(CL) – Vụ Công ty Gia Hân lên tiếng tố Công ty Global Home S.R.O nợ tiền đang gây chú ý trong dư luận thời gian qua.
Không chỉ có Công ty Gia Hân mà nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ cũng lên tiếng về thiệt hại khi làm ăn với đối tác nước ngoài. Vậy bài học nào được rút ra cho doanh nghiệp Việt từ những rủi ro khi mua bán quốc tế?
Các doanh nghiệp gỗ phản ánh việc bị nợ hàng trăm nghìn USD
Thời gian qua, vụ việc giữa Global Home S.R.O (có trụ sở tại Cộng hòa Czech) do ông Otto De Jager làm đại diện và Công ty TNHH Gia Hân trụ sở đóng tại phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã gây xôn xao dư luận.
Tại buổi gặp gỡ do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức vào chiều ngày 24/8, Luật sư Nguyễn Thanh Truyền, đại diện quyền lợi và nghĩa vụ của Công ty TNHH Gia Hân cho biết Global Home đặt cọc cho Gia Hân 10.000 USD. Sau khi đặt hàng thì có đơn gia công ngay, nhưng thanh toán sau 30-37 ngày. Cứ xong mỗi đơn hàng là có đơn hàng mới. Doanh nghiệp bị cuốn vào vòng quay bỏ tiền vốn rất nhiều. Khoản nợ thanh toán thường là theo tỷ lệ 40-60, bao giờ cũng gối lại một ít. Số nợ đến tháng 7/2015 là 493.000 USD, bao gồm tất cả các khoản nợ gối đầu của Gia Hân.
Cũng tại buổi gặp nói trên của HAWA, ngoài Công ty Gia Hân, một số công ty đã lên tiếng phản ánh Công ty Global Home bằng nhiều cách khác nhau đã trì hoãn việc trả nợ. Như thông tin được đại diện Công ty Việt Mỹ chia sẻ rằng sau 10 đơn hàng thì Global nợ lại 120.000 USD, hiện họ còn nợ Công ty Việt Mỹ 66.000 USD từ ngày 8/5/2012 đến nay. Về lý do không trả tiền, Global Home trả lời chung chung rằng do hàng giao không đúng chất lượng và không đúng tiến độ mà không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Doanh nghiệp Việt phải cẩn trọng trong các giao dịch thương mại quốc tế (Ảnh: Gỗ Việt)
Tương tự, đại diện Công ty Cửu Long Furniture cho hay từ năm 2013, Cửu Long với Global đã bắt đầu làm ăn với nhau. Hợp đồng do Global Home soạn và gửi sang, Cửu Long tự điền số lượng vào theo năng lực. Tuy nhiên, khi Global Home thanh toán được 60.000 USD thì xảy ra việc Cửu Long gặp khó khăn do công nhân đình công vì thiếu lương. Khi đó, Global nợ Cửu Long 119.0000 USD nhưng họ phạt hợp đồng 122.000 USD, cộng thêm khoản tiền cọc nữa thì Cửu Long từ chủ nợ bỗng thành con nợ. Theo chia sẻ của đại diện Cửu Long, doanh nghiệp này đã đành phải ký vào biên bản thanh lý hợp đồng, điều chỉnh số tiền phạt về bằng 0 để tiếp tục có đơn hàng từ phía Global Home để làm. Sau đó, Cửu Long thoát khỏi cảnh khó khăn nên công ty không hợp tác với Global Home nữa.
Bài học nào cho doanh nghiệp Việt?
Từ vụ việc của Công ty Gia Hân hay của một số doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là bài học đắt giá đối với các doanh nghiệp trong nước khi làm ăn với đối tác nước ngoài. Các chuyên gia chỉ ra rằng, trước sức ép phải có đơn hàng để duy trì đội ngũ công nhân đông đảo đã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ vội vã trong việc xúc tiến làm ăn với các đối tác nước ngoài, dẫn đến “hớ hênh” trong các điều khoản hợp đồng và chịu thiệt thòi.
Theo chia sẻ của Luật sư Nguyễn Thanh Truyền, đại diện quyền lợi và nghĩa vụ của Công ty Gia Hân thì doanh nghiệp này ký hợp đồng F.O.B với Global Home từ năm 2012. Cá nhân Luật sư Truyền nhận định có rất nhiều điều khoản bất lợi cho doanh nghiệp Việt.
Luật sư Truyền lấy ví dụ, hợp đồng quy định nếu phát sinh tranh chấp thì dùng luật của Vương quốc Anh, giải quyết tại trọng tài Hồng Kông. Doanh nghiệp dường như không hề quan tâm đến chi tiết bên trong hợp đồng, nhìn lại hợp đồng là thấy mình thua. Ở đây, doanh nghiệp không biết tiền thuê luật sư ở Hồng Kông mất tới 2000-2500 USD/giờ. Chỉ riêng việc chuẩn bị hồ sơ cần phải mất tới 25-30 giờ, do vậy doanh nghiệp bị thiệt hại kép. Bên cạnh đó, thủ tục phán quyết trọng tài phải kéo dài mất 6 tháng tới cả năm.
Trong khi đó, việc công nhận và thi hành các bản án của trọng tài nước ngoài ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Điều đó dẫn đến hệ luỵ doanh nghiệp mất lòng tin khi làm việc với đối tác nước ngoài.
Một điểm đáng lưu ý được luật sư đại diện Công ty Gia Hân chia sẻ là Global Home sử dụng thủ thuật như 5g sáng gửi email, yêu cầu xác nhận trả lời email này mới tổ chức cuộc họp gặp mặt. 3 tiếng sau Global Home gửi email khẳng định là vì Gia Hân không trả lời nên huỷ, trong khi đó pháp luật không quy định điều khoản bao lâu thì phải trả lời email. Nếu vụ việc đưa ra trọng tài quốc tế thì đây có thể là điều khoản bất lợi cho Gia Hân khi cho rằng đó là sự thiếu hợp tác.
Nhìn nhận vụ việc của Công ty Gia Hân và Global Hoome, Enternews đã dẫn lời của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) rằng “Vì quá nôn nóng muốn bán được hàng hóa, dịch vụ, nhiều doanh nghiệp Việt đã chấp nhận những giao dịch thương mại có giá trị lớn mà không cần hợp đồng bằng văn bản và chỉ dựa vào sự tin cậy lẫn nhau. Không ít trường hợp các đối tác nước ngoài cố tình gây trắc trở trong quá trình đàm phán hợp đồng để khỏi phải ký kết hợp đồng thương mại”.
Theo nhận xét của một chuyên gia pháp lý, doanh nghiệp Việt Nam đã không quan tâm và lường trước những rủi ro tiềm ẩn trong những hợp đồng mua bán quốc tế. Đối tác nước ngoài có thể ngoại gài chỗ này một chút, chỗ kia một chút, kể cả trong định nghĩa họ cũng cài cắm những điều có lợi cho họ trong đó. Vì thế đã đến lúc doanh nghiệp phải có nhân sự pháp lý.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu chỉ giao dịch qua thư điện tử, không mở L/C, không nhận đặt cọc hay ứng trước tiền thì là hành động rất liều lĩnh. Vì thế, bài học với các doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế và thậm chí kể cả giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau thì các doanh nghiệp không thể chủ quan và quá vội vàng vì bất kỳ lý do nào. Những nguyên tắc cơ bản như tính pháp lý của các hợp đồng, tìm hiểu đối tác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cách thức chi trả, cơ quan giải quyết tranh chấp… đều phải tính đến từ trước.
Lan Trần
————————————-
Công lý (Kinh doanh) 26-8-2016:
(235/1.324)