217a. Luận cứ Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ACB

(ANVI) – Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm bị truy tố về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Kinh doanh trái phép, Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, do TAND thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm 20/5 – 09/6/2014.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC trình bày tại Phiên toà ngày 29-5-2014.

Kính thưa: Hội đồng Xét xử!

Tôi là Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Theo Cáo trạng số 10/VKSTC-V1 ngày 10-02-2014, thì ACB bị thiệt hại tổng cộng 1.406.631.784.540 đồng do các hành vi phạm tội gây ra. Chính từ thiệt hại này, nên đã truy tố một loạt lãnh đạo cao cấp của ACB, đồng thời buộc ACB phải trở thành Nguyên đơn dân sự trong vụ án.

Tôi xin trình bày Luận cứ về việc này, gồm 4 phần như sau:

Thứ nhất: Về việc ACB không phải là Nguyên đơn dân sự trong vụ án;

Thứ hai: Về khoản tiền 687.723.784.540 đồng đầu tư cổ phiếu;

Thứ ba: Về khoản tiền 718.908.000.000 đồng ủy thác đầu tư;

Thứ tư: Kết luận và kiến nghị.

1. Về việc ACB không phải là Nguyên đơn dân sự trong vụ án:

1.1. Thứ nhất, ACB chưa có thiệt hại, thể hiện bằng các Công văn của ACB gửi các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể như sau:

  • Đối với khoản tiền 687.723.784.540 đồng liên quan đến việc đầu tư cổ phiếu, ACB khẳng định mình hoàn toàn không bị thiệt hại (Công văn số 9166/CV-BTGĐ.13 ngày 07-11-2013 của ACB V/v “Đề nghị xem xét vụ việc liên quan đến ACBS trong vụ án Nguyễn Đức Kiên”);
  • Đối với khoản tiền 718.908.000.000 đồng gửi tại VietinBank thì ACB đang khởi kiện yêu cầu VietinBank hoàn trả. Do đó chưa thể xác định ACB bị thiệt hại số tiền này (Công văn số 1820/CV-BTGĐ.14 ngày 18-3-2014 của ACB về “Trách nhiệm của Ngân hàng Công thương đối với số tiền 718,908 tỷ đồng trong Vụ án Nguyễn Đức Kiên”).

1.2. Thứ hai, ACB không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong vụ án này, ACB không có văn bản nào yêu cầu Bị đơn dân sự là các bị cáo hay cá nhân nào khác phải bồi thường thiệt hại. Đặc biệt đối với khoản tiền 617,908 tỷ đồng gửi tại VietinBank, thì người bị thiệt hại chỉ có thể là VietinBank, chứ không phải là ACB.

1.3. Thứ ba, tư cách Nguyên đơn là tự nguyện:

  • Việc một pháp nhân có phải là hay không phải là Bị đơn dân sự thì không thể do họ tự quyết định, mà phải là bị đơn theo quy định tại khoản 1, Điều 53 về “Bị đơn dân sự”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: “ Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.”
  • Nhưng việc một pháp nhân nào đó có phải là hay không phải là Nguyên đơn dân sự thì hoàn toàn phải là do ý chí, nguyện vọng của họ, với 2 điều kiện, điều kiện cần là “bị thiệt hại do tội phạm gây ra” và điều kiện đủ là “có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại” theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 52 về “Nguyên đơn dân sự”, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
  • Nguyên đơn dân sự và Bị đơn dân sự là một cặp phạm trù tất yếu của một vấn đề trong một vụ án, như thể ngày với đêm, sáng với tối, trắng với đen. Do đó, nếu không có Bị đơn dân sự thì cũng không thể có Nguyên đơn dân sự, đặc biệt là đối với khoản tiền 718,908 tỷ đồng gửi tại VietinBank trong vụ án này.
  • ACB không có cả 2 điều kiện cần và đủ nói trên, vì họ đã không thừa nhận mình bị thiệt hại và cũng không yêu cầu các bị cáo trong vụ án này hay vụ án khác phải bồi thường thiệt hại. Vậy thì Nhà nước không thể bắt ACB phải là Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự này khi mà họ không đủ điều kiện để trở thành Nguyên đơn dân sự theo quy định của pháp luật và không thừa nhận quyền này.

