(DĐDN) – Gần 4 tháng nữa là kết thúc chương trình cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có nguồn vốn cấp cho Ngân hàng, mới đây Ngân hàng Chính sách Xã hội còn quy định người vay mua nhà ở xã hội phải gửi tiết kiệm hàng tháng… Liên tiếp thông tin khiến người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội hoang mang.
Nguồn vốn chưa có đồng nghĩa với việc người dân chưa có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi
Làm khó người nghèo
Bà Nguyễn Thị Hồng (Sơn Tây, Hà Nội) cho biết đang dự tính mua nhà ở xã hội tại một dự án ở Hà Đông.
Tuy nhiên, quy định “Đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở; người vay vốn phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn”, bà Hồng tính toán, nếu dự định vay khoảng 700 triệu đồng thì mỗi tháng chị phải trả khoảng trên 5 triệu đồng cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng, thì số tiền gửi tiết kiệm cũng phải tương đương là 5 triệu đồng.
“Như thế thì quá cao đối với những người thu nhập thấp và ưu đãi này cũng làm khó người nghèo như chúng tôi” – bà Hồng nói.
Cũng băn khoăn như bà Hồng, anh Hoàng Long (Hà Nội) cho rằng, phần lớn đối tượng vay mua nhà có thu nhập thấp nên việc có đủ số tiền nêu trên mỗi tháng là rất khó khăn. “Nên chăng hạ mức tiền gửi hàng tháng xuống thấp hơn thì sẽ đáp ứng được nhu cầu của đa số người có thu nhập hơn”.
Cách đây ít ngày, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã lên tiếng xác nhận yêu cầu mức gửi tiết kiệm hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn. Đại diện ngân hàng lý giải, quy định này chỉ để tạo cho người vay có ý thức trả nợ chứ không hề gây thêm khó khăn bởi thực tế trong một năm đầu tiên vay, khách hàng được ân hạn gốc. Ngoài ra, còn để tránh tình trạng đăng ký vay để được ưu đãi rồi bán lại trên thị trường để hưởng chênh lệch.
Trong tâm thế chờ đợi
Cuối năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có Thông tư 25/TT – NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, ngoài Ngân hàng Chính sách Xã hội, NHNN đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại (NHTM) là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank tham gia cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc. “Nhưng các ngân hàng thương mại này chưa triển khai vì họ còn phải giải ngân nốt gói 30.000 tỷ đồng. Người dân và doanh nghiệp phản ánh không tiếp cận được nguồn vốn còn bản thân ngân hàng được giao nhiệm vụ cho vay cũng lúng túng trong “mớ” thủ tục cũng như vẫn phải chờ nguồn tái cấp từ NHNN.
Một doanh nghiệp động sản cho rằng, khi bắt đầu triển khai gói 30.000 tỷ đồng trước đây, nguồn vốn đã có sẵn, nên các ngân hàng và doanh nghiệp mới tích cực xây dựng tạo nguồn cung đáp ứng nhu cầu của những người vay. Đến nay, mặc dù NHNN thúc yêu cầu nhưng các ngân hàng thương mại hiện đang gặp không ít khó khăn. Do vậy việc mua được nhà trong thời điểm này đối với người thu nhập thấp thực sự rất khó khăn
Theo luật sư Trương Thanh Đức, sự chậm trễ này bắt đầu từ khâu ban hành chính sách, sau khi có Luật Nhà ở phải mất 5 tháng mới ra được Nghị định 100 hướng dẫn về cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội, mất thêm 6 tháng người dân mới biết được mức lãi suất 4,8%/năm và thêm 2 tháng để hướng dẫn cho vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, nghĩa là hơn 1 năm sau khi có chủ trương đến nay, vẫn chưa biết phải mất bao lâu Chính phủ mới bố trí được vốn để gói vay ưu đãi được thực hiện.
“Nguồn vốn chưa có, đồng nghĩa với việc người dân chưa có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi, doanh nghiệp vẫn còn trong tâm thế chờ đợi. Trong khi thực tế là ở Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ” – ông Đức cho biết.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nhanh chóng thu xếp nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện chương trình vay vốn ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm, cũng cần thiết có tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thực hiện gói 30.000 tỷ đồng để có bài học kinh nghiệm cho các chương trình hỗ trợ nhà ở tiếp theo.
Tuệ Nhi
—————————–
Diễn đàn Doanh nghiệp (Thị trường) 17-8-2016:
(167/962)