Đòi nợ thuê là bảo vệ quyền của chủ nợ
(KTSG) – Đòi nợ thuê là một trong những hoạt động rất cần thiết, thậm chí là sự tất yếu giúp cho việc thu hồi nợ trên thực tế, bảo vệ hữu hiệu quyền của chủ nợ, đồng thời thúc đẩy các giao dịch dân sự liên quan đến vay mượn, nợ nần.
Nhu cầu thuê đòi nợ
Trước hết, việc đòi được nợ là yếu tố quyết định để tồn tại hoạt động cho vay, cho nợ với lịch sử lâu đời và phổ biến khắp thế giới. Và đòi nợ thuê cũng là một hoạt động tất yếu nhằm bảo vệ quyền lợi của chủ nợ nói riêng, quyền sở hữu tài sản nói chung.
Việc chậm thu hồi công nợ, không chỉ thiệt hại to lớn về tiền bạc trong cuộc sống và kinh doanh, mà còn có thể làm cho chủ nợ bị rơi vào tình trạng đổ vỡ, phá sản, bần cùng. Do đó, việc chậm trả nợ, không chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự, mà còn có thể phạm “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu vay, mượn, thuê tài sản của người khác mà dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tiền hoặc có điều kiện mà không trả nợ từ 4 triệu đồng trở lên.
Ngay từ năm 1958, Thông tư liên bộ số 01-VHH-DS ngày 9-1-1958 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã có những quy định nghiêm khắc để xử lý nợ quá hạn cho ngân hàng. Chẳng hạn như quy định, đối với người có khả năng mà không trả nợ, thái độ coi thường chính quyền, thì tùy từng trường hợp mà dùng hình thức họp tổ vay nợ, tổ nông hội, ủy ban xã, huyện để thực hiện các biện pháp như giáo dục, động viên, phê bình, kiểm thảo, cảnh cáo, xử phạt và cam kết trả nợ. Trường hợp thật ngoan cố thì tòa án huyện hoặc sẽ kê biên, tịch thu tài sản và xử tội để thu nợ cho ngân hàng(1).
Do đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ không phải là tạo ra sản phẩm cho xã hội hay mang lại nhiều lợi nhuận cho xã hội, mà là để giải quyết nhu cầu thiết thực của khách hàng, đóng vai trò duy trì, thúc đẩy các hoạt động nói chung, hoạt động cho vay vốn, mua bán hàng hóa, dịch vụ trả chậm, trả dần và rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.
Pháp luật về đòi nợ thuê
Nếu việc đòi nợ do chính chủ nợ thực hiện hoặc yêu cầu tòa án giải quyết đơn giản, dễ dàng và hiệu quả thì chủ nợ đã chẳng cần phải đi thuê dịch vụ đòi nợ. Đặc biệt, chủ nợ phải cân nhắc sự sống còn giữa việc đòi nợ nhanh và việc chờ đợi vài năm chưa giải quyết trong một khoản nợ thông qua tòa án và thi hành án.
Trước năm 2007, mặc dù pháp luật chưa có quy định về hoạt động đòi nợ thuê, thì hoạt động này cũng vẫn diễn ra một cách thường xuyên.
“Kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, hay nôm na là “đòi nợ thuê” lần đầu tiên đã được quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14-6-2007 của Chính phủ về “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Trong đó, điều 11 quy định một số hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ như: “thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan”.
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2014, các doanh nghiệp khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án thì hiệu quả chỉ khoảng 50%, trong khi sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê đạt hiệu quả tới 90%. |
Từ năm 2015 trở đi, đòi nợ thuê được xác định là một trong 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Các ngân hàng là doanh nghiệp cho vay và đòi nợ chuyên nghiệp, nhưng bên cạnh các bộ phận thu hồi nợ, vẫn phải thành lập công ty quản lý, thu hồi, xử lý nợ (AMC), trong đó có phần việc thực chất là đòi nợ thuê từ hai chục năm nay. Tương tự, Chính phủ còn phải thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để thu hồi và xử lý nợ của ngành ngân hàng.
Có thể nói, việc cho phép hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê là sự cam kết cần thiết để hiện thực hóa việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản, nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với một nền kinh tế thị trường.
Phi lý cấm đòi nợ thuê
Việc nhận định dịch vụ đòi nợ thuê là hoạt động xã hội đen và không đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách là từ một chiều. Có lẽ người ta đã đánh đồng các vụ việc tiêu cực, bạo lực do các băng nhóm đòi nợ thuê bất hợp pháp với hoạt động đòi nợ của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ hợp pháp.
Nền kinh tế, xã hội càng phát triển thì càng nhiều thứ phức tạp, càng đòi hỏi chuyên môn hóa và sự phân công lao động cao. Đòi nợ là một nghề khó, một công việc phức tạp, đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng, nghệ thuật, phương pháp nhất định mà người cho vay, cho nợ, bán chịu hàng hóa sành sỏi cũng không dễ gì có được.
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê, sẽ buộc người ta đòi nợ bằng cách thức khác như ủy quyền thực hiện công việc đòi nợ theo quy định của Bộ luật Dân sự mà không cần bất kỳ điều kiện nào. Cho phép đăng ký kinh doanh, hoạt động công khai hợp pháp dù sao cũng dễ quản lý hơn các hoạt động trôi nổi, bất hợp pháp.
Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2014, các doanh nghiệp khởi kiện ra tòa và thu nợ qua cơ quan thi hành án thì hiệu quả chỉ khoảng 50%, trong khi sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê đạt hiệu quả tới 90%.
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê là tước đi một công cụ quan trọng để bảo vệ quyền sở hữu của chủ nợ, tạo thêm rủi ro cho giao dịch kinh tế, dân sự, gây ra sự e ngại trong mọi giao dịch, cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
(1) LS. Trương Thanh Đức, tiểu mục 19.1 “Nợ xấu ngân hàng”, sách Cẩm nang pháp luật ngân hàng, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật 2020.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC
——————
Thời báo Kinh tế Sài Gòn 11-6-2020:
https://www.thesaigontimes.vn/304524/doi-no-thue-la-bao-ve-quyen-cua-chu-no.html
(1.255/1.255)