992. Tin tức nổi bật trên báo ngày 23/8

(ANTV) – Quảng Ngãi – hoang mang “bệnh lạ” tái xuất từng khiến hơn 20 người mất mạng; Cần một tổ chức trung gian để bảo vệ khách hàng; Trường học ở ngoại thành: Bao giờ hết cảnh tạm bợ; Dân có quyền giám sát gì cảnh sát giao thông?;… là những tin tức nổi bật trên các trang báo ra ngày hôm nay (23/8).

Quảng Ngãi: Hoang mang “bệnh lạ” tái xuất từng khiến hơn 20 người mất mạng

Từng hoành hành và cướp đi sinh mạng của nhiều người ở huyện miền núi Quảng Ngãi, căn “bệnh lạ” – sau nhiều năm yên ắng nay có dấu hiệu bùng phát trở lại, khiến dư luận hoang mang. Theo thông tin mới nhất, đã có 2 trường hợp có biểu hiện của loại “bệnh lạ” này.

Theo phóng viên báo Đời sống & Pháp luật, hai bệnh nhân bị hội chứng viêm da dày sừng vừa được chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để theo dõi và điều trị. Kết luận của bác sĩ cho thấy cả 2 bệnh nhân đều có men gan cao bất thường, bàn tay, bàn chân có rìa tím, bị đau rát vùng tổn thương, mệt mỏi và kém ăn. Nguyên nhân gây bệnh được xác định là do độc tố vi nấm, chủ yếu là Aflatoxin do ăn gạo cũ, mốc, cơ thể bị thiếu vi chất.

Hiện người dân của tỉnh đang hết sức lo lắng bởi bệnh viêm da dày sừng này đã khiến cho hơn 20 người thiệt mạng trong số 250 người mắc phải. Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh và ngành y tế đã có những động thái nhằm giúp đỡ 2 bệnh nhân điều trị, đồng thời trấn an người dân tỉnh Quảng Ngãi. Chi tiết, quý vị đón đọc trên báo Đời sống & Pháp luật.

Cần một tổ chức trung gian để bảo vệ khách hàng

Một thông tin kinh tế đáng chú ý. Xoay quanh vụ “bốc hơi” 500 triệu đồng trong tài khoản chỉ sau 1 đêm, hiện tại, dù đã 2 lần phía cung ứng dịch vụ là ngân hàng đưa ra thông tin, song dư luận vẫn hoài nghi với nhiều câu hỏi. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI trên trang 4 báo Công an nhân dân.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, những vụ mất tiền kiểu như vậy trên thế giới không phải là hiếm, thậm chí diễn ra ngay cả trong những định chế tài chính uy tín nhất. Tuy nhiên, điều khác biệt chính là nằm ở cách ứng xử của mỗi ngân hàng sau sự cố. Ông Đức nêu ra một thực tế là hiện nay, công nghệ trong tay ngân hàng, thông tin do ngân hàng cung cấp. Nếu ngân hàng bảo tốt thì khách sẽ chỉ biết là tốt, còn chờ ngân hàng bảo “chúng tôi đang có vấn đề” thì chắc chắn là không bao giờ. Do vậy, minh bạch và uy tín phải là yếu tố đầu tiên mà người gửi tiền chọn các ngân hàng.

Ngoài ra, luật sư Trương Thanh Đức cũng nêu ra 3 trường hợp có thể xảy ra khi bỗng dưng khách hàng bị mất tiền, đồng thời đề xuất cần có một tổ chức trung gian bảo vệ khách hàng. Cụ thể, cơ quan này phải có trách nhiệm trong việc phân xử, kiểm tra, giám sát hoạt động của ngân hàng để có thể đảm bảo quyền lợi của ngân hàng cũng như của khách hàng.

