(DĐDN) – Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng trong thời điểm này, không chỉ ngân hàng mà tất cả doanh nghiệp phải hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.
Câu chuyện giảm lãi suất, cơ cấu khoản nợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang trở thành chủ đề nóng ở thời điểm hiện tại. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp “sốt ruột” cầu cứu ngân hàng ra tay tương trợ thì nhiều người lại cho rằng việc giảm lãi suất, giãn nợ không phải là giải pháp căn cơ và có thể ảnh hưởng đến “sức khỏe” của các tổ chức tín dụng.
Về vấn đề này, Tạp chí Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI.
-Xin luật sư cho biết quan điểm về đề xuất các ngân hàng cơ cấu các khoản nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại?
Theo quan điểm cá nhân, việc ngân hàng cơ cấu các khoản nợ và lãi suất cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại là vô cùng cần thiết nhưng phải làm bằng cách nào cho đúng luật, đúng nguyên tắc mới quan trọng.
Tôi cho rằng, việc hỗ trợ, cứu doanh nghiệp là của Nhà nước. Ngoại trừ các ngân hàng 100% vốn Nhà nước thì ngân hàng cổ phần có giải lãi suất hay không căn cứ theo tình hình kinh doanh và quyết định của họ.
Ngành ngân hàng kinh doanh theo cơ chế thị trường. Họ chỉ cần giúp đỡ một cách tối đa và hỗ trợ khi có lý do chính đáng.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI.
Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, chúng ta phải nhìn vào thực tế, nợ xấu phải nói nợ xấu, nguy hiểm phải nói nguy hiểm, trầm trọng phải nói là trầm trọng. Tinh thần hỗ trợ là “lá rách ít bọc lá rách nhiều” thôi chứ ngâ hàng cũng không phải bỏ mặc doanh nghiệp không cho vay.
Trên tinh thần hiện nay, chủ động kêu gọi là chung, không chỉ ngân hàng mà tất cả doanh nghiệp phải hỗ trợ nhau.
Đầu tiên, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế như thế nào để giảm lãi suất. Thứ 2 là động viên, thuyết phục ngân hàng giảm theo kiểu kinh tế thị trường mà không phải bắt buộc, yêu cầu. Thực tế, thị trường kinh tế muốn sống, tồn tại, phục vụ doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải phát triển được. Muốn hạ giá thì ngân hàng cũng phải giữ nguyên tắc của ngân hàng, phải chuẩn, phải chất lượng, đảm bảo duy trì hoạt động của ngân hàng không bị ảnh hưởng hay thua lỗ.
-Cần có những tiêu chí đánh giá nào để các ngân hàng hỗ trợ đúng đối tượng cần thiết, thưa luật sư?
Đương nhiên tiêu chí thì cũng giống hệt trước đây thôi, không khác gì cả. Nguyên tắc quan trọng nhất là khả năng tài chính của ngân hàng chấp nhận được thì mới giảm được lãi suất. Với bối cảnh như hiện nay, không thể nào là chia lãi cao hơn năm ngoái, không thể chia lãi cao hơn nhiều mặt bằng bình quân của nền kinh tế.
Có thể hiểu việc gia hạn, cơ cấu lại nợ bản chất là việc ngân hàng tự đánh giá, tạo điều kiện để nuôi nợ, để doanh nghiệp phục hồi, tồn tại.
Theo tôi, doanh nghiệp nào còn phát triển được thì ngân hàng xem xét hỗ trợ, nếu doanh nghiệp “hết cửa” tồn tại thì nên ngân hàng cũng nên cân nhắc. Vì không thể cùng nhau chết chìm được. Vì vậy, tôi cho rằng phải phân loại các doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ cho hợp lý.
Một điều chắc chắn ngân hàng không thể cứu hết được các doanh nghiệp trên cả nước. Họ phải nhìn nhận phương án, dự án có hiệu quả không, khả thi không, có khả năng tài chính, có nguồn thu không để còn trả nợ sau này.
-Theo ông, giải pháp nào để phía ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh của ngân hàng?
Theo tôi, quan trọng nhất là ngân hàng phải đánh giá chính xác được khả năng hỗ trợ của mình và hỗ trợ những ai. Hỗ trợ một cách tối đa, tốt nhất không phải là vì đạo đức, vì chính trị mà phải vì chính mình. Mình không cứu được khách hàng, khi khách hàng “chết” thì mình “chết” theo. Kiểu gì ngân hàng cũng phải đồng hành với doanh nghiệp.
Ngoài ra, phải tuỳ quy mô và sức khoẻ của ngân hàng để đảm bảo “cứu” xong doanh nghiệp mà không khiến ngân hàng thua lỗ. Cuối cùng cần phải thận trọng đánh giá đối tượng doanh nghiệp sẽ hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả. Đó mới là vấn đề quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp là đảm bảo tương lai của mình Tiến sĩ Kinh tế Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi cho rằng, “vaccine ngân hàng” với các “tác dụng” hạ lãi suất, giãn nợ bây giờ chính là một trong những biện pháp cứu cánh cho doanh nghiệp. Bởi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều chính sách, chủ trương để hỗ trợ doanh nghiệp như cấp “luồng xanh” trong lưu thông hàng hóa, tiêm vaccine, tìm đầu ra cho sản phẩm… thì bây giờ cộng đồng doanh nghiệp cần được các ngân hàng hỗ trợ”. Theo ông Trần Khắc Tâm, ở một mặt khác, chúng ta thấy rằng doanh nghiệp có khoẻ, có cầm cự được và vượt qua được khó khăn thì hoạt động ngân hàng mới lành mạnh và phát triển tốt được. Các ngân hàng hỗ trợ tốt đội ngũ doanh nghiệp cũng là bảo đảm tương lai của chính mình. Cũng đáng mừng là trong thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản về vấn đề này. Gần đây một số ngân hàng thương mại lớn đã tuyên bố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng biện pháp hạ lãi suất cho vay. Chúng tôi hy vọng các ngân hàng thương mại có nhiều động thái và quyết định mạnh mẽ hơn nữa, vì nhiệm vụ chung là khôi phục kinh tế đất nước trong tương lai gần. |
Hải Đăng – Hoa Trần (Thực hiện)
Nguồn: Diễn đàn Doanh Nghiệp, 24/08/2021