3.450. Âu lo trước thuế tối thiểu toàn cầu
(KTSG) – Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2024. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn FDI của Việt Nam khi mà lâu nay vẫn dựa vào chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư.
Bình Dương, địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong những năm qua, gần đây đã phải lên tiếng về khả năng giảm lợi thế cạnh tranh thu hút FDI của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Bởi lẽ đến nay, khoảng 140 quốc gia trên thế giới đã đạt thỏa thuận áp thuế tối thiểu toàn cầu 15%.
Mức thuế này áp dụng với các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên, bắt đầu từ năm 2024. Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước nơi họ có trụ sở chính.
“Điều này sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung”, ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, nhận định tại hội thảo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vào hồi trung tuần tháng 3 vừa qua.
Xét về mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý.
Tuy nhiên, một khi quy tắc này được các nước áp dụng thì có thể làm giảm tính hấp dẫn, cạnh tranh trong thu hút FDI của những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Bởi lẽ tại Việt Nam, ưu đãi thuế lâu nay được xem là một trong những công cụ rõ ràng để hấp dẫn các nhà đầu tư thuộc các lĩnh vực ưu tiên hoặc với các công ty đa quốc gia, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Do đó, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các nhà đầu tư sẽ phải nộp bổ sung phần thuế chênh lệch về chính quốc, khiến các biện pháp ưu đãi thuế không còn mang lại nhiều tác dụng.
“Lâu nay chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được xem là một lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thu hút đầu tư của Việt Nam so với các nước khác”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhận định và cho rằng: “Nếu những ưu đãi về thuế không còn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút các tập đoàn lớn, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư của Việt Nam”.
Tương tự, theo ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, khi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, chắc chắn nguồn vốn FDI, trong đó có đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, sẽ bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, nhiều năm qua, bên cạnh chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh, nguồn lao động trẻ với chi phí thấp,… thì việc ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn FDI vào Việt Nam.
Lấy đơn cử như chính sách ưu đãi đối với các dự án công nghệ cao, nhà đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu và giảm 50% trong chín năm tiếp theo. Những năm sau đó, nhà đầu tư được hưởng thuế suất 10% trong 10-15 năm, thậm chí có dự án được kéo dài đến 30 năm.
Không chỉ đầu tư vào khu công nghệ cao, chính sách ưu đãi này cũng được áp dụng cho các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp,… miễn dự án đó được công nhận là công nghệ cao. Từ đó mà trong thời gian qua, Việt Nam đã thu hút được hàng chục tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư của các tập đoàn lớn như Intel, Samsung, LG, Foxconn…
Hiện tại hơn 50% sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung bán trên toàn cầu là sản xuất tại Việt Nam. Ngay cả các sản phẩm nổi tiếng của Apple cũng được các đối tác của thương hiệu táo khuyết này ngày càng gia tăng ráp, sản xuất ở Việt Nam,…
Những dự án đầu tư vào các địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn cũng được hưởng ưu đãi thuế cao tương đương với ưu đãi của các dự án được công nhận công nghệ cao…
Đáng chú ý, đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, tùy vào việc đáp ứng được đến mức độ nào các tiêu chí mà Chính phủ đặt ra, các nhà đầu tư chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các mức 5%, 7% và 9% trong vòng 30-37 năm.
Tuy nhiên, với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, thì các biện pháp ưu đãi thuế đó sẽ xem như vô hiệu. Vì thế mục tiêu thu hút nhà đầu tư “đại bàng” của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Quốc Hùng
—————
Kinh tế Sài Gòn (Kinh doanh) ngày 27-3-2023:
(85/1.015)