270. Rắc rối giao dịch ngoại hối

Rắc rối giao dịch ngoại hối

(KTSG) – Qua vụ án buôn lậu của Công ty Nhật Cường, một lần nữa đã cho thấy những sai phạm nghiêm trọng cũng như sự phức tạp diễn ra trên thực tế đối với giao dịch ngoại hối nói chung và việc thanh toán bằng ngoại tệ qua biên giới nói riêng.
Rắc rối giao dịch ngoại hối
Giao dịch ngoại hối bị cấm trong rất nhiều trường hợp và bị hạn chế một cách chặt chẽ. Ảnh: HOÀNG TÂN
Hạn chế giao dịch ngoại hối

Giao dịch ngoại hối nói chung, ngoại tệ nói riêng được quy định tại khá nhiều văn bản như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, Nghị định 70/2014/NĐ-CP, Thông tư 32/2013/TT-NHNN và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Ngoại hối bao gồm ngoại tệ, giấy tờ có giá và phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ; vàng (trừ vàng trang sức) và tiền đồng trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Trên lãnh thổ Việt Nam, giao dịch ngoại hối bị cấm trong rất nhiều trường hợp và bị hạn chế một cách chặt chẽ trong đa số các trường hợp được phép thực hiện như sau:

Thứ nhất, không được thực hiện mọi giao dịch nói chung bằng ngoại hối như: cho mượn, cho tặng, cho vay, góp vốn đầu tư hợp tác kinh doanh, gửi giữ, mua bán, thanh toán, trao đổi; các giao dịch liên quan đến giá cả hàng hóa, dịch vụ như: báo giá, điều chỉnh giá, định giá, ghi giá, niêm yết giá, quy đổi giá, quảng cáo; các giao dịch để bảo đảm nghĩa vụ dân sự như: cầm cố, cầm đồ, đặt cọc, đặt cược, đặt tiền, đặt trước, ký cược, ký quỹ và các giao dịch tương tự khác, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

Trên thực tế có nhiều hình thức giao dịch, như chỉ nhận tiền đồng ở Việt Nam, sau đó bù trừ với đầu kia ở nước ngoài, mà không có hoạt động thanh toán hay chuyển tiền qua biên giới, nên không dễ gì xác định thuộc trường hợp vi phạm nào và thậm chí là có vi phạm hay không.

Thứ hai, được thực hiện một số giao dịch bằng ngoại hối như: bán và gửi tại các ngân hàng, chuyển và mang ra nước ngoài, đầu tư vào và ra khỏi Việt Nam, nhận tiền kiều hối từ nước ngoài, thanh toán hợp đồng xuất nhập khẩu, vay vốn và trả nợ nước ngoài, nhưng phải thực hiện một số điều kiện nhất định như khai báo hải quan vượt hạn mức, giao dịch thông qua ngân hàng.

Tự do giao dịch ngoại hối

Tuy nhiên, bên cạnh những quy định hạn chế nói trên, thì đồng thời vẫn có một số trường hợp được tự do thực hiện giao dịch ngoại hối như(1):

Thứ nhất, cá nhân được tự do thực hiện một số giao dịch bằng ngoại hối trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam không kèm theo điều kiện như: cất giữ, để lại và nhận thừa kế, góp vốn thành lập và tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, mang theo người, tích trữ, vận chuyển ở trong nước;

Thứ hai, cá nhân, pháp nhân được tự do thực hiện các giao dịch không phải là giao dịch vốn, cụ thể là “tất cả các giao dịch thanh toán và chuyển tiền đối với giao dịch vãng lai giữa người cư trú và người không cư trú được tự do thực hiện”.

Đối với giao dịch vãng lai, có nhiều giao dịch ngoại hối của cá nhân mà pháp luật ngoại hối không cấm và cũng chưa có quy định cụ thể, như giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài. Theo các quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2006, Pháp lệnh Ngoại hối và các quy định khác của pháp luật hiện hành, đối với các hoạt động liên quan đến thanh toán quốc tế mà pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể, thì các bên được lựa chọn áp dụng theo các điều ước quốc tế, theo tập quán quốc tế, theo sự thỏa thuận của các bên và theo pháp luật của nước ngoài.

