997. Mập mờ lãi suất gói 30.000 tỷ đồng: “Sẽ yêu cầu các ngân hàng báo cáo rõ”

(ĐTCK) – Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đơn vị được giao chủ trì xây quản lý, kiểm tra, giám sát gói vay 30.000 tỷ đồng, trước thông tin các ngân hàng “lập lờ” trong hợp đồng vay vốn gói tín dụng bất động sản ưu đãi này.

Gói 30.000 tỷ đồng sẽ chấm dứt giải ngân sau ngày 1/6/2016. ảnh: Dũng Minh

Gói 30.000 tỷ không còn nhiều

Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, ông Đông cam kết, nếu sự việc xảy ra đúng như dư luận đã nêu, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng làm sai, không đúng chủ trương của Chính phủ, NHNN.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết, theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, con số giải ngân gói 30.000 tỷ đồng lên tới hơn 20.000 tỷ đồng trên tổng số 28.884 tỷ đồng cam kết cho vay. Như vậy, đến 1/6/2016, gói này về cơ bản sẽ cho vay hết.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, ngay sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, Nhà nước sẽ hỗ trợ nhà ở cho người nghèo bằng các chính sách mới. Theo tinh thần của nghị định này, NHNN đã có Thông tư 25 quy định, mức lãi suất cho vay đối với khách hàng thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở sẽ được khống chế không vượt quá 50% lãi suất bình quân của ngân hàng trên thị trường. Quy định này sẽ chuyển tiếp ngay sau khi thời hạn giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chấm dứt vào 1/6/2016 này.

Về việc có hay không sự mập mờ của các ngân hàng và chủ đầu tư khi giải thích cho các khách hàng, trao đổi với Đầu tư Bất động sản, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, theo quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của NHNN: “… Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN kết thúc khi NHNN giải ngân hết số tiền tái cấp vốn, nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013 )”.

Quy định này là khá rõ ràng, nhưng theo ông Đức, có 3 vấn đề trong câu chuyện này là khách hàng được ký hợp đồng vay, được giải ngân và được hưởng lãi suất ưu đãi. Nếu khách hàng đã được ký hợp đồng khi đủ điều kiện vay và cho vay theo gói này, thì đương nhiên phải được giải ngân, đồng thời được hưởng lãi suất 5%/năm.

Việc ký hợp đồng chỉ được phép trong thời hạn 36 tháng (3 năm) và trong phạm vi số tiền 30.000 tỷ đồng, nhưng việc giải ngân phải thực hiện theo đúng hợp đồng, đến khi nào hết số tiền cam kết thì mới chấm dứt. Thời hạn này có thể là vài tháng hay vài năm, đúng theo hồ sơ đã xét duyệt.

Việc tiếp tục phải giải ngân cho toàn bộ hợp đồng vay vốn vừa là trách nhiệm pháp lý, vừa đúng với tính chất của chính sách, vừa phù hợp với thực tế. Nếu dừng lại, thì không khác nào đánh bẫy người vay, đẩy người có thu nhập thấp vào tình trạng khốn khổ khi không được vay ưu đãi.

“Cần phải nhanh chóng sửa đổi quy định trên, nếu không, những người đã ký vay vốn gói 30.000 tỷ đồng mua nhà sẽ gặp nhiều khó khăn, không thanh toán nổi cho ngân hàng và khả năng dự án bị đình trệ vì ngân hàng không giải ngân là điều có thể xảy ra”, ông Đức khuyến nghị và cho biết, có thể một số chủ đầu tư sẽ lợi dụng điều này để gây sức ép, yêu cầu người mua nhà phải giải ngân trước tiến độ nếu muốn hưởng lãi suất 5%/năm nhằm trục lợi.

