(CFF) – Một cuộc đua tăng lãi suất huy động đang dần “nóng” lên trong hệ thống ngân hàng. Mức lãi tiền gửi cao nhất hiện được “đẩy” lên 8% đối với kỳ hạn gửi dài tại một số nhà băng…
Nhiều ngân hàng tăng mức lãi tiền gửi được đẩy lên 8% đối với kỳ hạn gửi dài
Lãi suất cao nhất vọt lên 8%
Biểu lãi suất tiền gửi tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) đã cập nhật và tô đậm màu đỏ mức lãi 8% cho kỳ hạn gửi 13 tháng. Mức lãi suất tương tự cũng được Ngân hàng Phương Đông (OCB) áp dụng cho kỳ hạn gửi tiền từ 36 tháng trở lên.
Thay vì mức lãi 7,6%/năm, từ ngày 24/2 Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng bất ngờ tăng lên 8% với khách hàng gửi tiền ở kỳ hạn dài 36 tháng.
Tại ngân hàng TPBank, biểu lãi suất cao nhất được “căng” ở mức 7,35% cho mức tiền gửi từ 100 tỷ đồng trở lên, nhưng thực tế, khách hàng gửi từ vài trăm triệu đồng là cũng được hưởng mức lãi này.
Nếu gửi tiền tiết kiệm online (điện tử), mức lãi suất thường cao hơn mở sổ trực tiếp từ 0,05-0,1%/tuỳ kỳ hạn gửi. Tuy nhiên, mức lãi suất cao 8% lại chỉ được các nhà băng áp dụng cho mở sổ tiết kiệm tại quầy.
Ngoài một số nhà băng công khai tăng lãi suất, thì vẫn còn nhiều ngân hàng khác “ngấm ngầm” cộng thêm lãi gửi cho khách hàng dưới các hình thức rút thăm may mắn, khuyến mãi đầu Xuân…
Cầm số tiền vừa bán nhà dưới quê đến chi nhánh một ngân hàng thương mại khu vực Hà Đông, chị Nga được nhân viên ngân hàng đon đả giới thiệu về chương trình khuyến mãi lì xì đầu năm vẫn được nhà băng này áp dụng cho tới hết… tháng 3. Ngoài khoản lãi 7,4% cho kỳ hạn gửi 13 tháng chị được nhận, nhà băng này “hào phóng” tặng thêm khách 0,5%/năm lãi suất. Khoản lãi cộng thêm này chị Nga được nhận dưới hình thức rút thăm may mắn lì xì đầu năm.
“Khách hàng tham gia phải ký vào giấy nhận tiền rút thăm may mắn và chấp nhận không được tất toán trước hạn”- chị Nga kể.
Áp lực đầu ra
Thừa nhận lãi suất tiền gửi đang “nhích” tăng dần đều trong hệ thống ngân hàng, ông Bùi Quốc Dũng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, áp lực huy động vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng đã tạo áp lực lên lãi suất.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ phân tích, với lạm phát năm 2016 được dự báo quanh mức 4-5% thì kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn rất nhiều mức 0,6% của năm 2015. “Chính điều này đã gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động” – ông Dũng nói.
Kế đó, mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,69% năm 2015, phản ánh nhu cầu vốn tín dụng tiếp tục gia tăng. Và lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng từ 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015 và dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ trong năm nay tăng cao hơn… cũng là nguyên nhân tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung – dài hạn.
Lo lắng chuyện lãi suất tăng nhanh là hoàn toàn có cơ sở, song dưới góc nhìn của mình luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, hiện tượng này không làm nhà điều hành “quá đau đầu như trước kia”. Bởi, với hàng loạt công cụ điều hành trong tay như lãi suất thị trường 1, hạn mức tín dụng… đặc biệt là công cụ “bom tấn” dự trữ bắt buộc, NHNN hoàn toàn có thể “dập tắt” làn sóng này, ổn định mặt bằng lãi suất.
Cùng với đó, đồng đô la Mỹ không còn sức hút như trước đây, lãi suất gửi USD cũng đã về 0%… nên xu hướng gửi tiết kiệm bằng tiền Việt là rất rõ. Điều này sẽ làm tăng thanh khoản và lãi suất huy động “êm” trở lại.
Trước làn sóng đua tăng lãi suất tiền gửi đang được “đẩy” lên tới 8%/năm, chia sẻ với Infonet, TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cao cấp thở dài. Ông cho rằng, mặt bằng lãi suất chỉ dao động 3,5 – 4% là vừa phải, do “công thức” tính lãi suất thực dương bằng lạm phát cộng với chênh lệch lãi 3%.
“Hiện lãi suất huy động bị đẩy lên tới 8%, trong khi mức lãi này tại Thái Lan chỉ là 3,6%, thử hỏi làm sao chúng ta cạnh tranh được ngay với hàng xóm? Lãi suất đầu vào cao thế, rồi đầu ra lại bị đẩy lên. Doanh nghiệp phải trả giá vốn đắt thì làm sao người dân mong mua được hàng rẻ?”- ông Doanh chia sẻ và hy vọng, đây chỉ là xu hướng “tạm thời trong ngắn hạn”.
Về phía cơ quan điều hành, ông Bùi Quốc Dũng khẳng định, “NHNN cũng đồng thời điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan với lãi suất thị trường 1, đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống. Qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá”.
Nguyễn Hoài
———————————————————-
CafeF (Tài chính – Ngân hàng) 03-3-2016:
(93/997)