2. Về khoản tiền 687.723.784.540 đồng đầu tư cổ phiếu:

2.1. Cáo trạng nêu 6 ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải chỉ đạo Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB là:

  • Làm trái quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 29 về “Hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán”, Quy chế Tổ chức và hoạt động của công ty chứng khoán, ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC ngày 24-4-2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Công ty chứng khoán không được “a) Đầu tư vào cổ phiếu hoặc phần vốn góp của công ty có sở hữu trên 50% vốn điều lệ của công ty chứng khoán”;
  • Gây thiệt hại 687.723.784.540 đồng.

2.2. Về việc này, ACB và ACBS đã khẳng định bằng các văn bản và ý kiến tại Phiên tòa như sau:

  • Thứ nhất: ACBS không đầu tư vào cổ phiếu của ACB. Cuộc họp giao ban của HĐQT ACB chỉ ra Nghị quyết giao cho Hội đồng đầu tư “mua một số ít cổ phiếu có giá tốt và tính thanh khoản cao”. Sau đó Hội đồng đầu tư ACB đã chấp thuận cho ACBS hợp tác đầu tư với một số công ty mua cổ phiếu. ACBS không trực tiếp mua cổ phiếu của ACB, mà chỉ là hợp tác với 2 Công ty ACI và ACI Hà Nội và 2 Công ty này mới là người đầu tư vào cổ phiếu của ACB, là cổ đông ACB và chủ sở hữu của các cổ phiếu ACB;
  • Thứ hai: ACB không hề bị thiệt hại 723.784.540 đồng như Cáo trạng nêu;
  • Thứ ba: ACB không yêu cầu ai phải bồi thường thiệt hại cho mình (nếu có).

Vậy thì pháp luật không thể cứ bắt ACB phải nhận là bị thiệt hại và và phải nhận bồi thường. Điều này đã được thể hiện rõ tại Công văn số 9166/CV-BTGĐ.13 ngày 07-11-2013 của ACB V/v “Đề nghị xem xét vụ việc liên quan đến ACBS trong vụ án Nguyễn Đức Kiên”.

3. Về khoản tiền 718.908.000.000 đồng ủy thác đầu tư:

3.1. Cáo trạng đã nêu tại trang 19 như sau: “Nghị quyết của Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng ACB về việc ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm (được ban hành từ ngày 22-3-2010 và được thực hiện đến ngày 05-9-2011) mặc dù Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác” nên “đã vi phạm Điều 106, Luật Các tổ chức tín dụng và gây thiệt hại cho ACB số tiền 718.908.000.000 đồng”. Đó là nhận định không đúng pháp luật và không đúng thực tế vì 3 lý do dưới đây:

3.2. Thứ nhất, ACB không làm trái pháp luật khi NHNN chưa có hướng dẫn, vì các lý do sau đây:

  • Lời luận tội của vị Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, việc ủy thác là trái với đối tượng nhận ủy thác đã được quy định tại khoản 2, Điều 2 về “Đối tượng áp dụng”, Quy định về ủy thác và nhận ủy thác cho vay vốn của TCTD ban hành kèm theo Quyết định số 742/2002/QĐ-NHNN ngày 17-7-2002 của Thống đốc NHNN. Đây là một nhận định sai lầm, vì ủy thác cho vay và ủy thác gửi tiền là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau, trong khi Quyết định số 742/2002/QĐ-NHNN chỉ điều chỉnh về ủy thác cho vay.
  • Việc ACB ủy thác gửi tiền là không trái với quy định tại Điều 106 về “Nghiệp vụ ủy thác và đại lý”, Luật Các TCTD năm 2010: “Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.”. Việc này cũng đã được NHNN Việt Nam thừa nhận tại Công văn số 350/NHNN-TTGSNH.m ngày 17-5-2012 gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an V/v “xác định sai phạm một số ngân hàng TMCP” như sau: “Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép ACB được thực hiện nghiệp vụ uỷ thác trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng.” (Bút lục 29.685).
  • Trong phần xét hỏi tại Phiên tòa vào hồi 08h50 ngày 24-5-2014, ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh Thanh tra Giám sát, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng đã khẳng định: Công văn số 350 chỉ là văn bản trao đổi nghiệp vụ và chỉ dựa vào câu hỏi của Cơ quan điều tra, không có hồ sơ nào khác. Việc xác định ACB có vi phạm hay không cần phải có nhiều căn cứ hơn. Tức không khẳng định việc ACB gửi tiền tại VietinBank là sai phạm. Như vậy, việc Công văn số 350/NHNN-TTGSNH.m viết như sau: “việc ACB thực hiện nghiệp vụ uỷ thác đối với 19 nhân viên của ACB khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm quy định tại Điều 106 Luật các TCTD năm 2010” là không có căn cứ pháp lý. Cho đến tận hôm nay, trang web của NHNN và trang Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, công bố 115 bộ thủ tục hành chính thuộc phạm vi NHNN, được ban hành kèm theo Quyết định số 1778/QĐ-NHNN ngày 29-7-2009 của Thống đốc NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) cũng không hề có thủ tục nào cấp phép hoạt động ủy thác.