Trường học ở ngoại thành: Bao giờ hết cảnh tạm bợ

Còn chưa đầy 2 tuần nữa, học sinh sẽ bước vào năm học mới 2016 – 2017. Tuy nhiên, tại một số huyện ngoại thành của Hà Nội, thầy và trò vẫn đang đối mặt với cảnh tạm bợ, chắp vá, thậm chí nguy hiểm bởi lớp học xuống cấp, nứt lở, thấm dột; rồi cảnh học nhờ, học tạm vì thiếu phòng học. Câu hỏi “Bao giờ hết cảnh tạm bợ” đăng tải trên báo Kinh tế Đô thị số ra ngày hôm nay.

Theo tác giả bài báo, tại một số trường như Mầm non Kim Lũ, Mầm non Xuân Thu, Tiểu học Việt Long (huyện Sóc Sơn), Mầm non Quang Minh B và Tiểu học Tự Lập A (huyện Mê Linh), nơi thì tận dụng phòng chức năng làm phòng học, nơi thì đi mượn địa điểm bên ngoài. Ngoài ra, tình trạng quá tải đang xảy ra đối với hầu như tất cả các trường học này. Đơn cử như Mầm non Kim Lũ, một lớp 75 học sinh chỉ có 3 giáo viên, lớp 55 học sinh thì có 2 cô giáo, các lớp ở điểm lẻ cách lớp học trung tâm tới 3,5km, rất khó quản lý.

Chưa hết, phòng học đã thiếu, ở một số nơi lại đang đối mặt với sự xuống cấp trầm trọng: Trường lớp rạn nứt, bung vữa trần, thấm dột khi gặp mưa. Một số lớp trong đó cứ trời mưa là dột, nước đọng thành vũng trong lớp; hành lang và sân trường thì gạch vỡ lổn nhổn. Hệ thống cánh cửa cũng đã mục, hệ thống điện thì “dọa” chập cháy do ngập trong nước lâu… Cần sớm khắc phục tình trạng này khi mà năm học mới đang ngày một cận kề.

Dân có quyền giám sát gì cảnh sát giao thông?

Thời gian gần đây, dư luận rất quan tâm đến câu hỏi: “Liệu người dân có được quyền kiểm tra, giám sát lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ hay không?”. Về vấn đề này, theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), pháp luật không hạn chế quyền kiểm tra, giám sát của người dân đối với lực lượng làm nhiệm vụ, cụ thể là lực lượng Cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, cũng có một vài yêu cầu của người dân đối với lực lượng cảnh sát không thể đáp ứng được.

Lý giải rõ hơn, Thiếu tướng Trần Thế Quân cho rằng, mỗi Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ đều có thẻ tuần tra kiểm soát đeo trên ngực, trên đó có ghi rõ họ tên và số hiệu của cán bộ, chiến sĩ. Nếu người dân nghi ngờ đó là thẻ giả hoặc người đó giả danh Cảnh sát giao thông thì có quyền yêu cầu người làm nhiệm vụ xuất trình giấy chứng minh Công an nhân dân, nếu không, người dân có thể gọi điện đến đơn vị có cán bộ, chiến sĩ đó để xác minh, kiểm tra. Tuy nhiên, với các chương trình hay kế hoạch chuyên đề, nếu người dân yêu cầu được xem lại là không khả thi. Bởi mỗi kế hoạch chuyên đề chỉ có người quản lý chung được giữ, sau đó phổ biến cụ thể cho tất cả các cán bộ, chiến sĩ, chứ không phải cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông nào cũng có một tờ kế hoạch chuyên đề này đem theo ra đường.

Về phía cảnh sát giao thông, ông Quân cho rằng, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng cần có hướng xử lý khéo léo, giải thích hợp lý để có thể thuyết phục người dân. Người dân có quyền kiểm tra, giám sát, nhưng cũng không nên lạm dụng quyền đó để gây khó dễ cho lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Bài viết cũng đăng tải ý kiến của luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xoay quanh vấn đề này. Quý vị đón đọc trên báo Giao thông số ra ngày hôm nay.

BT

———————————-

An ninh TV (Dòng sự kiện) 23-8-2016:

http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/diem-tin-noi-bat-trong-ngay/tin-tuc-noi-bat-tren-bao-ngay-23-8-193726.html

(300/1.345)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,693