Đồng quan điểm, một chuyên gia bất động sản cho biết, cách đây 5 – 6 tháng, trong nhiều cuộc trao đổi về phát triển nhà ở xã hội, ông đã từng kiến nghị và nhận được sự phản hồi của NHNN cho 3 phương án giải ngân gói tín dụng này sau ngày 1/6/2016, là gia hạn thời gian giải ngân cho các khách hàng đang được giải ngân với các dự án vẫn phải đóng tiền theo tiến độ; sẽ được thay thế bằng gói 50.000 tỷ đồng với lãi suất cứng là 7%/năm; hoặc lãi suất sẽ được thả nổi theo biên độ của NHNN, cộng 2,5 – 3,5%/năm.

“Nếu không sớm đưa ra phương án giải quyết, khả năng sẽ gây ra sự hoảng loạn không đáng có từ phía người dân. Tôi đề nghị, Bộ Xây dựng và NHNN cần sớm xem xét thảo luận kỹ vấn đề này”, vị chuyên gia này khuyến cáo.

Các chủ đầu tư nói gì?

Trước thông tin người mua nhà, chủ đầu tư và ngân hàng đang chạy bắt tay để tăng tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trước thời điểm kết thúc, Đầu tư Bất động sản đã liên hệ với một số chủ đầu tư để nắm rõ hơn về vấn đề này.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Thế Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long, chủ đầu tư Dự án nhà ở xã hội Bright City cho biết, cho tới thời điểm này vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía ngân hàng, hay cơ quan quản lý về quy trình và lãi suất cho người mua nhà sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết hạn.

Tuy nhiên, DN không chủ trương thực hiện việc đề xuất với người mua nhà để tăng tốc độ giải ngân. Trong trường hợp có sự thay đổi chính sách từ cơ quan quản lý mang yếu tố bất lợi với người mua nhà, chủ đầu tư sẽ làm việc với ngân hàng để tìm giải pháp tháo gỡ tối ưu nhất, tránh gây tâm lý bức xúc từ phía khách hàng.

Còn theo đại diện của CTCP Địa ốc Hoàng Quân, đơn vị đang triển khai khá nhiều dự án nhà ở xã hội, trên nguyên tắc việc vay mua nhà ở xã hội dù chưa hết hạn gói 30.000 tỷ đồng, hay đã hết vẫn phải thực hiện theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Thông tư 25/2015/TT-NHNN.

Khi đó, việc giải ngân phải được đảm bảo theo quy định pháp luật hiện hành về cho vay và quy định của NHNN. Còn về lãi suất cho vay ưu đãi sẽ do NHNN xác định và công bố trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, khách hàng không nên quá lo lắng, vì kể cả trong trường hợp gói 30.000 tỷ đồng hết hạn, chắc chắn vẫn được vay vốn ưu đãi theo lãi suất cho vay nhà ở xã hội, không phải vay theo lãi suất thương mại và đều có sự tiếp nối bằng các gói vay khác sau ngày 1/6/2016.

Nhưng vì một lý do nào đó, NHNN hay các cơ quan chức năng chưa ban hành được chính sách tiếp nối sau ngày 1/6, với các dự án HQC đã mở bán trước ngày 1/6, Công ty sẽ đề nghị khách hàng và ngân hàng không giải ngân tiếp, khách hàng chỉ phải chịu lãi suất 5%/năm cho năm 2016 và lãi suất không lớn hơn 6%/năm cho 15 năm tiếp theo. Đối với các dự án HQC chưa triển khai, 100% dự án sẽ được thực hiện theo quy định mới từ ngày 1/6.

“Riêng đối với HQC, trường hợp các dự án trễ tiến độ qua ngày 1/6 thì khách hàng vẫn được hưởng lãi suất không quá 6%/năm. Nếu chính sách ban hành mà lãi suất cao hơn 6%/năm, thì Hoàng Quân bù phần chênh lãi suất cho khách”, vị này khẳng định.

Việt Dương 
———————————————————

Đầu tư Bất động sản (Tiền tệ) 14-3-2016:

http://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/map-mo-lai-suat-goi-30000-ty-dong-se-yeu-cau-cac-ngan-hang-bao-cao-ro-145186.html

(406/1.405)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,735