(TP) – Toàn bộ việc giao đất cho dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) bị tạm dừng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính nhằm đợi quy định minh bạch hơn. Tuy nhiên, việc tạm dừng này cũng dẫn đến thiệt hại cho một số nhà đầu tư.
Trong khi nhiều dự án BT chưa có đường đã lấy đất, dự án cầu Hiếu ở Nghệ An đã xong nhưng chưa được giao đất
Dự án đầu tư xây dựng Cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu (thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) thực hiện theo hình thức hợp đồng BT khởi công ngày 17/8/2017, thông xe kỹ thuật vào ngày 4/5/2018. Nhà đầu tư dự án (Tập đoàn Cienco 4) đã chi cho dự án này hơn 212 tỷ đồng. Theo hợp đồng, tỉnh Nghệ An đối ứng cho nhà đầu tư 5 khu đất tại khu vực thị xã Thái Hoà. Hiện nay, nhà đầu tư đã ứng trước cho UBND thị xã Thái Hòa kinh phí giải phóng mặt bằng của 4/5 khu đất.
Cầu đã xong, tiền giải phóng mặt bằng đã nộp nhưng Cienco 4 không được nhận đất để thực hiện dự án bất động sản để hoàn vốn và thu lời. Nguyên do: UBND tỉnh Nghệ An phải thực hiện văn bản số 3515/BTC-QLCS ngày 28/03/2018 của Bộ Tài chính.
Trong này, Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công, trong đó có đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Việc tạm dừng này được tiến hành cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, có hiệu lực.
Không chỉ dự án của Cienco 4, toàn bộ các dự án BT trên toàn quốc, trong đó có những tỉnh thành có số lượng dự án BT lớn như Hà Nội, TP HCM… phải đình hoãn. Trong khi đó, dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao được Bộ Tài chính trình từ tháng 10/2017, nhưng đến nay chưa được ban hành.
Tổng mức đầu tư tăng, ai chịu thiệt?
Nếu như các dự án BT khác chưa “xuống tiền” để thi công đỡ thiệt hại hơn thì trường hợp nhà đầu tư đã thi công xong như Cienco 4 ở Nghệ An dẫn đến thiệt hại lớn. Cụ thể, do chưa được bàn giao đất nên nhà đầu tư chưa đủ cơ sở để triển khai khu đô thị để kinh doanh thu hồi vốn, phát sinh lãi vay, tăng tổng mức đầu tư.
Giả sử, với khoản tiền đã đầu tư hơn 212 tỷ đồng, Cienco 4 được phép vay tối đa 85% để thực hiện dự án (hơn 180 tỷ đồng). Nếu tính lãi suất cho dự án BT vào diện thấp nhất hiện nay (khoảng 12%/năm), mỗi tháng, dự án đội thêm 1,8 tỷ đồng. Nếu tính thiệt hại kéo dài dự án cả trên phần vốn tự có của nhà đầu tư, thiệt hại càng lớn hơn.
Trao đổi với Tiền Phong, giáo sư Đặng Hùng Võ cho hay, các chi phí phát sinh đó không do nhà đầu tư gây ra nên họ không phải chịu. Cũng theo Giáo sư Võ, việc Bộ Tài chính ra văn bản dừng toàn bộ các dự án BT là không phù hợp.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, việc “lệch pha” trong quản lý nhà nước không nên để người dân và doanh nghiệp phải chịu.
Việc xây dựng một nghị định mới để quản lý chặt chẽ hơn là cần thiết. Những dự án BT nào phát sinh lệch lạc cần kiểm tra, kiểm toán và xử lý cụ thể, tránh tình trạng “đổi rẻ đất vàng”. Nhưng để tránh tình trạng “treo” quá lâu với số phận các dự án BT đã thực hiện, cần sớm ban hành nghị định với hành lang pháp lý rõ ràng để không làm thất thoát vốn của Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, hài hòa lợi ích cho tất cả những chủ thể tham gia.
BẢO AN
—————————
Tiền phong (Kinh tế) 28-9-2018:
https://www.tienphong.vn/kinh-te/du-an-bt-tam-dung-keo-dai-nha-dau-tu-meo-mat-1327240.tpo
(34/796)