(DĐDN) – Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho khối DNNVV từ 20% xuống còn 17% được cho là động thái tích cực và cần thiết, giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng về thuế, tạo nguồn lực tài chính và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, mức giảm 3% được cho là chưa hợp lý và chưa đủ để kích thích sự phát triển của khối này.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV trong 4 năm tới
Đề xuất giảm thuế 3%
Theo thông báo từ Cục thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 500 nghìn DN. Trong đó, DNNVV chiếm đa số, khoảng 97% tổng số DN cả nước. Khu vực doanh nghiệp này có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
Chính vì vậy, Bộ Tài Chính vừa có dự thảo gửi Chính phủ đề xuất cho DNNVV được giảm thuế suất phổ thông thuế thu nhập DN xuống còn 17% trong giai đoạn 4 năm (từ 2017- 2020), giảm 3% so với hiện nay. Từ đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét để ngay trong năm nay có thể ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp.
Thuế thu nhập DN là loại thuế trực thu, điều tiết trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp và là loại thuế đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đề suất của Bộ Tài chính, mức ưu đãi thuế suất thu nhập DN 17% sẽ áp dụng đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu một năm không quá 20 tỷ đồng và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định, đây là một trong các công cụ hỗ trợ DNNVV rất khả thi. Bởi việc giảm thuế suất theo như phương án Bộ này đưa ra sẽ giúp đảm bảo sự khuyến khích DNNVV có điều kiện tăng tích tụ, tích lũy tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hơn nữa, việc điều chỉnh thuế suất này cũng không ảnh hưởng nhiều tới số thu ngân sách nhà nước. Do số lượng DNNVV chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp lại khá nhỏ.
Cụ thể, theo số liệu doanh nghiệp của năm 2015, Bộ Tài chính cho biết, nếu xác định DNNVV theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng thì chiếm khoảng 86,2%. Tuy nhiên, số thu về thuế thu nhập doanh nghiệp số doanh nghiệp trên chỉ có 2,746 tỷ đồng, như vậy, mức giảm thu ngân sách chỉ khoảng 473 tỷ đồng.
Đã thực sự đủ?
Theo Tổng Cục thống kê, DNNVV hiện đóng góp 46% GDP, 31% thuế và tạo ra 62% việc làm. Khối doanh nghiệp này cũng có nhu cầu đầu tư, khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất- kinh doanh ở các ngành nghề khác nhau là rất lớn.
Do đó, chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm thuế suất thuế thu nhập DN với DNNVV được đánh giá là cần thiết. Giúp doanh nghiệp vơi bớt khó khăn, giảm gánh nặng về thuế dù có thể sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước nhưng sẽ không đáng kể.
DN sẽ có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, từ đó giảm giá thành, chi phí sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư.
Luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI nhận định: Chính sách giảm thuế sẽ là sự động viên, khuyến khích thiết thực để DN tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, đây là chính sách nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Bởi nếu áp thuế suất quá cao, doanh nghiệp sẽ nảy sinh tâm lý trốn tránh dẫn đến tình trạng thất thu thuế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính lại lo ngại, việc giảm thuế thu nhập DN được Bộ Tài chính đưa ra lại chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp có tổng doanh thu một năm không quá 20 tỷ đồng và các DN khởi nghiệp, có thể sẽ dẫn tới DN “lách luật” để được hưởng ưu đãi.
Thông thường, mức thuế suất thuế thu nhập DN thể hiện tỷ lệ điều tiết tiền của ngân sách nhà nước và DN trên khoản tiền lãi (thu nhập chịu thuế) do DN tạo ra, số lãi được chia thành 3 phần và phân chia theo tỷ lệ để lại DN 2 phần, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Theo chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh, việc ưu đãi thuế thu nhập DN chỉ có lợi cho các DN kinh doanh có lãi, chứ không phải toàn bộ khối DNNVV.
Thực tế, trong 5 tháng qua, số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động đã đạt con số trên 28.500 DN, chủ yếu là DNNVV . Chính vì thế, nếu giảm, thậm chí miễn thuế thu nhập DN gần như là vô nghĩa với những DN còn lại.
“Vấn đề chính là có hướng giải quyết để DN bớt lỗ trụ được để kinh doanh có lãi, được nộp thuế thu nhập DN và hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập DN”. – TS Vũ Đình Ánh nhận định.
Bởi vậy, có thể thấy, mặc dù việc giảm thuế thu nhập có lợi cho DN, nhưng chỉ mức giảm 3% là chưa đủ. Các chuyên ra cho rằng, ngoài việc giảm thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính cần xây dựng chính sách thuế minh bạch, tạo thuận lợi cho DN.
Đồng thời, cần có nững cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong công tác tiếp cận chính sách thuế, đào tạo tư vấn, nâng cao năng lực quản trị điều hành, giúp DN tiết kiệm chi phí, gia tăng quy mô và tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho DN phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Thy Hằng tổng hợp
——————————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) 15-8-2016:
http://enternews.vn/giam-thue-thu-nhap-cho-dnnvv-muc-3-co-du.html
(69/1.078)