2.855. Vẫn nghi ngại việc giao thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho ACV

(TN) – Bộ KH-ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ACV làm chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Việc giao ACV cùng lúc làm T3 và sân bay Long Thành với tổng vốn “khủng” đang làm dấy lên nhiều lo ngại.

Dù là dự án cấp bách, nhưng mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất gặp nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến chọn ai là chủ đầu tư. /// Ảnh Đ.L
Dù là dự án cấp bách, nhưng mở rộng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất gặp nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến chọn ai là chủ đầu tư.

ẢNH Đ.L

Trước đó, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Sau hơn 1 năm thẩm định và cân nhắc, Bộ KH-ĐT cũng đã đồng thuận với đề xuất này, kèm theo một số khuyến nghị liên quan đến hiệu quả của dự án cũng như quy mô dự án.

Cụ thể, quy mô dự án nhà ga T3 có 9 hạng mục chính, trong đó nhà ga 3 tầng có diện tích 110.000 m2. Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT, đề xuất diện tích sàn nhà ga T3 của ACV được xác định trên cơ sở áp dụng mức cao nhất của tiêu chuẩn Việt Nam (16 m2/hành khách). Việc đề xuất quy mô hạng mục nhà để xe và khu dịch vụ hàng không 13 tầng, diện tích 130.000 m2 và các hạng mục khác mới chỉ dựa vào quy hoạch tại Quyết định số 1942/2018 của Bộ GTVT mà chưa có phân tích cơ sở lựa chọn quy mô hợp lý với nhu cầu sử dụng.

Vì vậy, Bộ KH-ĐT đề nghị ACV rà soát, phân tích kỹ về cơ sở lựa chọn quy mô các hạng mục nhằm phù hợp với thực tế, tránh lãng phí.

Đáng chú ý, trong các văn bản góp ý trước đó, Bộ KH-ĐT đã chỉ ra bất hợp lý về tổng vốn đầu tư dự án do ACV đưa ra là 11.430 tỉ đồng. Sau đó, ACV đã giảm 440 tỉ đồng, xuống còn 10.990 tỉ đồng. Hiện Bộ KH-ĐT đang yêu cầu ACV tiếp tục rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư này.

Là một trong những dự án có khả năng sinh lời cao nhất trong lĩnh vực hạ tầng hàng không hiện nay, dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất là đích nhắm của không chỉ ACV mà nhiều doanh nghiệp tư nhân khác. Lý do giao cho ACV, theo Bộ GTVT và sau này là Bộ KH-ĐT, nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2022 và ACV đủ năng lực tài chính để thực hiện.

Tuy nhiên, xét trên khía cạnh cạnh tranh, việc giao cho ACV được thực hiện dự án “béo bở” như nhà ga T3 khiến nhiều ý kiến lo ngại về việc gia tăng độc quyền.

Giao thầu hay đấu thầu?

Trong một diễn đàn đầu tháng 12, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch, đã cho rằng, “cổ phần hóa biến ACV thành một doanh nghiệp kỳ lạ trên thế giới, một nhà phát triển sân bay nhưng không đầu tư, chịu trách nhiệm về khu bay”.

Ông Nam cũng so sánh ACV với Tập đoàn Cảng hàng không Thái Lan (AOT), tập đoàn này đã đầu tư 6 sân bay lớn nhất, từ đường băng, đường lăn, nhà ga…

Đáng chú ý, theo chuyên gia này, ACV đang là doanh nghiệp siêu lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 40 – 50% trong khi các hãng hàng không như Vietnam Airlines chỉ 2 – 3%, Vietjet cao hơn cũng chỉ 7 – 8%.

Theo ông Nam, cấu trúc đầu tư, quản lý, vận hành sân bay cần phải xem xét một cách hợp lý, do đang có sự không cân xứng về mặt lợi ích giữa các doanh nghiệp hàng không và ACV.

Việc giao ACV được thực hiện 2 dự án sân bay lớn nhất tới đây là T3 Tân Sơn Nhất và Long Thành có thể tiếp tục tăng thêm vị thế độc quyền của doanh nghiệp này.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, không có lý do gì để chỉ giao ACV làm nhà ga T3. Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn hoàn toàn có thể đấu thầu sòng phẳng với ACV. Không nên để ACV độc quyền đầu tư, khai thác, kinh doanh cảng hàng không như hiện nay.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thành viên Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư, ngay từ khâu chuẩn bị lập dự án đầu tư, đều “nhắm” đến việc giao ACV làm chủ đầu tư, không có chủ trương đấu thầu hay bài thầu nào được đưa ra để các nhà đầu tư khác được cạnh tranh sòng phẳng với ACV.

“Về mặt pháp lý thì đây là điều rất bất thường vì được chuẩn bị trong một thời gian khá dài, nhưng dường như mọi thứ đều được dồn cho duy nhất ACV. Trong khi theo luật Đấu thầu và luật Đầu tư, với một dự án đầu tư như vậy, lẽ tất nhiên là phải đấu thầu để tăng sự minh bạch, giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án. Chỉ định thầu chỉ đặt ra trong trường hợp cấp bạch đặc biệt mà gần như không còn lựa chọn nào khác”, ông Đức nói.

Luật sư Đức cũng cảnh báo, việc giao thầu cho ACV – doanh nghiệp 95% vốn nhà nước, có thể khiến doanh nghiệp này gặp vướng mắc lớn về thủ tục, thẩm quyền khi triển khai và tiến độ dự án có thể sẽ bị kéo dài thay vì rút ngắn.

Tại quyết định số 236 ngày 23.2.2018 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Thủ tướng đã chỉ rõ: “Huy động tối đa mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng hàng không và cung cấp dịch vụ hàng không”.

Tuy nhiên, mọi công tác chuẩn bị đầu tư dự án đều nhắm đến việc giao ACV làm chủ đầu tư, không có bài thầu nào được đưa ra để các nhà đầu tư khác đấu thầu cạnh tranh, phải được coi là một sự bất thường đáng lo ngại.

——————

Thanh niên (Tài chính – kinh doanh) 27-12-2019:

Vẫn nghi ngại việc giao thầu nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cho ACV (thanhnien.vn)

(224/1.155)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,780