3.3. Thứ hai, việc gửi tiền của các nhân viên ACB tại VietinBank là không trái pháp luật, vì các lý do sau đây:

  • Việc bản luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng các nhân viên ACB đã không đến giao dịch tại VietinBank, mà đều thông qua chị Huỳnh Thị Bảo Ngọc và chị Tố Quyên giao dịch với Huỳnh Thị Huyền Như. Đây là điều không đúng sự thật. Việc chị Ngọc cung cấp trước thông tin để soạn thảo chuẩn bị hồ sơ giao dịch là việc làm hoàn toàn bình thường và hợp pháp. Kể cả việc nếu khách hàng không đến giao dịch ở ngân hàng, nhưng đã thực hiện các giao dịch thật, thì cũng vẫn hợp pháp. Chính VietinBank và nhiều ngân hàng khác cũng có hình thức dịch vụ giao dịch tại nhà khách hàng. Nhưng vấn đề mấu chốt là trong trường hợp này, VietinBank đã thừa nhận các tài khoản cá nhân và 32 hợp đồng gửi tiền đều là hợp pháp, hợp lệ (các Bút lục 29.681, 29.684). Và đặc biệt Huyền Như đã khai rõ tại Biên bản hỏi cung bị can hồi 9h ngày 03-5-2012 về việc huy động tiền của ACB (Bút lục 29.592) như sau:

Thông qua chị Ngọc làm ở bộ phận nguồn vốn của Ngân hàng Á Châu (ACB) tôi huy động vào Ngân hàng Công thương – HCM bằng hợp đồng tiền gửi thật (do chị Hương, anh Hoàng ký) với tổng số tiền trên 600 tỷ đồng. Về thủ tục tôi yêu cầu bên ACB cung cấp thông tin khách hàng để tôi làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank HCM trước, sau đó ACB chuyển hồ sơ mở tài khoản cho tôi sau. Chị Ngọc là người đọc cho tôi các thông tin từng khách hàng cá nhân (là người của ACB), tôi yêu cầu bên ACB chuyển tiền vào tài khoản của các khách hàng cá nhân này rồi soạn thảo sẵn các hợp đồng và các khách hàng này đến Ngân hàng Công thương trực tiếp ký các hợp đồng và tôi chuyển lên chị Hương hoặc anh Hoàng ký các hợp đồng tiền gửi.

  • Việc bản luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng các nhân viên ACB có sai phạm do việc gửi tiền vượt trần lãi suất. Tuy nhiên lãi suất vượt trần sai, thì pháp luật chỉ không thừa nhận phần sai, chứ không thể phủ nhận số tiền gửi là thuộc sở hữu hợp pháp của ACB phải được pháp luật bảo vệ và cũng không có mối liên hệ pháp lý nào giữa việc lãi suất cao với tiền gửi bị rút, bị chuyển khỏi tài khoản tiền gửi.
  • Việc bản luận tội của vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng, các nhân viên ACB gửi tiền nhưng không giữ thẻ tiết kiệm, là sơ hở để tội phạm lợi dụng.

+ Sự thật là 17 nhân viên ACB đã gửi tiền bằng 32 hợp đồng theo hình thức Hợp đồng tiền gửi, đã giữ các Hợp đồng tiền gửi hợp pháp do các Phó Giám đốc VietinBank HCM ký tên, đóng dấu. Khách hàng giao dịch theo loại hình nào thì nhận loại giấy tờ chứng nhận tiền gửi đó. Nếu gửi dưới hình thức mua chứng chỉ tiền gửi thì giữ Chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng. Nếu gửi dưới hình thức mua kỳ phiếu ngân hàng thì giữ kỳ phiếu. Nếu gửi tiết kiệm thì giữ thẻ tiết kiệm. Và nếu gửi theo hợp đồng gửi tiền thì đương nhiên là giữ Hợp đồng gửi tiền. Vì vậy, việc chỉ giữ Hợp đồng gửi tiền là hoàn toàn đúng đắn, hợp pháp, hợp lệ. Đối với một số thẻ tiết kiệm, VietinBank lập ra nhưng đã không giao cho khách hàng thì lỗi cũng hoàn toàn thuộc về ngân hàng, vì khách hàng không lập và ký thẻ, hai bên cũng không lập thẻ mà hoàn toàn do Vietinbank lập. Hơn thế nữa, dù khách hàng có mất thẻ tiết kiệm thì cũng không thể mất được tiền, vì muốn rút được tiền thì phải bảo đảm sự khớp đúng về chữ ký và chứng minh dân dân.

