983. Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Trúng tiêu chí, đúng đối tượng

(ĐBND) – Đưa ra tiêu chí nào để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như cách thức, đối tượng hỗ trợ ra sao là băn khoăn của nhiều chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp khi góp ý cho Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trăn trở về tiêu chí

Hiện cả nước có khoảng 400.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp; đóng góp 40% GDP và tạo việc làm cho 52% người lao động. Trong số đó, có đến 85 – 90% là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những nội dung quan trọng bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Chính vì vậy dự thảo đưa ra tiêu chí cụ thể về doanh thu và số lao động bình quân của doanh nghiệp, từ đó phân ra ba cấp doanh nghiệp là siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, dự thảo cần rõ ràng trong việc yêu cầu doanh nghiệp đáp ứng đủ cả tiêu chí về vốn và lao động hay chỉ một trong hai tiêu chí đó thì được công nhận là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu chỉ xét một trong hai tiêu chí như doanh thu của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỷ đồng cũng chưa thực sự phù hợp. Bởi theo ông Đoàn, ở Singapore, có doanh nghiệp vốn chỉ 1 USD mà doanh thu vẫn có thể đạt từ 30 triệu USD tới 100 triệu USD/năm. Còn tại Việt Nam, cũng có những trường hợp doanh nghiệp kinh doanh vàng, số lao động không lớn chỉ vài chục người nhưng doanh thu vẫn đạt tới 3.000 tỷ đồng/năm. Những doanh nghiệp kiểu này theo dự thảo luật, nếu áp theo tiêu chí vốn thì đều thuộc diện được hỗ trợ.

Nguồn: nhuongquyenvietnam.com

Có ý kiến cho rằng, nếu lấy tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề là rất khó bởi việc xác định doanh thu chủ yếu dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong khi tỷ lệ doanh nghiệp gửi báo cáo tài chính cho cơ quan đăng ký kinh doanh rất ít (chưa tới 50%). Hơn nữa, thời điểm doanh nghiệp gửi báo cáo tài chính chỉ tập trung trong quý I năm sau. Mặt khác, nếu lấy doanh thu làm tiêu chí xác định quy mô thì sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp năm nay có doanh thu lớn do ký được hợp đồng lớn sẽ được xếp vào loại doanh nghiệp quy mô vừa nhưng năm sau lại có thể rơi vào nhóm quy mô nhỏ, do chỉ ký được hợp đồng nhỏ dẫn tới giảm doanh thu.

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho rằng, để sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, nên chia doanh thu của doanh nghiệp thành từng lĩnh vực, ngành nghề với tỷ lệ khác nhau. Đơn cử như lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có thể đề xuất mức cao nhất với doanh thu 100 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại, dịch vụ doanh thu có thể chỉ cần 50 tỷ đồng.

Tuy vậy, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho rằng, xác định tiêu chí thường được hiểu là để “hưởng ưu đãi” và “nhận hỗ trợ”, từ đó dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp điều chỉnh quy mô nhỏ lại hoặc tách thành nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, làm méo mó chính sách hỗ trợ. Do vậy, tiêu chí đưa ra trong luật chỉ nên mang tính tương đối, định hướng và sẽ được chi tiết hóa trong từng chương trình hỗ trợ cụ thể. Điều này cũng có nghĩa là không nhất thiết phải chi tiết hóa các tiêu chí bằng quy định riêng.

Hỗ trợ đúng đối tượng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa là 800.000 – 900.000 thì nguồn lực Nhà nước không thể đủ cho tất cả. Điều đó đòi hỏi dự thảo phải xác định rõ đối tượng, cách thức để việc hỗ trợ không dàn trải, hướng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn tạm thời nhưng vẫn có khả năng phát triển.

Đồng tình với quan điểm đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI cho rằng, do nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất vừa và nhỏ, nên cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ, để bảo đảm hiệu quả, khả thi. Theo đó, nên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng doanh thu hoặc từ 20 – 30 lao động trở xuống vì đây là nhóm doanh nghiệp rất yếu thế, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách.

Cũng có ý kiến, kiến nghị, không nên hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp vừa hoặc nếu có cũng chỉ hỗ trợ một phần nhỏ, ngoại trừ một số lĩnh vực hay trong trường hợp đặc biệt. Bởi thực tế, giữa doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ với doanh nghiệp vừa có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô nên không thể hỗ trợ cào bằng như nhau. Đồng thời cần xem xét loại trừ một số đối tượng không nên hỗ trợ, dù đó là doanh nghiệp vừa hay nhỏ, như công ty đại chúng có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 cổ đông trở lên, vì đây là những doanh nghiệp hoạt động bài bản, có quy mô tương đối lớn.

Đại diện một doanh nghiệp khẳng định, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa sẽ dẫn đến tác dụng ngược, bất lợi cho sự phát triển của nền kinh tế, vì doanh nghiệp vừa thuộc loại lớn nhất cũng được hỗ trợ giống như nhóm doanh nghiệp nhỏ nhất. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc khuyến khích doanh nghiệp giữ nguyên ở quy mô doanh nghiệp vừa để hưởng nhiều ưu đãi, không phát triển thành các doanh nghiệp lớn mạnh như Nghị quyết số 35/NQ – CP đã đề ra.

Để hỗ trợ đúng đối tượng, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương khuyến nghị, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa cách thức hỗ trợ, xem doanh nghiệp đang thiếu gì thì Nhà nước hỗ trợ cái đó, tránh việc hỗ trợ dàn trải, có gì hỗ trợ đó như hiện nay. Để làm được điều này thì những người xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ phải có kinh nghiệm trong “chẩn đoán” và tư vấn cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Bởi thực tế, rất nhiều chương trình hỗ trợ thất bại vì những người đi hỗ trợ chưa từng kinh doanh, chẳng khác nào “người không biết bơi dạy người khác học bơi”.

Dương Cầm

———————————-

Đại biểu Nhân dân 11-8-2016:

http://www.daibieunhandan.vn/ONA_BDT/NewsPrint.aspx?newsId=376527

(236/1.266)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Truy quét hàng giả cuối năm.

Truy quét hàng giả cuối năm. (NLĐ) - Các cơ quan chức năng sẽ tập trung...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,978