89a. Tranh luận về học thuật hay thủ thuật?

Tranh luận về học thuật hay thủ thuật?

(TCNH) – Tạp chí Ngân hàng luôn khuyến khích việc tranh luận khoa học. Tuy nhiên, trong một bài tranh luận về chủ đề cổ phần hoá ngân hàng gần đây, bên cạnh những luận cứ khoa học, tác giả đã bảo vệ luận điểm của mình bằng cách nhấn mạnh đến “nhiều năm công tác trong ngành”, cho rằng người tranh luận với mình “chưa bao giờ tham gia trực tiếp xử lý các vấn đề pháp lý” cổ phần hoá ngân hàng, rồi dẫn ra cả “Mác – Lê” để kết luận rằng ý kiến của người khác là “lý luận suông” không phù hợp “với quy luật khách quan, xã hội”. Vì vậy, cần tiếp tục trao đổi nhằm làm sáng tỏ vấn đề trên. 

Trên Tạp chí Ngân hàng số 18 tháng 9-2008, tôi đã viết bài “Trao đổi một số vấn đề pháp lý về cổ phần hoá ngân hàng” để tranh luận lại bài viết “Pháp luật về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước nhìn từ việc cổ phần hoá Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam” của tác giả Nguyễn Phương Linh, đăng trên số 15 tháng 8-2008.

Xin tóm tắt lại 4 vấn đề tranh luận trên 2 số Tạp chí 15 và 18 như sau:
TTVấn đề tranh luậnTác giả Phương Linh

(Tạp chí số 15)

Ý kiến của tôi

(Tạp chí số 18)

1.Thời điểm bán cổ phần lần đầu

(liên quan đến cổ phần của ai)

Sau khi cổ phần hoá

(cổ phần của VCB cổ phần)

Trước khi cổ phần hoá

(cổ phần của Nhà nước)

2.Người có quyền bán cổ phần lần đầuĐại hội đồng cổ đông VCB cổ phầnCơ quan quyết định cổ phần hoá
3.Ngày hoàn thành việc bán cổ phầnKhông xác định đượcNgày chốt số cổ phần đã bán và thu tiền
4.Luật hoạt động sau cổ phần hoáKhông xác định được giữa 2 luật: Doanh nghiệp và DNNNTheo Luật Doanh nghiệp

Sau khi tôi nêu ý kiến tranh luận như trên, tác giả Nguyễn Văn Phương đã viết tiếp bài “Trao đổi lại một số vấn đề về pháp lý về cổ phần hoá ngân hàng” đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 20 tháng 10-2008 để tranh luận lại 4 vấn đề trên. Tuy nhiên, qua 7 trang Tạp chí, tác giả Phương không hề nhắc đến bài viết đầu tiên của mình, với bút danh Nguyễn Phương Linh, là lý do dẫn đến 2 trang tranh luận của tôi. Việc này sẽ làm cho mọi người hiểu sai rằng, có một tác giả thứ 3 xuất hiện trong tranh luận. Đây là một thủ thuật không nên có trong tranh luận khoa học. Về mặt pháp lý, tôi đã viết đủ trong bài trước đây, nay xin trao đổi thêm một số ý như sau:

Thứ nhất, về việc cổ phần lần đầu bán cho nhà đầu tư, tác giả Phương cho rằng phải là của Ngân hàng Ngoại thương (VCB) sau khi đã được cổ phần hoá, nên việc bán chính thức chỉ có thể tiến hành sau khi đã thành lập VCB cổ phần. Tôi cho rằng đó là của Nhà nước và do vậy thì việc bán đương nhiên là diễn ra trước khi cổ phần hoá, ngược lại quan điểm của tác giả Phương. Vì không đặt trong mối liên hệ với bài viết đầu tiên, nên tác giả Phương lại quay ra thắc mắc “không nói rõ “cổ phần” do ai phát hành (lấy ở đâu ra) để Nhà nước bán cho nhà đầu tư và quan hệ mua bán này được thực hiện ở thời điểm nào”? Trong bài viết trước, tôi đã không nói rõ việc cổ phần được “lấy ở đâu ra”, vì hoàn toàn không cần giải quyết vấn đề này. Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu VCB đồng thời đóng vai của cổ đông sáng lập VCB cổ phần, thì đương nhiên đủ tư cách để phát hành cổ phần. Tác giả Phương cho rằng, chỉ có việc mua bán cổ phần ở các công ty đã thành lập, mà không công nhận việc mua bán bắt đầu ngay từ khi chuẩn bị thành lập công ty. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp đã chính thức thừa nhận các khái niệm “mua bán”, “cổ phần” và “cổ đông” trước khi công ty được thành lập. Thậm chí Luật Doanh nghiệp còn cho phép ghi nhận cả số vốn điều lệ mà các cổ đông mới cam kết mua chứ chưa mua khi đăng ký kinh doanh.

