(PL) – Ngân hàng Nhà nước khẳng định Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP đến nay đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Nhưng Luật sư lại đặt câu hỏi: phải chăng dân đã bị lừa trong phi vụ này?
Ảnh minh họa
Nhưng thực tế rất nhiều người đang “khóc dở, mếu dở” vì vướng vào “gói 30.000 tỷ”, mà theo Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI), hệ lụy của việc dừng ưu đãi với số tiền chưa kịp giải ngân, cả ngân hàng, doanh nghiệp và người dân đều phải gánh chịu, nhưng người dân là chịu thiệt thòi nhiều nhất…
“Thóc đâu mà đãi gà rừng…”
Thông tin chính thức về vấn đề này vào chiều tối qua (11/3), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP là giải pháp quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn thị trường BĐS khó khăn cũng như tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có điều kiện cải thiện về nhà ở.
Đến nay về cơ bản Chương trình đã đạt được các mục tiêu đề ra, chính sách này đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến thị trường BĐS, thị trường đã phục hồi và phát triển khởi sắc. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ nên có tính chất thời điểm, không kéo dài sự hỗ trợ cho một đối tượng.
Thời gian giải ngân tái cấp vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được NHNN tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cân đối chung về nguồn vốn, tập trung vốn tín dụng đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN.
NHNN dẫn khoản 2 Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN, trong đó quy định: NHNN thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ cho các ngân hàng cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư này. Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Theo đó, NHNN sẽ dừng tái cấp vốn khi giải ngân hết số tiền (khoảng 30.000 tỷ đồng) nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (01/06/2013).
NHNN cũng khẳng định, trong quá trình triển khai, NHNN đã đẩy mạnh công tác truyền thông về Chương trình gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để DN, người dân hiểu rõ về các quy định của Chương trình, trong đó có nội dung về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay, thời hạn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi.
“Như vậy ngay từ đầu Chương trình NHNN đã quy định rất rõ về thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay hỗ trợ nhà ở, lãi suất vay ưu đãi cũng như trong quá trình thực hiện NHNN đã liên tục đăng tải quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung này trên phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin để DN, người dân được biết…” – Văn bản của NHNN khẳng định.
Về thông tin cho rằng một số khách hàng vay vốn mặc dù đã ký hợp đồng tín dụng nhưng không hiểu rõ nội dung về thời hạn áp dụng lãi suất vay ưu đãi, NHNN cho biết, trên cơ sở quy định của NHNN tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2015/TT-NHNN, các ngân hàng tham gia Chương trình có trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn, thực hiện việc thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Ngân hàng cho vay có trách nhiệm đưa các quy định về thời hạn cho vay, mức lãi suất… vào nội dung hợp đồng tín dụng để thỏa thuận, ký kết với khách hàng. “Về thông tin nội dung hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng còn mập mờ, khách hàng chưa hiểu rõ, NHNN sẽ thực hiện kiểm tra ngay, yêu cầu ngân hàng thương mại báo cáo và có biện pháp xử lý phù hợp” (?).
Hóa ra người dân bị lừa?
Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng văn bản đã sai từ đầu bởi một khi đã cam kết, đó là ràng buộc, phải được thực hiện theo lãi suất ưu đãi chứ không phải chỉ phần đã giải ngân mới được hưởng lãi suất ưu đãi. “Ví dụ anh bán vé xem ca nhạc, đó là cam kết song anh không thể không cho người ta vào rạp với lý do rạp hết chỗ. Anh phải biết sức chứa của rạp để bán ra số vé tương ứng.
Với gói 30.000 tỷ đồng cũng vậy. Một khi đã cam kết 30.000 tỷ đồng thì 30.000 tỷ đó phải được hưởng lãi suất ưu đãi, vượt ra không được hưởng. Còn giải ngân có thể lâu hay mau. Nếu nói chỉ hưởng lãi suất ưu đãi phần giải ngân thì ai dám vay? Hóa ra người dân bị lừa à?”- Luật sư Đức phân tích.
Theo Luật sư Đức, cả ngân hàng thương mại, cả nhà đầu tư và người dân không ai sai cả, vấn đề là sai từ văn bản. “Lúc đầu có thể không ai để ý câu chữ nhưng khi gói hỗ trợ này sắp hết hạn thì mọi người mới tá hỏa!”. Ông Đức cũng tỏ ra thất vọng về cách giải thích của đại diện NHNN rằng “mục đích của gói vay 30.000 tỷ là để hỗ trợ thị trường trong giai đoạn cách đây 3 năm khi tồn kho BĐS, nợ xấu đang cao ..”. (Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN trả lời phỏng vấn VTV- PV).
“Nói như vậy lòi ra “cái đuôi” rồi. Hóa ra không phải vì mục đích an sinh xã hội? NHNN có biết rằng rất nhiều người dân “sống dở, chết dở” vì tiếp tục hợp đồng thì không chịu được lãi suất cao, cũng “chết”, không cố theo đuổi thì vi phạm hợp đồng, rồi bị phạt. Nhà cửa thì không có, có khi mất trắng…” – Luật sư Đức phân tích.
Theo Luật sư, hệ lụy của việc này không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà chính các ngân hàng thương mại, DN BĐS sẽ phải gánh chịu, trong đó người dân là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Theo ông, không ai hết, chính NHNN phải “gỡ” rối rắm này…
Hiểu My
—————————————————–
Pháp luật VN (Chính sách) 12-3-2016:
http://baophapluat.vn/chinh-sach/goi-30000-ty-dong-hoa-ra-nguoi-dan-bi-lua-265291.html
(462/1.191)