3.540. Nên nới nợ xấu và room tín dụng cho công ty tài chính?

(ĐT) – Do cách thức huy động vốn và cho vay khác với tổ chức tín dụng, nên các công ty tài chính đề xuất được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ nợ xấu. Đồng thời đề xuất tiếp tục được kéo dài thời hạn cơ cấu nợ để hỗ trợ hoạt động của các tổ chức này trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Khách hàng của công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương - nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nhã Chi
Khách hàng của công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương – nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nhã Chi

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, đến nay, tổng vốn điều lệ của 74 công ty tài chính (CTTC) hội viên đạt 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các CTTC.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, phân khúc khách hàng của các công ty này là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương. Đây cũng là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao. Từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ tín dụng khoảng 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu bình quân khoảng 9 – 10%, cao hơn hẳn mức 6% vào thời điểm cuối năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm.

Theo ông Hùng, các CTTC đang gặp khó khăn do một số quy định pháp lý. Cụ thể, các quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu, trách nhiệm của CTTC, nguồn trả nợ của khách hàng… chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của CTTC có mức độ rủi ro của khách hàng ở mức cao hơn so với các loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) khác.

Do đó, nhiều CTTC đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng, hoặc nới lỏng room tín dụng sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ các công ty cung ứng vốn cho người dân phục hồi kinh doanh hoặc cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đại diện Công ty Tài chính TNHH HD Saison kiến nghị NHNN không đánh đồng quy định về tỷ lệ nợ xấu tại CTTC với ngân hàng. Bởi theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ xấu của các CTTC khoảng 8 – 10%, nếu để mức 3% như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ số tài chính của các công ty. Đây sẽ là chỉ số tài chính rất tiêu cực khi NHNN xét chỉ tiêu, cũng như mức độ tăng trưởng tín dụng cho các CTTC trong năm kế tiếp.

Đại diện Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit) kiến nghị NHNN cân nhắc duyệt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các CTTC và cần chú ý tính đặc thù của các CTTC để có chính sách riêng.

Đại diện Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cho biết, đặc trưng nổi bật về khách hàng của Công ty là khách hàng dưới chuẩn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nên không có khả năng trả nợ, do đó khả năng thu hồi nợ trong năm 2021 sẽ rất khó khăn. Đại diện SHB Finance kiến nghị, trong năm 2022, NHNN cần cho các CTTC chủ động cũng như cho phép thời hạn cơ cấu nợ dài hơn. NHNN cũng nên xem xét giãn lộ trình trích lập dự phòng rủi ro bổ sung cho các khoản cơ cấu nợ theo quy định tại Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 để các CTTC có nội lực, đủ năng lực về tài chính, có khả năng huy động vốn, tăng vốn điều lệ tiếp tục duy trì cho vay ra thị trường.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, CTTC và TCTD có cách thức huy động vốn và cho vay khác nhau, mức độ rủi ro và tác động đến thị trường khác nhau nên cần có các quy định khác nhau. Các TCTD huy động lượng vốn lớn từ người dân và chủ yếu cho vay có tài sản bảo đảm trong khi các CTTC huy động vốn từ các tổ chức, cho vay không có tài sản bảo đảm và lãi suất cho vay ở mức rất cao, từ 20 – 50%, tức là gấp 2 thậm chí gấp 5 lần mức cho vay của TCTD. Vì vậy, việc áp quy định về hạn mức tín dụng và nợ xấu của CTTC như các TCTD là không hợp lý. Hay nói cách khác, nếu giới hạn tỷ lệ nợ xấu của các TCTD ở mức 3% thì của CTTC ít nhất phải ở mức 6% và hạn mức tín dụng cũng vậy. Tuy nhiên, bên cạnh việc linh hoạt về tỷ lệ nợ xấu và hạn mức tín dụng của các CTTC, cũng cần chú trọng giám sát chặt tính tuân thủ của các CTTC, đảm bảo các con số công bố là thực chất.

Nguồn:Báo đấu thầu, 02/11/2021

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,247