+ Các khoản tiền gửi của các nhân viên ACB là tiền gửi theo Hợp đồng tiền gửi chứ không phải là gửi theo loại hình tiền gửi tiết kiệm. Hệ thống tài khoản kế toán các TCTD, ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ- NHNN ngày 29-4-2004 của Thống đốc NHNN (đã được sửa đổi bổ sung theo các Quyết định số 1146/2004/QĐ-NHNN ngày 10-9-2004 và số 807/2005/QĐ-NHNN ngày 01-6-2005), đã phân định rõ các tài khoản tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng như sau:

TTSố Tài khoảnNội dungDiễn giải
1.42Tiền gửi của khách hàng
2.421Tiền gửi của khách hàng trong nước bằng đồng Việt NamTài khoản này dùng để phản ảnh số tiền đồng Việt Nam của khách hàng trong nước gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, vốn chuyên dùng tại Ngân hàng
3.4211Tiền gửi không kỳ hạn
4.4212Tiền gửi có kỳ hạn
5.423Tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Việt NamTài khoản này dùng để phản ảnh số tiền đồng Việt Nam của khách hàng gửi vào Ngân hàng theo các thể thức tiền gửi tiết kiệm.
6.4231Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn
7.4232Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn

+ Do vậy, nội dung thoả thuận trong các Hợp đồng gửi tiền: “Bên A đồng ý cho Bên B tự động trích số tiền nêu trên từ tài khoản số […] của Bên A tại NHTCMP CTVN – Chi nhánh TP.HCM sang tài khoản tiền gửi kỳ hạn, trả lãi sau”, có nghĩa là trích tiền từ tài khoản Tiền gửi không kỳ hạn 4211 sang tài khoản Tiền gửi có kỳ hạn 4212. Các tài khoàn này khác hẳn với các tài khoản Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn 4231 và Tiền tiết kiệm có kỳ hạn 4232. Vì vậy, nội dung thỏa thuận này là hoàn toàn bình thường, đúng pháp luật và không phải là điểm sơ hở để tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng.

3.4. Thứ ba, VietinBank phải có trách nhiệm trả lại tiền gửi của ACB, vì các lý do sau đây:

  • Số tiền gửi đã được VietinBank hạch toán vào hệ thống của Vietinbank và tài khoản hợp pháp của khách hàng:

+ Điều này đã được thể hiện tại Biên bản làm việc ngày 28-11-2011 tại Trụ sở VietinBank HCM giữa Cục Cảnh sát kinh tế – Bộ Công an với VietinBank HCM do ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh làm đại diện, trong đó đã ghi nhận rõ như sau:

“Qua kiểm tra số liệu trên hệ thống VietinBank – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thấy: Từ ngày 27/6/2011 đến 05/09/2011, 17 cá nhân là nhân viên ACB có chuyển khoản số tiền 668,908 tỷ đồng về tài khoản thanh toán của các cá nhân tại VietinBank – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, sau đó chuyển sang tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của 13 cá nhân với tổng số tiền gửi 555,118 tỷ đồng.”

+ Tại Công văn số 2641/TGĐ-NHCT1 ngày 26-02-2014 của Tổng Giám đốc VietinBank V/v “Báo cáo bổ sung những nội dung cho vay, xử lý TSBĐ” cũng đã nêu rõ: Số dư các tài khoản của các nhân viên ACB “tính đến ngày 30-9-2011 là 22.975.275.802 đồng, tính đến ngày 21-01-2014 là 24.078.087.213 đồng” (Bút lục 29.684). Số tiền còn lại này không bị phong tỏa và được VietinBank tính lãi đều đặn. Tức là số tiền gửi nói chung cũng như số dư tiền gửi này là hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ.

+ 32 hợp đồng gửi tiền là cụ thể chứ không phải là hợp đồng nguyên tắc. Không ai ký với mỗi người gửi tiền 2 hợp đồng nguyên tắc chỉ trong vòng 2,5 tháng, với các nội dung tương tự như nhau. Trên thực tế 2 bên cũng không ký thêm bất kỳ hợp đồng nào khác.

