gửi online 6,5%/năm. Các kỳ hạn từ 7-11 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,2%. Kỳ hạn 12 tháng tăng 0,25% lên 7%/năm đối với tiền gửi online và tiền gửi trên 1 tỷ đồng, các hình thức gửi khác mà NH đang áp dụng đối với kỳ hạn này tăng 0,3%. Lãi suất tiết kiệm truyền thống của VietBank cũng tăng 0,3% đối với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, hiện lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 6,9%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 7%/năm. BaoVietBank cũng áp mức lãi suất huy động mới từ ngày 1-8 giảm ở hầu hết các kỳ hạn dài nhưng tăng 0,05% ở kỳ hạn 2 tháng và 13 tháng lên mức 5,3%/năm và 7,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng và 5 tháng tăng 0,2%, lên 5,5%/năm.
Thiếu bền vững nên phòng thanh khoản
Trong quý I và II, việc chạy đua lãi suất diễn ra trên toàn hệ thống, nhưng trong đợt tăng lãi suất cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua chỉ NHTM nhỏ tham gia, còn một số NHTM lớn lại có xu hướng giảm lãi suất. Tại BIDV, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 27-7 giảm 0,2% đối với kỳ hạn 6-9 tháng xuống 5,8%/năm; giảm 0,3% kỳ hạn 364 ngày xuống 6,5%/năm, giảm 0,1% đối với kỳ hạn 13-18 tháng xuống 6,8%/năm. Tại MB, kỳ hạn từ 1-3 tháng giảm 0,1%, kỳ hạn 6-8 tháng giảm 0,2%, kỳ hạn 13 tháng giảm 0,1%. Theo phó tổng giám đốc một NHTMCP nhỏ, hiện nay dù đầu vào cao hơn đầu ra nhưng các NH vẫn phải chạy đua huy động vốn vì thường cuối năm nhu cầu vay vốn tăng trưởng mạnh, cần dự trữ nguồn vốn để đón đầu thị trường.
Mặt bằng lãi suất tăng trong khi thanh khoản của các NH tương đối ổn định, bởi NH vẫn phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Đồng thời, nguồn vốn trong nước có hạn nhưng Nhà nước cũng muốn huy động, buộc NH phải tăng huy động, điều này gây áp lực lên lãi suất. TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia |
Nhìn vào báo cáo tài chính của các NHTMCP nhỏ, dù huy động cao hơn cho vay nhưng chênh lệch không đáng kể so với các NH lớn. Bởi trên thị trường liên NH, các NH nhỏ vẫn lép vế khi hầu hết giao dịch trên thị trường liên NH diễn ra giữa các NH lớn đang thừa vốn, dẫn đến lãi suất liên NH giảm. Trong khi đó, NH nhỏ khó vay vốn hơn, nếu muốn vay phải đáp ứng một số điều kiện về tài sản thế chấp. Do đó, các NH nhỏ buộc phải tích cực huy động vốn từ thị trường 1, dẫn đến việc lãi suất tiền gửi liên tục được điều chỉnh tăng.
Một chuyên gia tài chính nhận định, thanh khoản của hệ thống NH đang thể hiện sự dồi dào nhưng chỉ mang tính tạm thời. Trong những tháng đầu năm, cung tiền M2 tăng cao và trước rủi ro lạm phát quay trở lại, NHNN sẽ cân nhắc và thận trọng hơn trong việc điều tiết cung tiền. Áp lực lạm phát sẽ gây sức ép lên nguồn vốn và lãi suất huy động. Hơn nữa, nhiều NH cũng đã sử dụng hết hạn mức vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, phải đẩy mạnh huy động vốn để đáp ứng quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động. 2 quý cuối năm là thời điểm tín dụng bứt phá nên cần sẵn sàng nguồn vốn để phục vụ nhu cầu. Bởi lẽ vì tín dụng 6 tháng đầu năm đã cao hơn so với cùng kỳ năm trước và dự kiến cả năm sẽ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, trái phiếu chính phủ (TPCP) đang cạnh tranh hút vốn khi kế hoạch phát hành được điều chỉnh từ 220.000 tỷ đồng lên 250.000 tỷ đồng, trong đó tổng mức phát hành TPCP trong quý III-2016 là 50.000 tỷ đồng với các kỳ hạn 3-30 năm. Lãi suất TPCP cũng đang có xu hướng tăng, lãi suất trúng thầu của trái phiếu trong phiên đấu giá gần nhất đối với kỳ hạn 3 năm khoảng 5,69-5,7%/năm, kỳ hạn 5 năm 6,1-6,5%/năm, 7 năm 6,62%/năm, 15 năm 7,65%/năm, 30 năm 8%/năm. Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 3 năm tăng khoảng 0,44%/năm; 5 năm tăng 0,03%/năm. Một khối lượng TPCP kỳ hạn ngắn phát hành trước đây cũng đã đến hạn đảo nợ, vì vậy nhu cầu hút vốn cũng gia tăng theo. Do đó, các NH vẫn đang ra sức huy động vốn, nếu không cho vay được có thể dồn vốn để mua TPCP. Trong bối cảnh như vậy, đẩy lãi suất lên cao là một trong những giải pháp của NH nhỏ để lôi kéo khách hàng.
