3.464. Tập kết hàng hoá “chui” ở bến xe Nước Ngầm: Tiền vào túi ai?

(LĐ) – Những sai phạm tại bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã rõ ràng. Tuy nhiên, thông tin sau các buổi làm việc của các cơ quan chức năng chưa đề cập tới có hay không việc thu phí vào bến gấp cả chục lần quy định? Số tiền thu được đi về đâu và ai là người chỉ đạo, cho phép việc này diễn ra?

Làm rõ nguồn thu bất hợp pháp

Theo chia sẻ của các tài xế, để có “lốt” đỗ trong bến xe Nước Ngầm, họ phải trả số tiền từ 300-500 nghìn đồng.

“Mỗi ngày, chúng tôi phải trả 300.000 đồng. Muốn có lốt thì phải nói chuyện ‘làm sân’ trước, không phải thích là vào được. Xe tải cỡ lớn giá khoảng 400.000 – 500.000 đồng/ngày”, chủ nhà xe T.T (chuyên tuyến Thanh Hoá – Hà Nội) nói.

Tuy nhiên, trong báo cáo của lãnh đạo Công ty CP Đầu tư phát triển ngành Nước và Môi trường (đơn vị chủ quan bến xe Nước Ngầm) với các ban ngành chức năng lại không đề cập đến vấn đề thu tiền trái quy định này.

Báo cáo không chính xác vụ tập kết hàng hoá “chui” ở bến xe Nước Ngầm.

Trong biên bản làm việc với bến xe Nước Ngầm, có sự tham gia của đại diện các cơ quan phường Hoàng Liệt như Ban Địa chính – Xây dựng đô thị, Công an phường và Đội Cảnh sát Giao thông trật tự phản ứng nhanh (Công an quận Hoàng Mai) cũng không đề cập đến việc thu tiền của tài xế để được tập kết hàng hoá.

Trao đổi với Lao Động, các chuyên gia pháp lý cho rằng – cần phải làm rõ số tiền trên được hạch toán như thế nào. Khi bến xe Nước Ngầm tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc thu tiền như vậy có hoá đơn, chứng từ hay không.

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty luật ANVI (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là nguồn thu bất hợp pháp. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải xác minh, điều tra kỹ lưỡng xem có khả năng khoản thu bị bỏ ngoài sổ sách, kê khai hay không.

Luật sư Lê Minh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, về việc thu tiền không có hóa đơn, chứng từ, không theo biểu phí và không tuân thủ quy định về việc tạm dừng hoạt động, cần phải làm rõ ai là người thu tiền và thu theo chế độ nào?

Trường hợp đơn vị quản lý bến xe thu tiền trái quy định thì phải áp dụng các quy định về tài chính để xử lý (ví dụ việc không xuất hóa đơn thu trên 250.000 đồng…). Còn đối với các đối tượng khác sử dụng bến bãi không được sự đồng ý của Bến xe thì có thể bị xử lý về hành vi “Sử dụng trái phép tài sản”.

Vi phạm nhiều quy định

Còn việc tập kết hàng hoá “chui” tại bến xe Nước Ngầm, luật sư Lê Minh cho rằng, đã vi phạm nhiều quy định.

Cụ thể, theo Chỉ thị số 17 và Công văn số 2704/UBND-KT của UBND thành phố Hà Nội, hoạt động vận tải hàng hóa, kho bãi phục vụ hoạt động vận tải vẫn được hoạt động trong thời gian giãn cách, nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.

Hiện nay, Hà Nội chỉ cho phép 5 địa điểm tập kết hàng hóa, nông sản, nhu yếu phẩm. Do đó, việc thực hiện hoạt động kho bãi và tập kết hàng hóa tại nơi không được cho phép là vi phạm quy định.

Trường hợp này, công ty quản lý bến xe có trách nhiệm quản lý và chịu trách nhiệm về chống dịch tại bến xe.

Tuy nhiên, đơn vị vẫn để xảy ra tình trạng tập trung đông người và tiếp tục hoạt động kinh doanh bến, bãi nên có thể bị xử phạt về hành vi “Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người, hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng” theo quy định tại Điểm c, Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP với mức phạt đến 40.000.000 đồng (đối với tổ chức).

Đối với những người khác không tuân thủ quy định về phòng chống dịch cũng có thể bị xử phạt lên tới 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, nếu việc kinh doanh dịch vụ bến bãi gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì người được giao nhiệm vụ quản lý điều hành bến xe có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt lên đến 12 năm tù, hoặc nếu không bị ngăn chặn kịp thời mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả thì có thể bị phạt tù lên tới 2 năm.

Vẫn chưa có quyết định xử lý nào

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, đã có ý kiến với các cơ quan chức năng xem xét bến xe Nước Ngầm vi phạm những khía cạnh nào, thuộc thẩm quyền của lực lượng nào sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và sau đó sẽ có báo cáo tổng thể. Chúng tôi cũng đang chờ kết quả xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn có có quyết định xử lý nào được đưa ra.

Nguồn: Laodong, ngày 21/09/2021

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.424. Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử.

Hỗ trợ kê khai nộp thuế điện tử. (VTV1) - Chương trình có sự tham gia...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,294