  • Huỳnh Thị Huyền Như hay bất kỳ ai khác của VietinBank giao dịch nhận tiền gửi của khách hàng, là nhận tiền vào cho ngân hàng, chỉ mang lại lợi ích, chứ không gây rủi ro cho VietinBank:

+ Tiền gửi chỉ mất, chỉ rủi ro khi bị rút khỏi VietinBank. Chính vì vậy, Công văn số 2642/TGĐ-NHCT1 ngày 26-02-2014 V/v: “Báo cáo giải trình về các nội dung kiến nghị của Đại diện VKSND TPHCM tại Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Bút lục 29.677) đã viết như sau:

Sau khi sự việc xảy ra, NHCTVN đã tiến hành rà soát toàn bộ hợp đồng tiền gửi, đối chiếu xác nhận số dư tiền gửi với 100% khách hàng gửi tiền và kiểm tra toàn diện hoạt động của CN TPHCM. Kết quả cho thấy không có bất kỳ rủi ro nào đối với hoạt động tiền gửi tại các PGD cũng như tại Chi nhánh, ngoại trừ các trường hợp có sự thỏa thuận về khoán chênh lệch ngoài hợp đồng giữa Huỳnh Thị Huyền Như với các cá nhân/đại diện Tổ chức đã ký Hợp đồng tiền gửi”.

+ Giao dịch gửi tiền thật, người gửi thật, hợp đồng thật, chữ ký thật, con dấu thật, tài khoản thật, tiền gửi thật, ngân hàng nhận thật. Như vậy, nếu có rủi ro gì cho VietinBank thì chỉ là đối với phần lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng. Và đó cũng chính là phần rủi ro đối với người gửi tiền trong vụ án này. Ngân hàng đã nhận tiền thật vào tài khoản và quỹ két của mình thì phải có trách nhiệm trả lại tiền thật cho khách hàng. Việc mất tiền sau này là hoàn toàn do nội bộ VietinBank tự gây nên, nhưng đã đẩy hết cho khách hàng gánh chịu hậu quả.

  • Việc gửi tiền vào VietinBank không sai, không sơ hở, không tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng:

+ Chỉ có một bằng chứng duy nhất có thể cho rằng Huyền Như có ý định lừa đảo từ trước khi nhận tiền gửi. Đó là việc Như đã đánh tráo 2 bộ hồ sơ mở tài khoản, với số tiền gửi 50 tỷ đồng. Đối với số tiền gửi 668,908 tỷ đồng còn lại, nếu có ý đồ lừa đảo từ trước, thì đã không bao giờ có 32 hợp đồng gửi tiền mà tất cả đều là thật và hoàn toàn khớp đúng. Điều này hoàn toàn thống nhất với lời khai của Huyền Như, Quyền Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ tại Biên bản hỏi cung bị can hồi 9h ngày 03-5-2012 về việc huy động tiền của ACB (Bút lục 29.593), như sau:

Thực tâm lúc đầu tôi không có ý định sẽ dùng số tiền này vào mục đích cá nhân gì cả nhưng do khoảng tháng 8, tháng 9/2011 phát sinh nhiều áp lực trả nợ các món vay từ trước nên tôi đã làm sai, đã dùng nhiều cách để lấy tiền của ACB sử dụng vào mục đích cá nhân.”.

Vì vậy, lời khai lại tại Phiên toà của Như rằng, có ý định chiếm đoạt từ trước khi giao dịch là không có cơ sở, là “chạy tội” cho VietinBank một cách vô căn cứ.

+ Đồng thời Như cũng đã khai tại Phiên tòa hồi 10h55 ngày 24-5-2014 rằng: Tự mở sổ tiết kiệm, tự tất toán chuyển tiền đi bằng các hợp đồng, hồ sơ thật về hình thức, nhưng là giả về nội dung, giả về bản chất. Trước đó, Như cũng đã khai rõ tại Biên bản hỏi cung bị can hồi 14h ngày 03-5-2012 về việc vay tiền tại VietinBank cầm cố các số tiết kiệm của ACB và Navibank như sau:

Do cần có tiền gấp để trả các món vay nợ đến hạn, tôi đã tự ý làm các thẻ tiết kiệm đứng tên các khách hàng cá nhân của Nam Việt và ACB để thế chấp vay tiền của VietinBank – CN Hồ Chí Minh tại Phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng). (Các cá nhân này có đứng tên trên các hợp đồng tiền gửi ký thật với VietinBank – Hồ Chí Minh).” (Bút lục 29.594)