Giảm nợ xấu và tái cơ cấu
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ (CSTCTT) quốc gia, hiện nay Chính phủ muốn giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lại đang gặp khó khăn về nguồn lực tài chính hỗ trợ. Nếu lãi suất không được kiểm soát tốt rất có thể tăng trở lại. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng cơ bản đang có dấu hiệu phục hồi, đồng thời giá dịch vụ y tế, giáo dục chuẩn bị tăng trở lại. Do vậy khi lãi suất TPCP giảm về mức thấp, lãi suất liên NH trong ngắn hạn có thể duy trì ở mức thấp. Song về dài hạn cần phải tích cực giảm nợ xấu, vì đây là một trong những nguyên nhân khiến chi phí hoạt động trên tổng chi phí của NH tăng, làm cho khả năng chống đỡ rủi ro của NH yếu đi và đẩy lãi suất tăng cao.
Ảnh minh họa LONG THANH. |
Thay vì áp dụng dự thảo sửa đổi Thông tư 36, NHNN đã ban hành Thông tư 06 với lộ trình kéo giãn ra để các TCTD có sự chuẩn bị. Đồng thời, NHNN cũng đã có chỉ đạo các NHTM ổn định lãi suất thị trường và giảm lãi suất cho vay. Đánh giá về điều hành của NHNN, TS. Trần Du Lịch cho rằng trong 6 tháng đầu năm, ngành NH đã cố gắng giữ lãi suất cho vay không tăng trong khi lãi suất huy động liên tục tăng là nhiệm vụ rất khó nhưng đã thực hiện được. Kỳ vọng trong hiện tại đối với NHNN là không để tăng lãi suất, còn nếu muốn giảm lãi suất đòi hỏi phải có sự đồng bộ của thị trường tiền tệ, tức NHTM và thị trường chứng khoán, thị trường vốn phát triển để giảm áp lực về vốn trung và dài hạn. Trong khi đó, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhận định, đợt tăng lãi suất vừa qua xuất phát ở các NH nhỏ. Vì thế, để tránh các cuộc đua lãi suất cần tiếp tục tái cơ cấu những NH nhỏ để đảm bảo an toàn cho hệ thống, đảm bảo lãi suất huy động cũng như cho vay trên thị trường tránh được hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Giảm thuế – Cần nhưng chưa đủ Hà My Trong khi Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) đang dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Tài chính cũng đồng thời dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Điểm chung 2 văn bản này hướng tới là hỗ trợ DN, song cách nhìn nhận của 2 cơ quan về hỗ trợ DN lại đang có điểm vênh nhất định. 2 bộ 2 tiêu chí hỗ trợ Tiêu chí xác định DNNVV được Bộ KH-ĐT đưa ra là DN có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng, hoặc lao động bình quân của năm trước liền kề không quá 300 người. Lập luận của bộ này về nguyên tắc hỗ trợ DNNVV là “có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước, lợi thế của từng địa phương và nguồn lực của quốc gia trong từng thời kỳ”. Việc hỗ trợ thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính; hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại NHTM; hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại quỹ và các định chế tài chính khác; hỗ trợ thuế thu nhập DN (giảm 5% so với mức thuế suất phổ thông trong 5 năm)… Trong khi đó, đối tượng Bộ Tài chính hướng tới hỗ trợ giảm thuế thu nhập DN còn 17% (hiện 20%) trong giai đoạn 2017-2020 là các DN có doanh thu năm trước liền kề dưới 20 tỷ đồng. Lý do được bộ này đưa ra là nếu lấy theo doanh thu năm trước liền kề tối đa 20 tỷ đồng, sẽ có khoảng 86% DN thuộc đối tượng hỗ trợ và ngân sách giảm thu gần 500 tỷ đồng/năm. Còn lấy tiêu chí doanh thu năm trước liền kề 100 tỷ đồng (như tiêu chí của Bộ KH-ĐT), đối tượng thụ hưởng sẽ tăng lên với tỷ lệ khoảng 95% DN được giảm thuế và ngân sách giảm thu khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Theo các chuyên gia, không nên hỗ trợ cho nhóm DN vừa hoặc chỉ hỗ trợ một phần nhỏ, ngoại trừ một số lĩnh vực hoặc trường hợp đặc biệt, vì đây là nhóm ở giữa tương đối bình thường. Một lý do nữa không nên hỗ trợ DN vừa dẫn đến tác dụng ngược, bất lợi cho sự phát triển của nền kinh tế, vì DN vừa thuộc loại lớn nhất cũng được hỗ trợ giống như nhóm DN nhỏ nhất. Xét về nguyên tắc hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là DN nhỏ là điều cần làm và hầu như các nước đều có chính sách hỗ trợ, bởi đây là đối tượng gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ. Tuy nhiên quan điểm của Bộ KH-ĐT là hỗ trợ cả DN vừa có lẽ là điều hợp lý, bởi lẽ DN vừa ở Việt Nam so với các DN của khu vực và thế giới quá nhỏ bé. Khảo sát từ Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy DN Việt Nam đang ngày càng teo tóp lại. Cụ thể, giai đoạn 2007-2015, tổng nguồn vốn của các DN trong nền kinh tế đã tăng gần 5 lần so với năm 2007, nhưng số lao động bình quân trong DN lại giảm từ 49 lao động (năm 2007) xuống còn 29 lao động (năm 2015), tương đương với quy mô của một DN nhỏ. Tỷ trọng DN nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng đang khiến nhiều người băn khoăn khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu trong thời gian tới. Còn với Bộ Tài chính, sự lo ngại mở rộng đối tượng hỗ trợ sẽ khiến giảm thu ngân sách lớn cũng là hợp lý, khi thu ngân sách hiện nay đang rất khó khăn và sắp tới sẽ đối mặt với những thách thức khi thuế suất cắt giảm theo lộ trình hội nhập. Thế nhưng, xét một cách tổng thể, chính sách thuế chỉ là một phần trong bài toán hỗ trợ DN. Theo đó, nếu DN không phát triển sẽ kéo theo năng lực cạnh tranh giảm, từ đó thu ngân sách cũng bị ảnh hưởng.
Quan trọng cải cách thủ tục Câu hỏi đặt ra hiện nay là DN cần gì nhất? Câu trả lời không hẳn là thuế, dù điều đó rất quan trọng. Trong nhiều hội thảo do VCCI tổ chức, không ít lần DN bày tỏ quan trọng nhất với họ là cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, bởi đây chính là điều khiến DN mất nhiều nhất. Ròng rã trong 10 năm điều tra và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), hầu như năm nào câu chuyện về chi phí không chính thức cũng được đề cập. Chi phí bôi trơn này là một phần của những quy định, thủ tục hành chính không rõ ràng, minh bạch và là cơ hội để một bộ phận công chức, viên chức hành DN. Số liệu điều tra công bố từ PCI đã cho thấy rõ những gánh nặng chi phí không tên này: tỷ lệ DN cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015); hơn 11% DN tham gia điều tra cho biết các khoản chi cho riêng phí bôi trơn chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của DN. Những con số biết nói này cho thấy, việc hỗ trợ DN không chỉ dừng lại ở việc giảm thuế để rồi tính toán ngân sách sẽ giảm thu bao nhiêu… mà điều quan trọng nhất là cải cách các thủ tục hành chính liên quan. Bởi chính những chi phí bôi trơn này đã làm cho giá thành sản phẩm của DN bị đội lên, năng lực cạnh tranh DN yếu đi, khó phát triển, từ đó số nộp ngân sách sẽ không nhiều, thậm chí nhiều DN giải thể, phá sản vì các loại chi phí không chính thức. Báo cáo PCI năm 2015 được công bố vừa qua cũng đã chỉ ra những nguyên nhân khiến DNNVV ngại lớn. Đó là việc thanh, kiểm tra khi năm gần nhất có 74% DN từng đón tiếp các đoàn thanh kiểm tra trong tất cả lĩnh vực. DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh kiểm tra càng cao. Theo đó, DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm. DN quy mô lớn con số này là khoảng 3 cuộc. Ngoài ra, 25% DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% DN vừa cho biết nội dung thanh kiểm tra bị trùng lặp. Không những vậy, ở thủ tục hành chính 54% DN siêu nhỏ và 49% DN nhỏ đồng ý với nhận định “thủ tục giấy tờ là đơn giản”. Các thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, đất đai, hải quan, an toàn cháy nổ, lao động, bảo vệ môi trường, thanh toán qua kho bạc những lĩnh vực tỷ lệ DN thấy phiền hà gia tăng theo quy mô của DN. Đặt trong thực tế đó, như lựa chọn DN nào được hỗ trợ giảm thuế, DN nào không, có vẻ lại không quá quan trọng. |
Yên Lam
——————————-
Sài Gòn Đầu tư Tài chính 08-08-2016:
http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160806/nghich-ly-thanh-khoan-va-lai-suat.aspx
(92/3.399)