Ý thứ hai tác giả Phương thắc mắc là tôi không nói đến việc mua bán cổ phần diễn ra ở thời điểm nào, thì ngay sau đó chính tác giả lại viết rằng quan điểm “Nhà nước là người bán cổ phần trước khi công ty cổ phần được thành lập” của tôi là không đúng (!?). Tác giả Phương viện dẫn nhiều điều luật để tái khẳng định rằng, sau khi VCB đã cổ phần hoá, thì mới chính thức bán cổ phần và người mua mới trở thành cổ đông. Vậy thì làm sao có thể lý giải được việc luật cho phép triệu tập các cổ đông để họp Đại hội đồng cổ đông đầu tiên thành lập VCB cổ phần nếu chưa có cổ đông, cổ phần? Vì vậy, lý luận lùi thời điểm bán cổ phần chỉ là những suy diễn pháp lý không có giá trị trong thực tiễn cuộc sống như chính tác giả mong mỏi.

Thứ hai, tác giả Phương cho rằng, chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có thẩm quyền quyết định bán cổ phần lần đầu của công ty cổ phần hoá. Còn tôi thì cho rằng cơ quan quyết định cổ phần hoá có thẩm quyền này (với tư cách là chủ sở hữu). Tác giả Phương trước sau vẫn bảo vệ quan điểm không chấp nhận hướng dẫn của Chính phủ về thẩm quyền này, vì cho rằng mâu thuẫn với luật. Trong khi đó luật hoàn toàn không có quy định cụ thể, mà giao cho Chính phủ hướng dẫn. Chỉ vì xuất phát điểm, tác giả Phương đã không công nhận cổ phần của Nhà nước, nên lô gíc đương nhiên tiếp theo là không công nhận thẩm quyền quyết định việc bán cổ phần lần đầu là của Nhà nước (đại diện chủ sở hữu). Tác giả đã dùng nhiều điều luật liên quan gián tiếp phủ nhận quy định trực tiếp, để bảo vệ quan điểm phải thành lập xong VCB cổ phần thì mới chính thức bán cổ phần. Như vậy, điều kiện bắt buộc để ra đời công ty cổ phần là cổ phần và cổ đông lại tiếp tục bị hiểu ngược lại là phải có công ty rồi mới có cổ phần, cổ đông.

Thứ ba, về ngày hoàn thành việc bán cổ phần, tác giả Phương cho rằng không thể xác định được. Tôi cho rằng nó phải được xác định vào ngày đã chốt được số cổ phần đã bán và thu tiền về. Sau đó, tác giả Phương đã nêu ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc qua thực tế cổ phần hoá VCB để khẳng định lại là không có cả cơ sở pháp lý và thực tế để xác định được ngày này. Như vậy, thì khác nào tác giả đã tự bộc lộ “lý luận suông” của mình, vì trong trường hợp này, ít nhất phải dựa vào một trong hai thứ, chứ không thể ly khai tất cả. Nếu không công nhận cả hai, thì chẳng hoá ra sau khi VCB đã hoàn thành việc cổ phần hoá rồi, mà vẫn chưa xác định được đâu là ngày hoàn thành việc bán cổ phần? Về vấn đề này, có lẽ tác giả Phương muốn tiếp tục bảo vệ quan điểm xuyên suốt của mình là: Sau khi VCB cổ phần hoá xong mới chính thức được bán cổ phần, rồi người có thẩm quyền bán phải là Đại hội đồng cổ đông và ngày hoàn thành việc bán cổ phần phải là sau khi đã cổ phần hoá xong. Cả ba vấn đề này hoàn toàn đều là suy luận lý thuyết gián tiếp, không có quy định pháp lý cụ thể và sẽ phủ nhận hoàn toàn, thậm chí gây ra những sự khó khăn bế tắc trên thực tế.

Thứ tư, tác giả Phương chỉ nêu ra, mà không có chính kiến về việc VCB sau cổ phần hoá phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Doanh nghiệp Nhà nước. Tôi khẳng định là phải theo Luật Doanh nghiệp. Thế là tác giả Phương lại viết một trang rưỡi để “cãi” lại là “trước hết phải tuân theo Luật các Tổ chức tín dụng”. Đây là việc chứng minh một điều đương nhiên mà tôi không hề tranh luận với tác giả. Làm việc này không khác nào mất công chứng minh rằng trái đất không phải là hình vuông! Nếu độc giả không đọc kỹ cả 3 bài viết, thì rất dễ hình dung là tôi đã không biết một điều tối thiểu.

Tóm lại, trong tranh luận khoa học, cần đi thẳng vào vấn đề, chứ không nên dùng thủ thuật dẫn dắt, lập luận theo kiểu cho rằng chỉ mình mới là người trong cuộc, người có kinh nghiệm, lập luận của mình mới “dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn hợp với quy luật khách quan, xã hội”, mới không phải là “lý thuyết suông”.

—————————-

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 


Bài viết gửi đăng Tạp chí Ngân hàng

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.393. Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp...

Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát...

Trích dẫn 

3.913. Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ...

Giá vàng ngày một "nóng", có nên nắm giữ dài hạn? (KTCK) - Giá vàng tăng...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,477