+ Trong phần xét hỏi tại Phiên tòa vào hồi 14h45 chiều thứ Sáu ngày 23-5-2014, Đại diện VietinBank cũng đã trả lời rõ: Quy trình ký 32 hợp đồng gửi tiền giữa VietinBank với các nhân viên ACB là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và của VietinBank, vì việc xây dựng hồ sơ toàn toàn hợp lệ, khi ký không có dấu hiệu gì gian dối. Mọi thứ sai phạm chỉ phát sinh từ sau khi ký hợp đồng và sau khi tiền đã vào tài khoản tại VietinBank.

+ Như vậy tại thời điểm các nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank, thì giao dịch là hợp pháp, hợp lệ, không phải là lý do, điều kiện để tội phạm lợi dụng.

+ Về trách nhiệm của chủ tài khoản: “Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD”, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc NHNN không quy định trách nhiệm quản lý tài khoản của khách hàng. Theo khoản 2, Điều 10 về “Trách nhiệm của chủ tài khoản”, Quy chế này, thì chủ tài khoản có trách nhiệm như sau “Tự tổ chức hạch toán, theo dõi số dư trên tài khoản, đối chiếu với Giấy báo Nợ, Giấy báo Có, hoặc Giấy báo số dư tài khoản do Ngân hàng nơi mở tài khoản gửi đến.”. Như vậy, chủ tài khoản có 2 trách nhiệm rõ ràng là: Hạch toán, theo dõi số dư để nắm bắt, sử dụng số tiền trong tài khoản của mình và chỉ đối chiếu với Giấy báo khi VietinBank gửi đến.

  • VietinBank phải có trách nhiệm trả lại tiền gửi của các khách hàng là nhân viên ACB, vì:

+ VietinBank đã ký hợp đồng gửi tiền như đối với hàng vạn khách hàng khác;

+ VietinBank đã nhận tiền gửi như đối với hàng vạn khách hàng khác;

+ VietinBank đã hạch toán tiền gửi như đối với hàng vạn khách hàng khác;

+ VietinBank đã sử dụng tiền gửi như đối với hàng vạn khách hàng khác;

+ VietinBank đã quản lý tiền gửi như đối với hàng vạn khách hàng khác;

+ VietinBank đã sơ hở, chủ quan, dễ dãi, yếu kém và phá bỏ những nguyên tắc cơ bản, nên đã chấp nhận thẻ tiết kiệm giả, chứng từ giả, hồ sơ giả, chữ ký giả để tội phạm rút tiền khỏi tài khoản của khách hàng, đồng thời cũng là rút tiền thẳng từ trong kho két, “ruột gan” của mình. Là ngân hàng cung cấp dịch vụ và trực tiếp quản lý tài khoản, VietinBank không thể chối bỏ được trách nhiệm “Kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký” đã được khẳng định rõ tại khoản 2, Điều 12 về “Trách nhiệm của Ngân hàng”, “Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD”, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc NHNN và quy định tại Điều 18 về “Bồi thường thiệt hại”, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20-9-2001 của Chính phủ về Hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Trong vụ án này, việc VietinBank cho tội phạm rút tiền, chuyển tiền, nhận cầm cố bằng các chứng từ, giấy tờ, hồ sơ giả chữ ký của khách hàng không phải chỉ xảy ra tại chính Phòng giao dịch do Như làm trưởng phòng, mà cả ở nơi khác; không phải chỉ một vài giao dịch mà hàng trăm giao dịch; không phải chỉ trong thời gian Như còn làm trưởng phòng, mà cả khi không còn chức vụ, quyền hạn gì, nhưng vẫn dễ dàng dùng hồ sơ giả, chữ ký giả vay được hàng trăm tỷ đồng tại các Phòng Giao dịch Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, Võ Văn Tần, tại 2 Chi nhánh Hồ Chí Minh và Nhà Bè (lời khai của Như tại các Bút lục 29.578, 29.592 và 29.594);

+ VietinBank đã định đoạt và chiếm đoạt trái pháp luật tiền gửi của khách hàng bằng việc tự động và cho phép rút, chuyển tiền gửi của các nhân viên ACB khỏi tài khoản theo lệnh của tội phạm, hoàn toàn ngoài thỏa thuận và ý chí của người gửi tiền. Vì vậy VietinBank đương nhiên phải trả lại tiền gửi, nếu mất thì phải bồi thường cho khách hàng, vì trách nhiệm cơ bản nhất, tối thiểu nhất của ngân hàng là phải quản lý an toàn, chính xác và bảo mật tiền gửi của khách hàng. Ngân hàng nào phủ nhận nguyên tắc này, thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đóng cửa.