Bối rối giao dịch ngoại hối

Cái khó là pháp luật ngoại hối khá phức tạp, mà người dân và doanh nghiệp, thậm chí cả ngân hàng cũng không dễ dàng phân biệt giữa các trường hợp bị cấm, hạn chế và được tự do thực hiện giao dịch ngoại hối như nêu trên.

Trên thực tế, tình trạng mua bán, thanh toán và nhận làm dịch vụ chuyển ngoại tệ khá phổ biến tại các cửa hàng vàng. Trong khi đó, pháp luật chỉ cho phép các ngân hàng và một số ít tổ chức khác được thanh toán, mua bán (thu đổi) ngoại tệ.

Tất cả các đại lý đổi ngoại tệ của ngân hàng chỉ được phép mua vào ngoại tệ để giao lại cho ngân hàng, chứ không được phép bán ngoại tệ cho người khác trong mọi trường hợp. Các cửa hàng vàng càng không được phép thực hiện bất kỳ giao dịch ngoại tệ nào.

Điều này có nghĩa là, ngoại trừ trường hợp duy nhất được bán ngoại tệ cho các đại lý đổi ngoại tệ hợp pháp, mọi hoạt động mua bán, thanh toán hay chuyển tiền ngoại tệ tại bất kỳ đại lý đổi ngoại tệ cũng như cửa hàng vàng nào đều là bất hợp pháp. Ngay các cửa hàng vàng hoạt động kinh doanh mua bán vàng hợp pháp, cũng chỉ được mua bán vàng miếng khi có giấy phép riêng đối với hoạt động này.

Vi phạm về việc mua bán và thanh toán ngoại tệ trong các trường hợp không được phép như đối với các cửa hàng vàng có thể bị phạt cảnh cáo nếu giá trị dưới 1.000 đô la Mỹ; vi phạm trên mức đó thì có thể bị phạt từ 10-200 triệu đồng và còn có thể bị tịch thu số tiền vi phạm(2).

Vi phạm về việc chuyển, mang ngoại tệ cũng như tiền đồng ra và vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, thì có thể bị phạt tiền từ 30 -50 triệu đồng và bị tịch thu số tiền vi phạm(3). Người giao dịch ngoại tệ trái phép còn có thể phạm tội hình sự với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù đối với tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; 15 năm tù đối với tội rửa tiền và 20 năm tù đối với tội buôn lậu ngoại tệ qua biên giới(4).

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều hình thức giao dịch, như chỉ nhận tiền đồng ở Việt Nam, sau đó bù trừ với đầu kia ở nước ngoài, mà không có hoạt động thanh toán hay chuyển tiền qua biên giới, nên không dễ gì xác định thuộc trường hợp vi phạm nào và thậm chí là có vi phạm hay không.

Cuối cùng, việc cấm “mọi giao dịch” bằng ngoại hối trong Pháp lệnh Ngoại hối và việc cấm “sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán” theo quy định của Chính phủ là trái với quy định “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật” trong Bộ luật Dân sự(5). Vì vậy, nếu vẫn duy trì quy định cấm này thì buộc phải được luật hóa.

(*) Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

(1) Điều 6 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2013; điều 4, điều 13 Nghị định 70/2014/NĐ-CP.

(2) Các khoản 1 – 5, điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP.

(3) Khoản 4, điều 23, Nghị định 88/2019/NĐ-CP

(4) Điều 189, điều 324, điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

(5) Khoản 2, điều 2, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Luật sư Trương Thanh Đức

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC

——————–

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Chứng khoán) 21-01-2021:

https://www.thesaigontimes.vn/312852/rac-roi-giao-dich-ngoai-hoi.html

(1.390)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,941