(PNVN) – Vừa qua, chị Nguyễn Thị Na Hương – chủ thẻ Vietcombank bị mất 500 triệu – đã có buổi làm việc với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) của Bộ Công an và ngân hàng Vietcombank.
Hiện Vietcombank đã xử lý khẩn cấp, kịp thời, khoanh giữ lại được 300 triệu đồng và làm thủ tục tra soát để chuyển lại tiền cho chị Na Hương. Đây là các giao dịch chuyển khoản sang ngân hàng khác nhưng chưa kịp chuyển ra khỏi hệ thống Vietcombank. Tuy nhiên, đối tượng lừa đảo đã kịp rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia.
Theo đó, C50 xác nhận, ngân hàng Vietcombank đã gửi mã OTP vào điện thoại di động của chị Hương để có thể kích hoạt chuyển hình thức giao dịch từ nhận mã OTP bằng SMS sang Smart OTP.
“Hiện trên điện thoại của chị Hương vẫn còn lưu giữ tin nhắn của ngân hàng Vietcombank gửi đến thông báo về việc khách hàng đã kích hoạt sử dụng dịch vụ Smart OTP”, đại diện C50 cho biết.
Trao đổi với chị Hương, chị khẳng định không hề kích hoạt việc chuyển đổi mã OTP sang Smart OTP. Bản thân chị Hương cũng không hiểu rõ sự khác nhau của hai mã trên.
Trước đó, Vietcombank bước đầu xác định, chị Na Hương bị mất thông tin và mật khẩu do truy cập vào một trang web giả mạo (có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm) qua máy điện thoại cá nhân. Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của chị Hương đã bị đánh cắp. Đặc biệt, kẻ gian đã chuyển đổi mã OTP sang Smart OTP.
Hé lộ bước đầu vụ điều tra khách Vietcombank mất 500 triệu |
Ông Đào Minh Tuấn, phó tổng giám đốc Vietcombank giải thích, khi giao dịch qua ATM hay Internet Banking (dịch vụ ngân hàng qua mạng), có hai dạng mã xác nhận là OTP (gửi xác nhận qua điện thoại) và mã smart OTP (khách hàng đăng nhập trên hệ thống).
Do chị Na Hương đã bị lấy cắp thông tin cá nhân nên kẻ gian dễ dàng giao dịch với ngân hàng bằng mã smart OTP đăng nhập trên hệ thống.
Sau sự việc này, Vietcombank đã thay đổi trên toàn hệ thống. Việc kích hoạt dịch vụ Smart OTP phải thực hiện tại quầy, thay vì hình thức trực tuyến như trước.
Về phía ngân hàng Vietcombank, sau khi đổ lỗi cho khách hàng và chịu sức ép từ dư luận, Vietcombank đã phát đi thông cáo khẳng định trong trường hợp nguyên nhân được xác định không phải do lỗi của khách hàng, Vietcombank khẳng định quyền lợi của khách hàng tại Vietcombank hoàn toàn được bảo vệ.
Ở góc độ pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng, ngân hàng là đơn vị cung cấp dịch vụ, mà dịch vụ gây rủi ro cho khách hàng thì ngân hàng phải có trách nhiệm chia sẻ tổn thất, hoàn toàn không thể đứng ngoài cuộc hay đẩy trách nhiệm cho khách hàng.
C50 bước đầu xác định, đây là hành vi lừa đảo theo hình thức giao dịch trực tuyến và có liên quan tới một nhóm đối tượng cả trong nước và ngoài nước.
Đặng Thu
——————————–
Phụ nữ Việt Nam (Mua và bán) 18-8-2016:
(61/585)