+ Vietinbank đã phạm phải một loạt lỗi lầm, sai phạm đặc biệt nghiêm trọng về nghiệp vụ và pháp lý vô cùng nguy hiểm, dẫn đến việc mất tiền, đó là:[1]

– Vietinbank đã rơi vào cái bẫy pháp lý do Như giăng ra, đó là chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi sang tài khoản tiết kiệm cùng ghi tên 1 người, vì vậy đã tuỳ tiện, dễ dãi, chủ quan, bỏ qua mọi nguyên tắc, nhầm lẫn, sai trái, phạm pháp;

– Vietinbank đã sập bẫy gian dối chết người của Như, đó là các khoản vay được bảo đảm bằng việc cầm cố thẻ tiết kiệm của chính Vietinbank, vì vậy không nghi ngờ, kiểm tra đúng sai rằng tiền gửi là thật, nhưng nó đã bị chuyển đổi trái phép sang thẻ tiết kiệm, tức thực hiện giao dịch giả để lừa Vietinbank vay tiền;

– Vietinbank đã tự tiện trích tiền từ tài khoản tiền gửi tiết kiệm giả do Như dựng nên để tất toán các khoản vay đến hạn, vì vậy đã phạm phải một lỗi sơ đẳng nhưng đặc biệt nghiêm trọng, đó là định đoạt trái phép tài sản là tiền gửi của khách hàng;

– Vietinbank đã nhầm lẫn, sai lầm đặc biệt nghiêm trọng khi cho rằng việc mất tiền là do khách hàng đã gửi tiền vào Vietinbank theo sự dẫn dắt của Như, trong khi yếu tố mấu chốt duy nhất, quyết định việc mất tiền là việc Như gian dối, lừa đảo Vietinbank để rút được tiền ra khỏi Vietinbank, chiếm đoạt tiền của chính Vietinbank bằng 3 nhóm giao dịch sau:

+ VietinBank đã tự trích tiền gửi của khách hàng để thu 514,54 tỷ đồng nợ gốc của các hợp đồng vay giả, hợp đồng cầm cố (bảo lãnh) giả, bằng 83 thẻ tiết kiệm giả đứng tên các nhân viên ACB;

+ VietinBank đã tất toán 16 thẻ tiết kiệm, chuyển đi 81,068 tỷ đồng theo 16 lệnh chi giả, chữ ký giả của 9 nhân viên ACB;

+ VietinBank đã thực hiện việc chuyển 54,29 tỷ đồng khỏi hợp đồng tiền gửi theo các lệnh chi giả, chữ ký giả của các nhân viên ACB.

Những sai phạm đó là nguyên nhân trực tiếp, quyết định và duy nhất dẫn đến việc rút, chuyển 668,908 tỷ đồng khỏi tài khoản của khách hàng, chiếm khoảng 93% trong tổng số tiền gửi. Và chính vì sai trái có tính hệ thống, với cả một dây chuyền như vậy, nên một loạt cán bộ, nhân viên của VietinBank đã bị truy tố và xét xử hình sự.

+ Với những sai phạm của VietinBank và nhân viên VietinBank như trên, có thể khẳng định rằng, dù người gửi tiền có tuyệt đối làm đúng, làm đủ mọi thủ tục, dù có chặt chẽ, cẩn trọng, cảnh giác và trách nhiệm cao đến đâu đi chăng nữa, thì cũng không thay đổi được tình thế. Vì nguyên nhân, lý do và thực tế quyết định việc mất tiền là đã bị nhân viên VietinBank rút, chuyển, làm mất tiền bằng hồ sơ giả, hợp đồng giả, lệnh chi giả, chữ ký giả. Điều này là hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát và nằm ngoài trách nhiệm của khách hàng. Nếu người gửi tiền có nghi ngờ lừa đảo tại VietinBank, có theo dõi chặt tài khoản tiền gửi hằng ngày, thì cũng chỉ có thể phát hiện được sự việc sau khi đã mất tiền, sau khi tội phạm đã hoàn thành, chứ không thể có cách gì bảo vệ, ngăn chặn được hành vi lừa đảo do chính nội bộ ngân hàng đang giữ tiền gửi là VietinBank thực hiện.

+ Tất cả những sai sót, vi phạm của phía ACB mà Cáo trạng và ý kiến Luận tội nêu ra là: Thỏa thuận lãi suất cao, giao dịch đều do chị Ngọc và chị Quyên thực hiện với Như, không giữ thẻ tiết kiệm, không theo dõi số dư, không nhận giấy báo số dư đều chỉ là những sai sót thứ yếu, không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả mất tiền. Việc mất tiền trong các tài khoản của nhân viên ACB là do Như đã chiếm đoạt tiền của VietinBank nhưng VietinBank đã lấy tiền của ACB thế vào. Nguyên nhân mất tiền là VietinBank đã bị Như lừa đảo rút tiền, chuyển tiền, tất toán giao dịch tiền gửi bằng các hồ sơ, giấy tờ giả. Cạm bẫy của Như giăng ra đối với người gửi tiền chỉ dẫn đến một kết quả duy nhất là khách hàng mang tiền gửi vào Vietinbank, còn việc mất tiền hoàn toàn là do Vietinbank đã bị trúng bẫy lừa đảo của Huyền Như.

+ Do vậy, ACB đã, đang và sẽ tiếp tục yêu cầu VietinBank phải trả lại 718.908 tỷ đồng tiền gửi cho khách hàng, tức là phải “Chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình.” theo đúng quy định tại khoản 8, Điều 12 về “Trách nhiệm của Ngân hàng”, “Quy chế Mở và sử dụng tài khoản tiền gửi tại NHNN và TCTD”, ban hành kèm theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN2 ngày 21-11-2002 của Thống đốc NHNN.

  • Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 159 về “Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011, thì hàng trăm năm sau ACB vẫn có quyền đòi VietinBank trả lại tiền gửi, vì đó là đòi lại quyền sở hữu đối với tài sản là tiền gửi, nên không bao giờ hết thời hiệu khởi kiện. Vì vậy, nếu VietinBank chưa bị phá sản, thì sớm hay muộn cũng sẽ phải trả món nợ này.

4. Kết luận và kiến nghị:

4.1. Thứ nhất, ACB hoàn toàn có quyền theo luật định và thực tế đã khẳng định có căn cứ pháp lý rằng họ chưa bị thiệt hại và cũng không yêu cầu các tội phạm bồi thường thiệt hại. Do vậy, xác định ACB là Nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự này là vi phạm pháp luật.

4.2. Thứ hai, khoản tiền 687.723.784.540 đồng của ACB liên quan đến việc đầu tư mua cổ phiếu là không sai pháp luật; đồng thời ACB không bị thiệt hại và không yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại.

4.3. Thứ ba, ACB không vi phạm pháp luật khi NHNN chưa có hướng dẫn. Khoản tiền gửi 908.000.000 đồng của các nhân viên ACB đã được VietinBank chấp nhận, quản lý và sử dụng đúng pháp luật, chỉ riêng tất toán và định đoạt là trái pháp luật một cách đặc biệt nghiêm trọng. Những sai phạm của VietinBank và nhân viên VietinBank là nguyên nhân trực tiếp, quyết định và duy nhất dẫn đến hậu quả mất tiền trong tài khoản, vì vậy VietinBank phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và có nghĩa vụ trả lại số tiền gửi này.

4.4. Cuối cùng xin đề nghị HĐXX kiến nghị với các cơ quan lập pháp và hành pháp xem xét lại việc xây dựng, giải thích và áp dụng pháp luật, để tránh gây ra sự hoang mang, lo ngại, khốn khổ, nguy hiểm, oan ức cho các doanh nghiệp và cá nhân; không thể biết phải làm thế nào thì mới an toàn pháp lý; lăn lộn vất vả kinh doanh, nộp thuế cho Nhà nước nhưng không thể biết khi nào và thế nào thì vi phạm, tù tội. Bộ, ngành soạn thảo và thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Các TCTD đã tạo ra sự tù mù, hiểu thế nào cũng được, thậm chí chính mình cũng không hiểu và hiểu sai, làm sai, giải thích sai luật. Như thế thì khác nào đánh bẫy doanh nhân, treo thòng lọng trước mọi doanh nghiệp.

[1] Phần này chưa nói, để lại phần tranh luận.

(6.000 chữ)

#ACB; #Nguyễn Đức Kiên; #Bầu Kiên; #Huyền Như; #Vietinbank

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,980